STNN - Kinh tế biển có vai trò và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác quá mức tài nguyên biển có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới môi trường, hệ sinh thái biển. Việc đầu tư phát triển kinh tế biển xanh có trọng tâm, trọng điểm là hướng đi bền vững, góp phần bảo tồn hệ sinh thái biển.
- Bê tông thân thiện với môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển
- Hội nghị tập huấn, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ
Thủy sản, lĩnh vực đóng góp quan trọng
Trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản đạt 11 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021. Tổng sản lượng thủy sản đạt 9,042 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác 3,858 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn. Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân các tỉnh ven biển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành kinh tế biển nói chung và ngành thủy sản nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Tình trạng ô nhiễm môi trường biển, suy thoái các hệ sinh thái biển, suy giảm nguồn lợi thủy sản diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh đặt ra yêu cầu cấp bách với các Bộ, ngành, địa phương ven biển.
Kinh tế biển xanh, một hướng tiếp cận mới
Kinh tế xanh lam (Blue Economy) là khái niệm mới ra đời tiếp sau khái niệm kinh tế xanh (Green Economy) trước đây, có thể hiểu là “Kinh tế xanh lá cây” trên đất liền để phân biệt với “Kinh tế xanh lam” đối với biển. Kinh tế xanh ra đời trong bối cảnh hệ sinh thái tự nhiên ngày càng suy giảm, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Với mục đích chính của phát triển kinh tế xanh là duy trì, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên vốn có, sử dụng năng lượng tái tạo của thiên nhiên như năng lượng gió, năng lượng mặt trời thay thế dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải khí nhà kính từ các nguồn thải ra môi trường. Với khái niệm “Blue Economy” về bản chất cũng tương đồng với khái niệm “Green Economy”, tuy nhiên được nhìn nhận và giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế biển. Như vậy việc phát triển kinh tế biển xanh, một trong những tiêu chí đầu tiên là phải duy trì và phục hồi được hệ sinh thái biển, cũng đồng nghĩa với việc phải bảo tồn được hệ sinh thái biển. Tuy nhiên bảo tồn được hiểu không chỉ duy trì hệ sinh thái mà còn đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế biển hướng đến phát triển bền vững. Khái niệm kinh tế biển xanh được hiểu là “sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế và việc làm cũng như sức khỏe của hệ sinh thái đại dương” (khái niệm đưa ra của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) dựa trên định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2017).
Vấn đề cơ bản của kinh tế biển xanh là phải sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, cùng với đó, phải giải quyết được sinh kế, việc làm cho người dân và quan trọng hơn hết là sức khỏe đại dương không bị suy giảm mà ngày càng ổn định và khỏe hơn. Như vậy, đối với khu bảo tồn biển, việc khai thác và sử dụng phải nằm trong giới hạn cho phép của hệ sinh thái, muốn vậy cần nghiên cứu tính toán và duy trì hệ sinh thái để đảm bảo hệ sinh thái còn khả năng tái tạo phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo sinh kế cho người dân liên quan đến khu bảo tồn.
Trong một nghiên cứu mới đây của UNDP tại Việt Nam về “kinh tế biển xanh Việt Nam” công bố vào tháng 5/2022, có sự phối hợp của chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế đã đánh giá về hệ sinh thái biển và phát triển các ngành kinh tế bao gồm: Thủy sản và nuôi trồng thủy sản; dầu khí; năng lượng tái tạo biển; du lịch; và vận tải hàng hải. Từ kết quả nghiên cứu và tổng hợp lại cho thấy “một kịch bản xanh được xây dựng đã chứng minh rằng giá trị hệ sinh thái, đôi khi là diện tích của các sinh cảnh chính (rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô và đầm phá) có thể được tăng lên. Vì vậy, mở rộng kinh tế biển cần phải đi kèm với việc chú trọng duy trì hoặc nâng cao chất lượng môi trường”; để phát triển kinh tế biển xanh đòi hỏi phải mở rộng bảo tồn và duy trì, khôi phục các hệ sinh thái biển.
Bảo tồn hệ sinh thái biển là một chủ trương lớn của Đảng đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 36/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, để bảo tồn hệ sinh thái biển hiệu quả cần có sự tham gia của các bên liên quan, nhất là kết hợp bảo tồn với phát triển các ngành kinh tế; một hướng tiếp cận mới có tính toàn cầu là phát triển kinh tế biển xanh sẽ góp phần duy trì hệ sinh thái và thực hiện nhiều mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Cơ hội, thách thức
Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát triển kinh tế biển xanh trong bối cảnh hiện nay có nhiều cơ hội.
Thứ nhất, kinh tế biển xanh được sự ủng hộ của nhiều quốc gia có biển và các tổ chức quốc tế trong bối cảnh hệ sinh thái biển suy giảm, ô nhiễm biển gia tăng, nhất là ô nhiễm do nhựa và túi nilon (ô nhiễm trắng), biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; Việt Nam thực hiện kinh tế biển xanh sẽ được sự ủng hộ của thế giới.
Thứ hai, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế biển bền vững từ Nghị quyết số 36/NQ-TW, thực hiện kinh tế biển xanh chính là thực hiện các tiêu chí của phát triển kinh tế biển bền vững. Từ chủ trương của Đảng việc triển khai thực hiện kinh tế biển xanh sẽ gặp nhiều điều kiện thuận lợi cho các ngành và địa phương có biển.
Thứ ba, những chính sách pháp luật của Nhà nước như Quyết định 681/QĐ-TTg ngày 4/6/2019 về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam đến năm 2030; Chiến lược tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021; Luật Thủy sản năm 2017; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015… là hành lang pháp lý, cơ hội cho thực hiện kinh tế xanh ở Việt Nam.
Thứ tư, chúng ta đang thực hiện “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và “Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050”, đây là cơ hội để đưa nội dung kinh tế biển xanh vào các bản quy hoạch này.
Thứ năm, hiện nay đã và đang có các dự án triển khai thực hiện liên quan đến bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái biển ở khu vực biển Đông và Vịnh Thái Lan có sự phối hợp giữa các nước trong khu vực, là cơ hội để Việt Nam cùng phối hợp thực hiện kinh tế biển xanh và bảo tồn, phát triển các hệ sinh thái biển của nước ta.
Tuy vậy, theo PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, việc phát triển kinh tế biển xanh của nước ta cũng có nhiều thách thức. Đó là :
(1) Vấn đề nhận thức về kinh tế biển xanh từ lãnh đạo cho đến người dân, nhất là các đối tượng liên quan đến phát triển các ngành kinh tế biển, hiểu rõ bản chất, nội dung và triển khai thực hiện trong những ngành, lĩnh vực cụ thể.
(2) Liên quan đến địa chính trị đối với an toàn và an ninh của các khu vực tài phán biển và tài nguyên biển. Thách thức này đòi hỏi phải có sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau dựa trên luật pháp quốc tế để xác định rõ quyền tài phán của mỗi quốc gia trên biển. Nếu không xác lập được quyền tài phán sẽ khó thực hiện được phát triển kinh tế nói chung và kinh tế xanh nói riêng.
(3) Năng lực tài chính để đầu tư cho phát triển kinh tế xanh của các ngành kinh tế. Liên quan đến đầu tư phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái, ngăn chặn ô nhiễm không ảnh hưởng đến hệ sinh thái cùng với phát triển kinh tế, như vậy chi phí đầu tư sẽ tăng lên cùng với chi phí môi trường.
(4) Kinh tế xanh sẽ đòi hỏi nguồn nhân lực có hiểu biết, trình độ kỹ thuật cao, nhất là những ngành mới nổi như năng lượng tái tạo, quy hoạch không gian biển, ngành nuôi biển và nhiều ngành kinh tế khác.
(5) Liên quan đến chính sách và thể chế, quy trình lập kế hoạch để thực hiện kinh tế biển xanh, công tác quản lý và mở rộng phạm vi kinh tế biển xanh có tính bền vững, đặc biệt đối với công tác quản lý và điều tiết môi trường biển và các hệ sinh thái.
Giải pháp gỡ khó
PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh cũng đưa ra 9 nhóm khuyến nghị nhằm phát triển kinh tế biển xanh góp phần bảo tồn hệ sinh thái biển ở Việt Nam.
Một là, vấn đề nhận thức về phát triển kinh tế xanh lam chính là góp phần phục hồi, duy trì và phát triển các hệ sinh thái biển. Muốn vậy cần có một chiến lược truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực kinh tế biển.
Hai là, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế biển xanh và bảo tồn hệ sinh thái biển, cùng với đó là xây dựng các đề án, dự án trình diễn trong các lĩnh vực, các ngành kinh tế và lựa chọn các địa phương thực hiện phù hợp, là căn cứ rút ra các bài học kinh nghiệm và triển khai nhân rộng khi đã đạt hiệu quả.
Ba là, cần chuẩn bị lực lượng lao động có tay nghề và đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng kinh tế xanh và bảo tồn hệ sinh thái, nhất là những ngành mới đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao như năng lượng tái tạo, nuôi biển quy mô lớn, phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển.
Bốn là, phát huy vai trò của địa phương có biển trong 28 tỉnh, thành ven biển để xác định kinh tế xanh gắn với bảo tồn hệ sinh thái biển và ven bờ phù với từng địa phương.
Năm là, phối hợp với các quốc gia trong khu vực biển Đông và Vịnh Thái Lan đảm bảo tính an ninh, an toàn và xác định quyền tài phán của Việt Nam để giới hạn không gian phát triển kinh tế xanh và bảo tồn hệ sinh thái biển của nước ta trong khu vực.
Sáu là, chuyển giao công nghệ và học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới liên quan đến phát triển kinh tế biển xanh cho các ngành, lĩnh vực và bảo tồn hệ sinh thái biển như phục hồi rạn san hô, cỏ biển và tăng nuôi hải sản biển. Khai thác năng lượng tái tạo biển.
Bảy là, sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương trong việc thực hiện kinh tế biển xanh và bảo tồn các hệ sinh thái biển.
Tám là, sự kết hợp các công cụ quản lý phù hợp nhằm khuyến khích phát triển kinh tế biển xanh và bảo tồn hệ sinh thái biển nhất là công cụ kinh tế kết hợp với công cụ luật pháp và công cụ kỹ thuật để giám sát, áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện quản lý và giám sát các ngành, lĩnh vực và công tác bảo tồn biển.
Chín là, nghiên cứu và tiến tới lập tài khoản xanh lam nhằm hạch toán kinh tế biển xanh từ địa phương đến quốc gia, trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế làm căn cứ cho thực hiện quy hoạch, kế hoạch khai thác và sử dụng bền vững nguồn vốn tự nhiên của biển, tiến tới hạch toán xanh lam.
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh góp phần bảo tồn các hệ sinh thái biển cần phải có những hành động quyết liệt, kịp thời để từng bước khắc phục hạn chế, tiến tới xây dựng ngành kinh tế biển phát triển bền vững.
Theo tongcucthuysan.gov.vn