Đắk Lắk: Diện tích đất trồng cây ăn quả tăng mạnh

STNN - Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, ngoài cây rầu riêng có diện tích trồng tăng cao do thu nhập tương đối cao, ổn định và dễ tiêu thụ sản phẩm thì diện tích trồng các loại cây ăn quả khác như chanh leo, nhãn, vải, mắc ca... cũng đang tăng nhiều. Điều này đang giúp cho diện tích cây ăn quả của tỉnh Đắk Lắk ngày càng đa dạng hơn.

Tăng diện tích đất trồng cây ăn quả

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Sở NN-PTNT), sơ kết vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024, diện tích một số loại cây ăn quả trên toàn tỉnh đang tăng nhiều. Trong đó, diện tích cây ăn quả có hiệu quả kinh tế nhất của tỉnh hiện nay là cây sầu riêng, được phát triển ở hầu hết các địa phương do thu nhập từ các loại cây trồng này tương đối cao, ổn định và dễ tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh các loại cây ăn quả truyền thống của tỉnh thì năm nay một số huyện tiếp tục đưa vào trồng thêm một số cây như chanh leo, nhãn, vải, mắc ca... do vậy diện tích cây ăn quả của tỉnh tăng nhiều và rất đa dạng.

Cụ thể, theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Lắk có 65.211 ha là đất trồng cây ăn quả, chiếm 17,72% trong tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh, tăng 13.273 ha cây ăn quả các loại. Cây ăn quả của tỉnh rất đa dạng và phần lớn được trồng xen trong các vườn cây lâu năm.

Theo đó, vụ Đông Xuân trên toàn tỉnh đã trồng mới cây sầu riêng thêm 5.962 ha để nâng tổng diện tích lên thành 32.785 ha, tăng 10.327 ha so với năm 2022. Trong đó diện tích trồng cho sản phẩm là 15.852 ha, năng suất trên diện tích cho sản phẩm 177,84 tạ/ha, sản lượng 281.350 tấn, tăng 93.364 tấn so với năm 2022.

Đối với cây chuối, toàn tỉnh có diện tích trồng là 2.286 ha, tăng 581 ha so với năm 2022, trong đó trồng mới 226 ha. Diện tích cho sản phẩm 1928 ha, năng suất trên diện tích cho sản phẩm 327,90 tạ/ha, sản lượng 63.204 tấn, tăng 16.638 tấn so với năm 2022. Tương tự, cây mắc ca có tổng diện tích 5.884 ha, tăng 1.352 ha so với năm 2022, trong đó diện tích trồng mới 1.770 ha. Năng suất trên diện tích cho sản phẩm 21,79 tạ/ha,sản lượng 4.205 tấn, tăng 3.286 tấn so với năm 2022.

Toàn tỉnh Đắk Lắk có diện tích 3.704 ha trồng cây chanh dây, tăng 1.573 ha so với năm 2022, trong đó diện tích trồng mới 729 ha. Năng suất trên diện tích cho sản phẩm 151,00 tạ/ha, sản lượng 49.311 tấn, tăng 28.565 tấn so với năm 2022. Đồng thời, có tổng cộng 2.418 ha là đất trồng dứa, tăng 1.259 ha so với năm 2022, trong đó diện tích trồng mới 1.287 ha, năng suất trên diện tích cho sản phẩm 127,61 tạ/ha,sản lượng 12.830 tấn.

Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh Đắk Lắk có 32.785 ha đất trồng cây sầu riêng, trong đó trồng mới thêm 5.962 ha.

Tuy nhiên, cũng có một số loại cây ăn trái lại giảm diện tích trồng do người dân chuyển đổi cơ cấu loại cây trồng. Có thể kể đến như: Diện tích trồng bơ là 4.874 ha, giảm 2.328 ha so với năm 2022; Diện tích trồng mít là 2.119 ha, giảm 93 ha so với năm 2022; Nhãn, vải, chôm chôm có diện tích trồng là 6.434 ha, giảm 821 ha so với năm 2022...

Đối với cây công nghiệp lâu năm, theo thống kê của Sở NN-PTNT, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm trên toàn tỉnh Đắk Lắk là 302.784 ha, chiếm 82,28% trong tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh, giảm 3.217 ha cây công nghiệp các loại. Trong đó, diện tích cà phê hiện có là 212.106 ha, giảm 806 ha so với năm 2022; Diện tích cây hồ tiêu hiện có là 28.583 ha, giảm 2.501 ha so với năm 2022; Diện tích cây điều là 26.127 ha, giảm 1.602 ha so với năm 2022 và diện tích cây cao su là 32.174 ha, tăng 485 ha so với năm 2022.

Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk vẫn đang trong lộ trình thực hiện tái canh cây cà phê theo Quyết định số 3262/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 về việc ban hành Kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tổng diện tích kế hoạch là 24.441,78 ha, trong đó năm 2021: 4.587,86 ha; năm 2022: 4.757,8 ha; năm 2023: 4.964,93 ha; năm 2024: 4.995,13 ha; năm 2025: 5136,06 ha. Tính bình quân hàng năm tỉnh Đắk Lắk sẽ tái canh khoảng 4.800 ha. Trong đó, kết quả tái canh đến năm 2023 là 10.755,07ha/24.441,78ha, đạt 44,0% kế hoạch, riêng năm 2023 thực hiện tái canh được 3.861,8ha/4.964,9ha kế hoạch, đạt 77,78%.

Ngoài ra, theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, kết quả sản xuất cây hàng năm trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 dự kiến sẽ vượt kế hoạch đặt ra. Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Lắk giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp vụ Đông xuân 2023 – 2024 được thực hiện trên tổng diện tích kế hoạch là 57.680 ha và tổng sản lượng lương thực 313.200 tấn (bao gồm: sản lượng lúa 293.000 tấn, sản lượng ngô 20.200 tấn).

Theo báo cáo ước tính diện tích, năng suất, sản lượng cây hằng năm vụ Đông xuân 2024 của Cục Thống kê, tổng diện tích thực hiện gieo trồng vụ Đông xuân 2023 - 2024 là 69.171 ha/57.680 ha, đạt 119,92% kế hoạch. Đồng thời, sản lượng lương thực vụ Đông Xuân 2023-2024 ước đạt khoảng 381.062 tấn/313.200 tấn kế hoạch đặt ra, đạt 121,67%. Trong đó, năng suất lúa ước đạt 75,04 tạ/ha, sản lượng lúa ước đạt 356.162 tấn; năng suất ngô ước đạt 64,25 tạ/ha, sản lượng ngô 24.900 tấn.

Tiếp tục nỗ lực để về đích

Cũng theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, mặc dù đã nỗ lực và được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của Trung ương, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh, nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường xảy ra tình trạng hạn hán làm thiệt hại nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng đến nhiều loại cây trồng nhất là cây cà phê, hồ tiêu, lúa, ngô... Đồng thời, điều này cũng khiến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như nước sinh hoạt nông thôn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đồng bộ, thiếu kinh phí thực hiện, chưa tập trung đi vào bảo quản, chế biến sâu, giá trị gia tăng thấp; Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn manh mún, sản phẩm nông nghiệp còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản phẩm chủ lực mang thương hiệu đặc trưng của địa phương còn hạn chế về số lượng và chất lượng, khả năng cạnh tranh thấp.

Một số sản phẩm cây trồng vụ Đông Xuân chưa được giám sát về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định. Các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, liên kết sản xuất với nông dân chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đang rất nỗ lực với nhiều giải pháp trọng tâm để hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp của năm 2024.

Để đạt được kế hoạch đặt ra trong năm 2024, mới đây Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm. Theo đó, yêu cầu các đơn vị, phòng chức năng tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024. Tiếp tục theo dõi tình hình sâu bệnh và thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2023 - 2024 trên những diện tích đã gieo trồng, triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa 2024, nhất là việc chuyển đổi, bố trí cơ cấu cây trồng cần phải được xem xét kỹ lưỡng và xác định các biện pháp tổ chức thực hiện phù hợp cho từng địa bàn.

Tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới, đầu tư thâm canh, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, hạn chế khả năng thiệt hại mùa màng do thiên tai gây ra. Hướng dẫn lịch thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống cây trồng cho phù hợp với địa phương.

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 06/01/2021 của UBND tỉnh; Tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Thực hiện kế hoạch tái canh năm 2024 theo Quyết định số 3262/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh. Chăm sóc các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, xoài, trồng mới ca cao, chăm sóc diện tích cây lâu năm như cà phê, cao su, hồ tiêu hiện có, tuyên truyền vận động người dân không mở rộng thêm diện tích cà phê.

Tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) trên địa bàn tỉnh để đảm bảo chất lượng vật tư đầu vào cho sản xuất. Nâng cao công tác dự tính dự báo, quản lý dịch hại cây trồng và phát hiện để phòng trừ sâu bệnh kịp thời trên cây hồ tiêu, cà phê, điều, ca cao... tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tập trung chăm sóc, thâm canh diện tích cây dài ngày các loại hiện có; chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Anh Đức - Viết Cừu