STNN - Đây là hoạt động thiết thực nhằm khẳng định vai trò của sách và văn hóa đọc, qua đó khích lệ, nâng cao ý thức của mỗi cán bộ chiến sĩ về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách, lan tỏa sâu rộng phong trào đọc sách trong mỗi cơ quan, đơn vị.
- Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất
- Tưng bừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 tại xã Ngọc Sơn
- Mang sách đến với học sinh biên giới
Là đơn vị được chọn điểm tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” trong Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 15/4, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc, tạo không gian văn hóa lành mạnh cho cán bộ, chiến sĩ.
Từ sáng sớm, khuôn viên Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động như nhộn nhịp hơn. Hơn 100 cán bộ chiến sĩ của 3 trung đội thuộc Đại đội Huấn luyện đang sôi nổi tranh tài trong cuộc thi xếp sách nghệ thuật. Tất cả tạo nên một không khí rất đặc biệt, đầy cảm xúc.
Với chiến sĩ Trương Công Thịnh và nhiều chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, đây là lần đầu tiên các đồng chí được tham gia Ngày Sách và Văn hóa đọc, được thỏa sức sáng tạo khi tự tay sắp xếp mô hình từ hàng trăm cuốn sách.
Chiến sĩ Trương Công Thịnh chia sẻ: “Chúng tôi chọn xếp mô hình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với những cuốn sách giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Người cùng những cuốn sách về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, được tự tay thể hiện những ý tưởng do chính chúng tôi sáng tạo ra. Tôi cảm thấy rất hào hứng và phấn khởi vì đây vừa là sân chơi bổ ích, vừa giúp chúng tôi phát triển tư duy sáng tạo, cũng như học tập kiến thức quý giá từ những cuốn sách”.
Bên cạnh tổ chức thi xếp sách nghệ thuật thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia, để Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam không trở nên khô khan, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đã tổ chức nhiều hoạt động thú vị như: giới thiệu sách, giao lưu, truyền cảm hứng cho cán bộ, chiến sĩ để lan tỏa phong trào đọc sách trong toàn đơn vị.
Đặc biệt, không gian trưng bày sách với những mô hình bắt mắt, sáng tạo cùng hàng trăm đầu sách đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, chiến sĩ. Những mô hình sách được sắp xếp với nhiều chủ đề khác nhau như: Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại, lịch sử Việt Nam, lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, những vị tướng lĩnh trong Quân đội, sách pháp luật, sách văn học – nghệ thuật… với đa dạng thể loại đã để lại những ấn tượng khó phai trong mỗi cán bộ, chiến sĩ.
Thăm khu trưng bày sách với chủ đề “Những vị tướng Quân đội”, chiến sĩ Trần Văn Đạt, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động cảm thấy rất tự hào: “Tôi thật sự rất thích thú khi được tham dự triển lãm và đọc được nhiều loại sách, báo hay trong Ngày Sách và Văn hóa đọc hôm nay. Tôi thấy hoạt động này rất ý nghĩa. Việc đọc sách giúp tôi cũng như các đồng chí, đồng đội tìm hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống cách mạng của Nhân dân, Quân đội… qua đó, giúp tôi nâng cao nhận thức và hiểu biết nhiều hơn về mọi mặt của đời sống xã hội”.
Tại Lễ phát động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã trao tặng 500 cuốn sách cho mô hình “Hộp sách, báo thao trường”. Ban tổ chức đã giới thiệu cho cán bộ, chiến sĩ ý nghĩa của sách và văn hóa đọc đối với mỗi người lính, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; truyền thống yêu nước, lịch sử vẻ vang, ý chí độc lập tự do, khí phách quật cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm…
Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động khẳng định: “Với đặc thù là đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới, 100% chiến sĩ không được sử dụng điện thoại, đặc biệt là smartphone, vì vậy, việc tiếp nhận thông tin của chiến sĩ là từ những giờ xem thời sự, đọc báo hàng ngày tại đơn vị. Để tạo môi trường văn hóa cũng như tạo thói quen đọc sách, báo cho mỗi chiến sĩ mới, bên cạnh công tác tuyên truyền, cùng với nguồn trang cấp của Bộ Chỉ huy, đơn vị đã đầu tư xây dựng các tủ sách, xây dựng không gian, cảnh quan môi trường, tạo sân chơi để cán bộ, chiến sĩ thư giãn sau những giờ huấn luyện, từ đó lan tỏa được văn hóa đọc sâu rộng trong đơn vị”.
Trong môi trường quân đội, việc duy trì văn hóa đọc, tìm hiểu những cuốn sách không chỉ là phong trào mà đã thành một thói quen tốt. Sách không chỉ là những người bạn, người thầy, là kho tàng kiến thức rộng lớn, mà nó còn góp phần tạo môi trường lành mạnh, giáo dục và rèn luyện nhân cách của mỗi quân nhân. Từ đó, mỗi chiến sĩ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Võ Tiến