Phát triển bền vững, cung cấp thực phẩm an toàn từ mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

STNN - Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, khoảng 200.000 người đã tử vong mỗi năm do ảnh hưởng của thuốc trừ sâu lên sản phẩm thực phẩm. Chính vì vậy, tiêu dùng các sản phẩm được trồng theo phương thức hữu cơ vẫn luôn là lựa chọn được khuyến khích. Các sản phẩm hữu cơ trên thị trường đang tăng mạnh và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Là một nước nông nghiệp truyền thống, Việt Nam có nhiều tiềm năng xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ.

Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch

Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức canh tác nông nghiệp tránh hoặc hạn chế sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng hoặc các phụ gia trong thức ăn cho gia súc. Theo quan điểm của Tổ chức Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế (IFOAM): “Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất”. Chính vì vậy, nông nghiệp hữu cơ chính là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch.

Cũng theo IFOAM: “Vai trò của nông nghiệp hữu cơ, dù trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người”.

Những năm gần đây, nông dân toàn thế giới, trong đó có người nông dân Việt Nam, lựa chọn sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm mục đích đảm bảo sức khỏe cho chính gia đình của họ, có thu nhập cao hơn, bảo vệ môi trường và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Thực phẩm hữu cơ bao gồm các loại sản phẩm từ cây trồng (rau, củ, quả...) và các sản phẩm từ vật nuôi (thịt, trứng, sữa), các nhà máy sau đó sẽ sản xuất ra những thực phẩm hữu cơ khác như: nước ép rau củ hoặc trái cây, snack, phô mai,...

Nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng

Ở Việt Nam, lịch sử canh tác hữu cơ đã hình thành từ lâu, nông nghiệp Việt Nam là ngành có lợi thế so sánh bởi tính đa dạng và quy mô sản lượng; nhiều loại nông sản của nước ta có sản lượng hàng đầu thế giới, bên cạnh đó cũng có nhiều loại nông sản có tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác một cách hợp lí, đặc biệt là thủy sản, rau quả và dược liệu. Song, các chính sách về việc đầu tư, quảng bá, xúc tiến thương mại, khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất hữu cơ còn hạn chế, chưa khai phá hết tiềm năng của diện tích nông nghiệp ở Việt Nam. Mặt khác, biến đổi khí hậu có những ảnh hưởng khá tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, đồng thời gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiêp hữu cơ ngày càng tăng, điều này khiến cho sản xuất nông nghiệp dần trở thành xu hướng tất yếu. Tại nhiều địa phương, nhiều người nông dân đã kiên trì theo đuổi sự nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thay đổi được tập quán canh tác vì sức khỏe của chính bản thân và người tiêu dùng.

Vai trò của nông nghiệp hữu cơ

Thực phẩm sạch là ưu tiên số 1 của đa số người tiêu dùng dựa trên khảo sát của 442 người tiêu dùng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10/2018 (ảnh: goldensandcorp.com.vn).

Đối với con người, theo tổ chức Lương Nông Thế giới, chỉ cần giảm sử dụng các loại thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh và diệt cỏ dại sẽ làm giảm được 3 triệu người mỗi năm trên thế giới không mắc phải các loại bệnh nguy hiểm đến sức khỏe con người như ung thư, thần kinh, tim mạch, huyết áp v.v.. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân, nhất là ở các địa phương nghèo, tận dụng tối đa các lợi thế có sẵn từ thiên nhiên như diện tích canh tác, đất đai, khí hậu thuận lợi.

Ngoài ra, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ còn giúp cải thiện, duy trì cảnh quan thiên nhiên, hạn chế các hành vi khai thác quá mức gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên không thể tái tạo; cân bằng hệ sinh thái và bảo tồn sự đa dạng của sinh học.

Xu hướng lựa chọn thực phẩm hữu cơ

Theo các chuyên gia, vấn nạn về thực phẩm “bẩn” hay những vấn đề xoay quanh việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang ngày càng gia tăng; điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng; đó là lý do khiến họ tìm đến thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ nhiều hơn và lựa chọn nó cho bữa ăn hằng ngày.

Ngày nay, khi đời sống vật chất ngày càng phát triển, mối quan tâm hàng đầu của con người sẽ là vấn đề sức khỏe; bên cạnh đó, việc tiếp nhận thông tin về các lối sống lành mạnh và khoa học dễ dàng hơn khiến người dân ngày càng có ý thức về việc sử dụng thực phẩm sạch. Các sản phẩm được sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ đảm bảo không có thuốc trừ sâu và không sử dụng chất kích thích tăng trưởng; hương vị của các thực phẩm hữu cơ cũng thơm ngon, giảm thiểu nguy cơ gây ra các bệnh nguy hiểm.

Từ các nghiên cứu của các nhà khoa học, các loại rau quả hữu cơ được sản xuất theo đúng quy trình sẽ mang lại lợi ích dinh dưỡng cao, độ ngon ngọt nhất định. Nhờ vậy, các sản phẩm này tạo đựng được niềm tin đối với người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, xu hướng dùng thực phẩm hữu cơ ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi, báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen cho thấy, tại Việt Nam có 86% người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic (thực phẩm hữu cơ) cho bữa ăn hàng ngày vì tính an toàn, giàu dinh dưỡng và hương vị.

Sản xuất và tiêu dùng thực phẩm hữu cơ ngày càng được quan tâm không chỉ ở các quốc gia phát triển mà còn ở các nước đang phát triển như Việt Nam, khi mà những vấn đề về thực phẩm bẩn, và tổn dư kháng sinh cao dẫn đến các vấn đề về ngộ độc thực phẩm, cũng như những ảnh hưởng sức khỏe to lớn do Covid-19 khiến người dân quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe cũng như chất lượng sống.

Hiện nay, trên thị trường, rất nhiều hệ thống siêu thị như Co.opmart, Winmart, Lotte Mart, MM Mega Market... đều có sự xuất hiện của mặt hàng thực phẩm hữu cơ. Tại hệ thống Co.opmart có 4 nhóm thực phẩm hữu cơ được đưa vào kinh doanh, mang thương hiệu Co.op Organic đạt tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu với các sản phẩm gạo: Jasmine, Japonica, cà chua, bí đao...

Trên các trang mạng xã hội, thực phẩm hữu cơ đang trở thành một “cơn sốt”, hàng loạt các nhóm “Thực phẩm hữu cơ organic”, “Thực phẩm hữu cơ tự nhiên”, “Sức khỏe gia đình - Thực phẩm hữu cơ”… được lập với hàng chục nghìn thành viên, các bài đăng bán hàng liên tục xuất hiện với hình ảnh sản phẩm được chụp tại nông trại sản xuất và nhận được nhiều tương tác của các thành viên.

Các thông tin được hiển thị đầy đủ trên bảng thành phần (ảnh: goldensandcorp.com.vn).

Đặc điểm chung của các sản phẩm thực phẩm hữu cơ đang được bày bán trên hệ thống siêu thị uy tín, là có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trên mỗi sản phẩm đều có mã vạch giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc và quá trình vận chuyển sản phẩm.

Để nhận biết các loại thực phẩm hữu cơ, đặc biệt là hàng hóa xuất/nhập khẩu, người mua có thể nhìn vào tem nhãn trên bao bì sản phẩm như: Chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Ủy ban Hữu cơ Quốc gia (USDA) là chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt nhất; các sản phẩm chứa 95% thành phần hữu cơ mới được phép sử dụng logo; hay nhãn “Made with Organic Ingredients” dành cho các sản phẩm có ít nhất 70% organic ingredients và không có sulfites…

Hướng đến nền công nghiệp sạch và bền vững

Xác định được tiềm năng to lớn để phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng, trong những năm tới, ngành nông nghiệp Việt Nam xác định ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là nền tảng khoa học sản xuất nông sản hữu cơ theo xu hướng thời đại; đây là một trong những yếu tố quan trọng để nông sản hữu cơ Việt Nam chiếm lĩnh trên thị trường thế giới trong quá trình hội nhập quốc tế.

Mặc dù công nghệ chế biến nông sản ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, thêm đó là ảnh hưởng từ thiên tai, tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN): trong 11 tháng của năm 2021, xuất khẩu nông sản đã mang về 43,48 tỷ USD đến từ các thị trường lớn trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản; tháng 11, xuất khẩu nông sản đạt 4,1 tỷ USD; tháng 12 có thể đạt xuất khẩu trên 4 tỷ USD; ước tính năm 2021 xuất khẩu nông sản sẽ thu khoảng 47 tỷ USD, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao hồi đầu năm hơn 5 tỷ USD. Đây là một kết quả ấn tượng của ngành nông nghiệp trong bối cảnh khó khăn chưa từng có do dịch bệnh gây ra. Vì vậy, trong tương lai, nếu chúng ta ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để khai thác ngưỡng đội trần năng suất cây trồng, vật nuôi và đầu tư công nghệ chế biến nông sản có quy mô lớn thì chắc chắn giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng nhanh hơn, trong đó có nông sản hữu cơ.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cũng chú trọng công tác thông tin tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ, căn cứ vào điều kiện thực tế để có hình thức đào tạo nguồn nhân lực một cách đồng bộ: từ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp và người nông dân. Tăng cường tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ bằng phiều phương tiện, giúp người dân dễ dàng tiếp cận được với thông tin.

Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng có xu hướng xác định khoa học công nghệ là then chốt phát triển nông nghiệp hữu cơ, chú ý đa dạng các tổ chức chứng nhận hữu cơ trong thời đại hội nhập. Đầu tư có trọng tâm khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ như: đào tạo nguồn nhân lực, các đề tài khoa học có tính ứng dụng cao (công nghệ sinh học trong sản xuất hữu cơ, nghiên cứu quy trình canh tác, chăn nuôi hữu cơ phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi); nghiên cứu các sản phẩm phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hữu cơ; nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với dịch hại tốt, phù hợp với quy trình canh tác hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các tổ chức chứng nhận nông nghiệp hữu cơ trong nước và quốc tế cũng cần được đa dạng hóa. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm trong thực tiễn sản xuất hiện nay, thực hiện chặt chẽ các công tác như: điều chỉnh bổ sung hoàn thiện tiêu chuẩn TCVN 11041:2015 - Hướng dẫn sản xuất chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm sản xuất theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ đáp ứng yêu cầu thực tế toàn cầu và dự báo xu thế thời đại phù hợp với tiêu chẩn quốc tế.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp canh tác theo hướng hữu cơ là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Định hướng này có thể góp phần giúp cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua tranh thủ tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất có truy suất nguồn gốc, nhằm cải thiện năng suất, chất lượng từ đó cải thiện thu nhập cho nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp sạch và bền vững.

Vân Quỳnh