Quản lý và phục hồi rạn san hô phục vụ phát triển du lịch sinh thái ở Khánh Hòa

Trong những năm gần đây, hầu hết các rạn san hô đều nằm trong tình trạng suy giảm về độ phủ, diện tích phân bố cũng như việc biến mất một cách báo động của các quần thể sinh vật rạn, đặc biệt là những loài có giá trị kinh tế cao. Có nhiều nguyên nhân song những tác động này chủ yếu đều do các hoạt động của con người.

Rạn san hô được tìm thấy trên 100 quốc gia và các vùng lãnh thổ nằm ở nhiệt đới và cận nhiệt đới, tuy chỉ chiếm khoảng 0,1% diện tích toàn cầu nhưng rạn san hô được đánh giá là một hệ sinh thái có vai trò quan trọng nhất của đại dương vì chúng có năng suất sinh học cao nhất và góp phần cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp cho 10% tổng sản lượng nghề cá trên toàn thế giới. Theo tính toán ở Philippines, cứ trung bình 1 km2 rạn san hô có thể mang lại 108.000 USD từ nghề cá, 400.000 USD từ du lịch và mỗi km2 rạn cho phép tiết kiệm 190.000 USD chi phí cho việc bảo vệ vùng bờ hàng năm.

Rạn san hô cũng được coi là hệ sinh thái đa dạng nhất. Chúng bao gồm nhiều loài đặc trưng đại diện cho hầu hết các nhóm động vật biển. Nền đáy cứng trên rạn là nơi mà nhiều loài sinh vật như sò, trai ngọc, hải miên, hải quỳ,… lấy làm giá bám và sinh trưởng. Những hang hốc trên rạn là nơi trú ẩn thuận lợi cho nhiều loài sinh vật như: Cá con, động vật không xương sống trong giai đoạn con non. Để bổ sung cho chiến lược cạnh tranh, các loài sống trong điều kiện mật độ dày trên rạn có thể hình thành nhiều kiểu quan hệ. Một trong những quan hệ phổ biến nhất là quan hệ đối kháng về hoá học với việc tích luỹ các chất hoạt tính. Nhiều phức chất hoá sinh hoạt tính cao đã được chiết xuất từ nhiều đối tượng san hô và sinh vật rạn, một số có thể sử dụng trong y học.

Sự phức tạp về quá trình hình thành, sự khác nhau về hình dạng và màu sắc và trạng thái của sinh vật đã làm cho rạn có vẻ đẹp hiếm có và sự lôi cuốn đối với con người. Rạn là nguồn cảm hứng và đối tượng cho các nhà nhiếp ảnh dưới nước và của các nhà tự nhiên học. Rạn cũng là nguồn lợi to lớn phục vụ cho giải trí và du lịch và được coi là một giá trị văn hoá hiện đại. Bơi và lặn là cơ sở cho việc phát triển kinh tế nhiều vùng đảo nhỏ nơi mà tài nguyên thiên nhiên chủ yếu là ánh nắng mặt trời, biển và thuỷ sản.

Trong vài thập niên gần đây do nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí tăng cao, rạn san hô trở thành nguồn thu lớn cho du ngành du lịch sinh thái. Rạn san hô là nơi các khách du lịch đến tham quan bơi lội và lặn. Hàng năm, một số lượng lớn khách du lịch đến các đảo và vùng ven biển nơi có các rạn san hô đẹp để thư giãn và khám phá vẻ đẹp kì diệu của các rạn san hô. Các nguồn thu từ du lịch rạn san hô của rạn Great Barrier Reef của Australia hàng năm thu gần 2 tỷ đô la Úc, các rạn của Florida thu mỗi năm 1,6 tỷ USD, chỉ riêng du lịch lặn ở Caribbe và Hawaii thu khoảng 300 triệu USD.

Rạn san hô ven bờ Khánh Hoà chủ yếu phân bố ở vùng nước nông ven bờ đất liền và ven các đảo. Một số khu vực có sự tồn tại của một số bãi rạn ngầm như bãi cạn lớn Grandbank – vịnh Nha Trang, bãi cạn Thủy Triều – Bắc Cam Ranh với diện tích khá lớn được hình thành từ độ sâu 10 – 40 m và nhô lên đến độ sâu 3 – 4 m so với mức nước biển cũng được ghi nhận trong vùng biển này. Tập hợp các kết quả tính toán gần đây trên cơ sở kết hợp giữa giải đoán ảnh và khảo sát ngầm có thể ước tính tổng diện tích phân bố của các rạn san hô ở các khu vực trọng yếu vùng biển ven bờ Khánh Hoà là trên 3.256 ha. Xét theo từng khu vực thì vịnh Vân Phong có diện tích lớn nhất (1.618 ha), tiếp theo là khu vực Thủy Triều – Cam Ranh (868 ha), vịnh Nha Trang (770 ha).

Thống kê gần đây, diện tích rạn san hô trên thế giới đã mất khoảng 11 % và khoảng 20% số rạn đang trong tình trạng có chiều hướng suy thoái nghiêm trọng và không có khả năng phục hồi. Dự tính, diện tích rạn san hô đã mất 19%, 15% đang bị đe dọa nghiêm trọng với sự mất mát trong vòng 10-20 năm tới; và 20% đang bị đe dọa mất mát trong 20 – 40 năm. Nếu chúng ta không có biện pháp quản lý kịp thời, chắc chắn rằng trong tương lai gần, rạn san hô vẫn chưa bị tuyệt chủng nhưng những lợi ích mà rạn san hô đem lại cho con người sẽ không còn như trước.

Các nước vùng Đông Nam Á được xem là nơi có diện tích rạn san hô phân bố lớn nhất với trên 91.700 km2 diện tích rạn san hô toàn cầu và chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hoạt động nghề cá trong toàn khu vực và nâng cao đời sống của nhiều cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay gần 50 % diện tích rạn san hô đang bị đe dọa ở mức độ cao và rất cao bởi các tác nhân gây hại như sự phát triển mạnh các vùng ven biển, ô nhiễm biển, trầm tích và các chất gây ô nhiễm từ đất liền, khai thác quá mức, khai thác hủy diệt, việc thay đổi khí hậu toàn cầu và sự tẩy trắng san hô.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra tình trạng suy thoái rạn san hô ở Việt Nam. Theo thang độ phủ của English et al (1997), chỉ khoảng 1% số rạn có độ phủ cao, trong khi số rạn có độ phủ thấp chiếm tới trên 31%; số rạn có độ phủ trung bình và khá lần lượt là 41% và 26%. Độ phủ san hô sống trên rạn ở vùng ven bờ đang bị giảm dần theo thời gian, nhiều nơi lên đến trên 30 % trong 10 năm qua. Các mối đe doạ với rạn san hô cũng được xác định bao gồm: Khai thác quá mức, khai thác hủy diệt, lắng đọng trầm tích, ô nhiễm, sự bùng nổ của sinh vật địch hại, xâm thực của hải miên, tai biến thiên nhiên,…

Các nghiên cứu về hiện trạng nguồn lợi sinh vật rạn ở các vùng ven bờ Việt Nam cũng phản ánh thực trạng quá nghèo nàn về thành phần sinh vật nguồn lợi như cá, thân mềm, da gai, giáp xác. Điều này cho thấy, một thực trạng chung là tài nguyên sinh vật và hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ Việt Nam đang có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động khai thác quá mức, sử dụng không hợp lý, ô nhiễm môi trường biển.

Trước thực trạng suy giảm đáng báo động như trên, nhiều quốc gia cố gắng tìm kiếm những giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu tình trạng suy thoái và cải thiện chất lượng hệ sinh thái thông qua việc xây dựng các khu bảo tồn biển, phục hồi quần cư và tái tạo nguồn lợi sinh vật. Một trong những giải pháp đó là tiến hành các hoạt động phục hồi hệ sinh thái.

Việc phục hồi rạn san hô đã và đang được tiến hành ở nhiều nước trên thế giới và đã đạt kết quả nhất định. Nhiều bài học, kể cả những bài học thất bại là kinh nghiệm tốt để việc tiến hành phục hồi san hô ở Việt Nam nhanh chóng đi vào thực tiễn. Việc nghiên cứu các giải pháp phục hồi bước đầu cũng đã được thực hiện ở một số khu vực vùng ven biển Việt Nam.

Khánh Hòa được xem là một trong những khu vực giàu có các rạn san hô và là một trong số những địa phương đi đầu về phát triển du lịch biển, đặc biệt dịch vụ lặn biển. Chất lượng hệ sinh thái và nguồn lợi sinh vật rạn san hô đang bị suy giảm do hàng loạt các tác động. Việc thiết lập và quản lý Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang đã góp phần cải thiện chất lượng hệ sinh thái nhưng quá trình phục hồi tự nhiên diễn ra khá chậm. Số lượng rạn còn duy trì trong tình trạng tốt còn lại không nhiều. Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch biển chỉ tập trung ở một số nơi có các rạn san hô còn duy trì trong tình trạng tốt và có tính đa dạng cao. Vì vậy, áp lực của hoạt động du lịch đối với các rạn này ngày càng tăng lên. Điều này làm hạn chế sự phát triển của du lịch và tạo nên sức ép rất lớn vượt quá khả năng chịu đựng của các hệ sinh thái từ đó gây ảnh hưởng lớn đối với sự tồn tại và phát triển của các hệ sinh thái và nguồn lợi sinh vật. Vì vậy, việc tạo ra một số khu vực mới với sự can thiệp của các giải pháp phục hồi ở những khu vực rạn suy thoái sẽ góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, gia tăng nguồn lợi thủy sản và góp phần cải thiện chất lượng môi trường là hết sức cần thiết.

Với những kết quả và kinh nghiệm đã thu được trong quá trình thực hiện các đề tài, dự án trong thời gian qua, Viện Hải Dương học đã hoàn thiện được phương pháp và kỹ thuật cũng như đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phục hồi rạn san hô. Thêm vào đó, nhu cầu chuyển giao công nghệ và phục hồi một số vùng rạn ở những khu vực trọng yếu có tiềm năng phát triển du lịch biển của nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng tại tỉnh Khánh Hòa ngày càng tăng vì hiện nay nhiều dự án du lịch đã và đang phát triển ở nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn của nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa.

Trước thực tế trên, tỉnh Khánh Hòa đang có một định hướng đúng là giao cho Viện Hải dương học phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh và các doanh nghiệp xây dựng các mô hình doanh nghiệp tham gia quản lý và phục hồ hệ sinh thái. Hoạt động này làm cơ sở để huy động nguồn lực của hợp phần tư nhân trong quản lý và phục hồi hệ sinh thái, bảo đảm tính hiệu quả trong quản lý tài nguyên. Mặt khác, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi nhờ khai thác tài nguyên hệ sinh thái cho dịch vụ du lịch của chính mình.

Tuy nhiên, để hướng đi này đạt kết quả bền vững, không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý trong xây dựng cơ chế phù hợp cho từng loại hình. Mặt khác, doanh nghiệp cần thực sự quan tâm đến tính bền vững trong khai thác tài nguyên phục vụ du lịch không chỉ vì lợi ích của mình mà còn cho toàn xã hội và vì sự phát triển bền vững của du lịch biển Khánh Hòa.

PGS.TS. Võ Sỹ Tuấn

Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây