Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.
Theo dự báo, sáng 21/7, cơn bão số 3 (tên quốc tế là Wipha) sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10 - 11, giật cấp 14; đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ đến Nghệ An trong ngày 22/7. Từ ngày 21/7 đến 23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 200 - 350 mm, cục bộ có nơi trên 600 mm.

Để nắm bắt tình hình và chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động lên các phương án ứng phó với cơn bão số 3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại công trình Bara Bến Thủy; cống Nghi Quang ở xã Hải Lộc; cống Diễn Thành và khu neo đậu tránh trú bão Lạch Vạn nằm trên địa bàn xã Diễn Châu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi và cường độ ảnh hưởng trên biển và đất liền rất rộng và nguy hiểm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ yêu cầu ngành Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương, đơn vị tập trung cao cho công tác phòng chống bão số 3, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.