Với lợi thế về tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, những giá trị tài nguyên bản địa như: cảnh quan, môi trường, đặc sản, bản sắc văn hóa vùng nông thôn là những điều kiện thuận lợi để Kiên Giang phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây là động lực tốt để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới với tốc độ nhanh, bền vững. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Du lịch nông thôn mở ra triển vọng phát triển mới
Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là hướng đi đúng đắn, mở ra triển vọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Kiên Giang. Người dân ở nông thôn thực sự phát huy được tính chủ động, sáng tạo của mình, vừa sản xuất nông nghiệp, vừa cung ứng dịch vụ để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Thời gian qua, Kiên Giang tập trung phát triển loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, một trong những loại hình giàu sức hút tạo ra những trải nghiệm thú vị cho du khách.
Các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Kiên Giang tập trung khai thác yếu tố văn minh lúa nước, kết hợp với tham quan văn hóa di sản, làng nghề, làng chài, làng bè, khai thác mô hình nông trại đồng quê phục vụ cho hoạt động du lịch cuối tuần, điển hình như tại các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận tham quan mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm sinh thái, rau hữu cơ; tại Vườn quốc gia U Minh Thượng tham quan du lịch sinh thái rừng Tràm, nuôi ong lấy mật, nghề đan lát lục bình, tre nứa, cỏ bàng; Vườn quốc gia Phú Quốc cũng khai thác du lịch dã ngoại, khám phá, nghiên cứu khoa học…, du lịch tìm hiểu nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc, tiêu Phú Quốc, ngọc trai Phú Quốc, làng chài Hàm Ninh.
Huyện Phú Quốc hiện có 21 mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản với gần 60 điểm. Nhiều hộ nông dân đã đầu tư công nghệ chế biến các sản phẩm từ các loài cây trồng như hồ tiêu, sim rừng… thành các sản phẩm đặc trưng của Phú Quốc phục vụ du khách. Một số mô hình nông nghiệp nhà vườn, các cơ sở sản xuất kinh doanh kết hợp tham quan du lịch, ăn uống bước đầu được người dân quan tâm đầu tư, phát triển và nhân rộng tại các địa phương, tạo thêm sản phẩm du lịch cho Phú Quốc như: Vườn du lịch sinh thái hồ tiêu, vườn du lịch sinh thái sim rừng, tham quan và trải nghiệm trồng rau trong nhà màng, trồng rau thủy canh, tham quan và trải nghiệm nuôi cá lồng bè trên biển…
Với hệ sinh thái và nguồn tài nguyên phong phú, môi trường thuận lợi, du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ nhanh, bền vững. Kiên Giang đang mời gọi đầu tư nhiều dự án du lịch gắn với nông nghiệp sinh thái, để tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các làng nghề truyền thống.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Kiên Giang thời gian qua còn nhiều hạn chế so với các loại hình du lịch khác. Nguyên nhân chủ yếu là hoạt động du lịch nông thôn còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, chưa có sự liên kết, đầu tư đúng mức tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng bền vững
Theo Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp là một trong những hướng đi chủ đạo. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kiên Giang sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và bảo vệ môi trường; tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế và nhu cầu của thị trường; tái cơ cấu quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Trong đó, tỉnh chú trọng tập trung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; cải tạo, giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, từng bước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống khu vực nông thôn, vùng ven biển và hải đảo.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu 116/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có ít nhất 30 xã nông thôn mớinâng cao, 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, có từ 1 huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới cả giai đoạn này khoảng 17.400 tỷ đồng. Năm 2021, tỉnh phấn đấu xây dựng 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 huyện, thành phố đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Vĩnh Thuận, Kiên Lương và TP. Hà Tiên, mỗi huyện nông thôn mới có từ 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Kiên Giang chú trọng đầu tư Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu 30-50 sản phẩm đạt 3 sao trở lên; trong đó có ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm 5 sao cấp tỉnh và ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Tổng kinh phí thực hiện chương trình OCOP Kiên Giang năm 2021 dự kiến khoảng 64 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách để khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với doanh nghiệp và phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng và có giá trị kinh tế cao.
Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch, các sự kiện, lễ hội do tỉnh tổ chức hoặc tham gia, để thu hút và tăng doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố. Xây dựng và triển khai các mô hình phát triển du lịch, dịch vụ tại các vùng nông thôn, khu sinh thái, khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Lồng ghép nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên biển, rừng, nước sạch,... tại các điểm du lịch, thu hút được sự quan tâm và tham gia của nhiều người dân và du khách.
Phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về văn hóa, du lịch và phát triển nông thôn; áp dụng hiệu quả chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch tại các vùng nông nông và các khu di tích; chuẩn hóa tài liệu đào tạo kỹ năng nghề cho lao động nông thôn tham gia vào lĩnh vực du lịch nông thôn...
Phát triển du lịch nông nghiệp tại Kiên Giang được xác định là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Theo Tạp chí Du lịch