STNN - Tại cuộc họp UBND thường kỳ tháng 3/2023, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9 - 10% trong năm 2023
- Lấy ý kiến về Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế
- Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh tiến độ các dự án chỉnh trang đô thị
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có cuộc họp UBND thường kỳ tháng 3/2023 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, các sở, ngành, địa phương cần tập trung các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các giải pháp hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc liên quan quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng,… để đảm bảo tính chủ động, sẵn sàng trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư.
Theo ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước tăng 3,5%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tăng 25% so với cùng kỳ. Du lịch có nhiều khởi sắc; tổng lượng khách du lịch tăng hơn 2,1 lần, trong đó khách quốc tế tăng hơn 55 lần so với cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên Huế đã cấp mới 06 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 916 tỷ đồng (trong đó 04 dự án FDI với vốn đăng ký 26,5 triệu USD); thu hồi 01 dự án FDI với vốn đăng ký 34,5 triệu USD. Tính đến 27/3/2023, có 196 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.224,6 tỷ đồng, giảm 5,8% về lượng và giảm 19,8% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 129 doanh nghiệp, giảm 104 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 266 doanh nghiệp, giảm 7 doanh nghiệp; giải thể 28 doanh nghiệp, giảm 4 doanh nghiệp.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9 - 10% trong năm 2023 và 6 chương trình trọng điểm gồm Chương trình phát triển đô thị (bao gồm Chương trình di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế); Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; Chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ; Chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; Chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Theo ông Nguyễn Văn Phương, việc đôn đốc, bám sát tiến độ các dự án rất quan trọng. Chính vì vậy, các đơn vị cần tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tiến độ, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm, dự án hạ tầng phát triển sản xuất.
Thông tin từ Cục Thống kê tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 3, tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong quý I/2023 tăng 6,61%. Con số này dù chưa bằng kế hoạch kỳ vọng nhưng cũng thể hiện sự nỗ lực của tỉnh trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cần nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, trong đó nắm chắc từng vấn đề một, từ đó có kế hoạch triển khai cụ thể, tuyệt đối không thể “mơ hồ”.
“Đối với từng nhóm vấn đề cần có mục tiêu cụ thể, các đơn vị phải tập trung phân tích những hạn chế, khó khăn hiện tại để có những tham mưu đột phá trong quá trình thực hiện”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Hoàng Nghĩa