Theo Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ, cây chè có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ, diện tích chè toàn tỉnh có hơn 16.000 ha, được quy hoạch vùng chè tập trung ở 9/13 huyện thị thành trong tỉnh là Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba, Hạ Hoà, Đoan Hùng, Phù Ninh, thị xã Phú Thọ. Năng suất chè đến nay đạt 118 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 185 nghìn tấn/năm, đứng thứ 4 về diện tích và thứ 3 về sản lượng chè toàn quốc.
Các giống chè chủ lực được trồng thâm canh như PH1, LDP1, LDP2,... trồng ở vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè đen xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Ấn Ðộ, Trung Quốc, Ðức, Anh... Đến nay, nhiều giống chè mới chất lượng đã được trồng thay thế, trồng bổ sung ở các vùng quy hoạch của tỉnh để phục vụ cho phát triển chế biến chè xanh.
Tỉnh Phú Thọ hiện có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày, hơn 1.280 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 08 hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến chè. Cơ cấu sản phẩm chè xanh chiếm khoảng 30%, chè đen chiếm 70%.
Thực hiện tái cơ cấu ngành chè, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh tiến hành rà soát, sắp xếp cơ sở chế biến và tổ chức sản suất. Đã có nhiều chính sách của tỉnh hỗ trợ cho sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè Phú Thọ: hỗ trợ 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ sao, sấy, phân loại trong chế biến chè xanh và chè đen đồng bộ, hiện đại; 14 HTX, 18 làng nghề, một trang trại sản xuất, chế biến chè và 897 cơ sở chế biến thủ công nhỏ lẻ. Ngoài ra, một số nhà máy chế biến đã liên kết sản xuất với các HTX, nhóm hộ trồng chè bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, kiểm soát được chất lượng chè thành phẩm. Nhiều doanh nghiệp, làng nghề, HTX sản xuất, chế biến chè xanh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Tại các vùng thổ nhưỡng thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây chè, tỉnh đã khảo sát và xây dựng mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn tại các huyện Thanh Sơn, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Ba, Tân Sơn, Phù Ninh với tổng diện tích 153,3 ha sản xuất chè búp tươi an toàn theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng mô hình chuỗi kiểm soát chè an toàn tại Thanh Sơn, Yên Lập với quy mô gần 57 ha. Tỷ lệ diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao như LDP1, LDP2, chè Ấn Độ, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên... đạt cao phù hợp cho phát triển chế biến chè xanh chất lượng, mở rộng diện tích sản xuất chè theo quy trình an toàn đạt 2,1 nghìn ha. Sản phẩm tại các mô hình chè sẽ được kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, được chứng nhận gắn tem, nhãn để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc, từng bước xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ.
Ngoài việc quy hoạch các vùng chè an toàn, tỉnh đã xây dựng các mô hình sản xuất chè theo Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp” (QSEAP) tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm. Ðây là cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao. Trong đó, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm cuối cùng.
Việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển cây chè là chủ trương của tỉnh cho loại cây trồng trọng điểm có giá trị kinh tế cao cho xuất khẩu và thu nhập ổn định cho người dân ở các các vùng chè trong tỉnh.
Theo Mard.gov.vn