STNN - Ngành chuối Peru đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ bệnh héo Fusarium chủng nhiệt đới 4 (TR4), còn được gọi là "cái chết đen" cho chuối. Loại bệnh này có thể tàn phá 80% sản lượng chuối và ảnh hưởng đến an ninh lương thực của cả khu vực.
- Ngành nho Peru tăng trưởng mạnhPeru: Mô hình hợp tác xã giảm áp lực thuế cho người trồng chuối
- Các giống quýt “dễ bóc” đã nâng cao lượng xuất khẩu của Peru
Chuối vàng và chuối mễ (hay còn gọi là chuối táo quạ, chuối tá quạ) rất quan trọng đối với an ninh lương thực ở hầu hết các quốc gia ở châu Mỹ Latinh và Caribe. Ở Peru, diện tích trồng các loại cây này chiếm khoảng 175.000 ha. Năm 2021, sản lượng chuối vàng và chuối mễ ở Peru đạt 2,3 triệu tấn, trở thành loại trái cây có sản lượng cao nhất của nước này.
Bệnh héo Fusarium chủng nhiệt đới 4 (TR4), được xác nhận cho đến nay ở Colombia, Peru và gần đây ở Venezuela, đã đặt các khu vực trồng chuối vàng và chuối mễ trên toàn khu vực vào tình trạng báo động. Bệnh này tác động từ rễ và xâm nhập vào cây cho đến khi gây chết cây, có thể ảnh hưởng đến 80% số cây chuối vàng và chuối mễ, làm ô nhiễm đất trong hơn 30 năm.
Cơ quan Y tế Nông nghiệp Quốc gia Peru (SENASA), cùng với INIA và các cơ quan liên quan tiếp tục nỗ lực ngăn chặn căn bệnh TR4, căn bệnh đã xuất hiện ở vùng Piura từ năm 2021. SENASA báo cáo rằng cho đến nay, các đợt bùng phát đã được xác nhận chỉ ở 509 ha nằm ở Sullana và Paita - các khu vực đã được cách ly và vẫn được các chuyên gia theo dõi liên tục.
SENASA tuyển dụng 100 chuyên gia chuyên giám sát 93.000 ha chuối trên toàn quốc, làm việc để phát hiện bất kỳ sự xuất hiện nào của dịch hại và thực hiện các hành động kiểm soát ngay lập tức, bao gồm cả việc loại bỏ ổ dịch, để bảo vệ hơn 170.000 ha chuối vàng và chuối mễ ở Peru.
Ngoài ra, SENASA còn có các đội được huấn luyện để kiểm soát sự xâm nhập bằng cách rào chắn các đợt bùng phát, loại bỏ các cây bị ảnh hưởng, chôn các mảnh vụn thực vật, bón phân urê và đặt các tấm nhựa để ngăn chặn sâu bệnh lây lan. Nhân viên SENASA cũng có mặt tại ba trạm xác minh ở Sullana và tại một trạm khử trùng container ở Paita, giám sát Thung lũng Chira, nơi phát hiện loài gây hại.
Cùng với các hoạt động kiểm dịch, SENASA còn tiến hành một chương trình đào tạo chuyên sâu trên toàn quốc ở mọi cấp độ. Chương trình này đã cung cấp kiến thức cho hơn 14.000 người, bao gồm nông dân, cán bộ khuyến nông, thương lái, người thu hoạch, vận chuyển và cả người dân nói chung về các vấn đề phòng ngừa dịch bệnh.
Chương trình tập trung vào an toàn sinh học (biosecurity), ví dụ như tổ chức các buổi diễn tập ứng phó khi dịch bệnh bùng phát tại các vùng trồng chuối chính của Peru. Nhờ đó, mọi người có thể cùng nhau ngăn chặn dịch bệnh TR4 lây lan.
Đồng thời, Cơ quan Y tế Nông nghiệp Quốc gia đang đang tiến hành các thủ tục để cho phép nhập khẩu cây chuối giống trong ống nghiệm (in vitro) phục vụ nghiên cứu và nhân giống. Cơ quan này cũng đang đẩy nhanh việc đánh giá rủi ro dịch bệnh để đảm bảo an toàn thực vật cho các lô nhập khẩu này.
Theo SENASA, hiện tại việc nhập khẩu cây chuối in vitro từ Panama, Costa Rica, Tây Ban Nha, Cộng hòa Dominican, Honduras, Ai Cập, Brazil, Bỉ và Mexico đã được phê duyệt. Việc nhập khẩu từ Pháp và Israel cũng sắp được thông qua.
Minh Ngọc