Sản xuất vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi: Thêm nhiều cơ hội cho chăn nuôi

Với việc Bộ NN&PTNT công bố sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới lưu hành thương mại loại vắc xin này. Thành công kể trên sẽ mở ra nhiều cơ hội cho chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là kiểm soát bệnh Dịch tả lợn châu Phi, qua đó ổn định nguồn cung thịt lợn trên thị trường.

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho lợn tại một trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Đông Anh. Ảnh: Nguyễn Quang

Thành công đáng ghi nhận

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào năm 1921. Hơn 100 năm qua mặc dù đã có gần 4.000 công trình nghiên cứu liên quan đến vi rút bệnh Dịch tả lợn châu Phi cũng như phát triển vắc xin nhưng thế giới vẫn chưa có vắc xin thương mại. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam tháng 2-2019, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước, đã buộc phải tiêu hủy trên 6 triệu con lợn, thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng. Hiện, dịch bệnh vẫn xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.

Theo Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long, việc Việt Nam công bố sản xuất được vắc xin thương mại phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật với độ dài miễn dịch 6 tháng là một dấu mốc đáng ghi nhận. Thành công này góp phần bảo vệ an toàn cho ngành sản xuất lợn thịt… và mang đến nhiều kỳ vọng cho người chăn nuôi.

Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho biết, trang trại đang nuôi hơn 600 lợn giống, 5.000 lợn thương phẩm, mặc dù chăn nuôi quy mô lớn, khép kín, nhưng bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn lây lan với tốc độ nhanh. Do đó, việc Việt Nam sản xuất thành công vắc xin sẽ giúp người chăn nuôi chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, mở rộng quy mô sản xuất…

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh, đây là một tín hiệu đáng mừng cho các hộ chăn nuôi lợn, bởi thực tế thời gian qua, bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây ra thiệt hại rất lớn cho người dân, khiến nguồn cung thịt lợn mất ổn định, có thời điểm giá thịt lợn lên đến hơn 100.000 đồng/kg. Với việc sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi, trong thời gian tới, người chăn nuôi sẽ yên tâm tái đàn sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đối với 1,7 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, lợn là tài sản, do đó người nông dân háo hức, trông chờ thành tựu của các nhà khoa học Việt Nam. Vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi góp phần vào việc xây dựng chuỗi thịt lợn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho hơn 90 triệu dân trong nước và hướng đến xuất khẩu; giúp nước ta chủ động ứng phó các sự cố dịch bệnh trong tương lai.

Sớm đưa vắc xin ra thị trường

Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Thời điểm này, chưa có quốc gia nào công bố sản xuất thành công vắc xin thương mại, do vậy, dư địa xuất khẩu vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam là rất lớn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan lưu ý, các doanh nghiệp khi thương mại hóa sản phẩm thuốc thú y như vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi, hãy vì trách nhiệm xã hội mà cân bằng giữa lợi nhuận và giá thành để nông dân dễ tiếp cận, ngành chăn nuôi phát triển bền vững hơn.

Về giá thành loại vắc xin này, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương Navetco Trần Xuân Hạnh cho biết, Công ty có quy mô sản xuất trên 50 triệu liều/năm.Trong giai đoạn 1, vắc xin sẽ sử dụng ở diện hẹp với số lượng dự kiến được phép sử dụng 600.000 liều. Giai đoạn 2 (sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng vắc xin ở giai đoạn 1), Cục Thú y sẽ tham mưu Bộ NN&PTNT chỉ đạo sử dụng vắc xin ở phạm vi toàn quốc. Dự kiến sẽ lưu hành trên thị trường vào cuối tháng 8 tới và giá vắc xin sẽ từ 34.000 đồng đến 36.000 đồng/liều, tương đương vắc xin phòng bệnh tai xanh.

Cũng theo ông Trần Xuân Hạnh, nhiều quốc gia trên thế giới đang cần vắc xin, do đó doanh nghiệp sẽ làm việc với các đối tác nhập khẩu vắc xin Việt Nam để thử nghiệm tại nước sở tại.

Ở góc độ người chăn nuôi, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh đề xuất, các bộ, ngành cùng với doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, hộ chăn nuôi sớm được tiếp cận với nguồn vắc xin bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý. Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh lây lan qua biên giới, bệnh mới nổi… xâm nhiễm với diễn biến khó lường và rất khó phòng tránh. Do đó, sớm đưa vắc xin ra thị trường sẽ giúp người nông dân yên tâm đầu tư tái đàn, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng.

Theo Báo Hà Nội mới

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây