STNN - Ngày 21/3, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến có buổi tiếp và làm việc với ông Hua Liu – Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA). Nội dung của buổi làm việc nhằm trao đổi kết quả hợp tác giữa ngành nông nghiệp với IAEA và đề xuất những ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.
- Có nên nhân rộng quy mô nông nghiệp đô thị?
- Nhật Bản: Chia sẻ dữ liệu, thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức tiến cho biết, ngành Nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao kết quả hợp tác với IAEA, đặc biệt là trong việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò làm thành viên của Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Thế giới thời gian gần đây. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những hợp tác rất hiệu quả với IAEA trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển ngành như: Biện pháp kỹ thuật triệt sản côn trùng (ruồi hại quả thanh long) đem lại năng suất và hiệu quả sản xuất tốt hơn rất nhiều; Ứng dụng công nghệ hạt nhân gây đột biến để chọn tạo giống lúa mới thích ứng với hạn, mặn, ngập nước và ứng dụng đồng vị phóng xạ trong nâng cao hiệu quả sử dụng phân đạm tại những vùng trồng rau chính; Cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị sinh học phân tử để sàng lọc giống đột biến, thiết bị nghiên cứu chuẩn đoán bệnh động vật, các loại dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và lây truyền qua biên giới, tăng cường năng lực xét nghiệm của các phòng thí nghiệm trọng điểm, đào tạo năng lực cho cán bộ, tham quan học tập. Bên cạnh đó, hai bên cũng hợp tác trong việc xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các quốc gia, các cơ quan để nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm để có những ứng dụng công nghệ hạt nhân can thiệp hiệu quả hơn cho ngành trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nguy cơ dịch bệnh hiện nay.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp rất quan tâm đến sử dụng công nghệ nguyên tử làm đột biến để chọn tạo giống. Bộ NN&PTNT đã xây dựng hai đề tài: Ứng dụng công nghệ đột biến chọn tạo giống một số cây trồng chủ lực (lạc, đậu tương, cam); Ứng dụng đột biến và công nghệ sinh học chọn tạo giống lúa có năng suất chất lượng cao do Việt Di truyền chủ trì.
Nhìn chung, các hoạt động hợp tác của ngành Nông nghiệp với IAEA rất hiệu quả và phù hợp với mục tiêu và ưu tiên của ngành trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh và những biến động rất nhanh trong bối cảnh hiện nay. Bộ NN&PTNT cảm ơn sự hợp tác của IAEA đã có những đóng góp rất tích cực cho ngành.
Trong tương lai, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Khoa học Công nghệ tiếp tục rà soát và đưa ra những nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả hơn. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng với sự hợp tác hiệu quả, ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và nguy cơ dịch bệnh, đóng góp vào phát triển bền vững ngành Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Hua Liu – Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) cũng đánh giá rất cao sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa IAEA và Việt Nam, cụ thể với Bộ NN&PTNT và Bộ Khoa học Công nghệ thông qua các dự án về chọn giống cũng như kiểm soát dịch bệnh trong thời gian qua. Ông mong muốn trong tương lai, mối quan hệ hợp tác giữa IAEA và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được tăng cường hơn nữa.
Vào tháng 10/2023, IAEA đã đưa ra sáng kiến Atom4food về đảm bảo an ninh lương thực, sử dụng công nghệ hạt nhân hỗ trợ cung cấp thực phẩm sạch, an toàn hơn, cải thiện dinh dưỡng, thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu. Sáng kiến này của IAEA giúp kết nối phòng thí nghiệm đến đồng ruộng trong sử dụng năng lượng nguyên tử, từ đó tăng cường năng suất cây trồng và kiểm soát dịch bệnh. “Với sáng kiến Atom4food, thay vì sẽ có nhiều dự án tách biệt các lĩnh vực nông nghiệp, an ninh lương thực, thú y… thì giờ đây mọi vấn đề sẽ được gộp chung làm một trong cái gọi là Giải pháp chiến lược” và sẽ tập trung chủ yếu vào nông nghiệp”, ông Liu giới thiệu.
Sáng kiến gồm 6 điểm chính gồm: Nhân giống đột biến tạo ra giống mới đáp ứng điều kiện khí hậu khắc nghiệt; Áp dụng kỹ thuật đồng vị để tăng chất lượng nước và đất trong nông nghiệp; Áp dụng kỹ thuật công nghệ năng lượng nguyên tử để tăng sức đề kháng trong lĩnh vực sức khỏe thú y; Tăng cường dinh dưỡng cho các sản phẩm nông nghiệp; Kỹ thuật diệt (bất dục) côn trùng; Đảm bảo an toàn, an ninh lương thực.
Ông Hua Liu kêu gọi Bộ NN&PTNT cùng xây dựng cơ chế hợp tác để tăng cường hơn nữa ứng dụng của năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp, nhấn mạnh sự tham gia của các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, vào sáng kiến an ninh lương thực luôn được hoan nghênh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá những nội dung trong sáng kiến Atom4food của IAEA rất thiết thực với nông nghiệp Việt Nam và mong muốn cùng các nước tham gia sáng kiến.
Theo mard.gov.vn