Thúc đẩy liên kết tiêu thụ nông sản

Hiện tại, nông nghiệp Hà Nội mới cung ứng được 35-65% nhu cầu về các loại nông sản cho thị trường Thủ đô. Do vậy, thành phố sẽ đẩy mạnh các giải pháp kết nối, liên kết với các tỉnh, thành phố bảo đảm nguồn cung sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân Hà Nội từ nay đến cuối năm và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Khách hàng lựa chọn các sản phẩm tại Hội chợ xúc tiến thương mại, quảng cáo sản phẩm OCOP Hà Nội, tháng 12-2021.

Thị trường nông sản rộng mở

Về việc kết nối tiêu thụ nông sản, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Thanh Hóa Hoàng Viết Chọn thông tin, nhờ hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều mặt hàng nông sản của Thanh Hóa đã được các doanh nghiệp, siêu thị ở Hà Nội đặt mua và tiêu thụ ổn định. Thanh Hóa có lượng nông sản lớn, đạt 1,5 triệu tấn/năm, cũng đã có 20 sản phẩm được chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Từ đầu năm 2021 đến nay, 45 doanh nghiệp của Thanh Hóa đã tham gia cung ứng cho thị trường Hà Nội nhiều mặt hàng như nước mắm, thủy sản, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả…; trung bình mỗi tháng là 10-15 tấn nông sản.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thịnh (tỉnh Sơn La) Nguyễn Đình Hướng cho biết: “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách, do vậy, hợp tác xã gặp không ít khó khăn trong việc vận chuyển nông sản đến các tỉnh, cũng như các siêu thị tại Hà Nội. Tuy nhiên, với việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm trái cây của hợp tác xã đã được tiêu thụ mạnh hơn ở thị trường Thủ đô”.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 35-65% nhu cầu của người dân trên địa bàn, nên cần một lượng lớn nông sản chất lượng cao từ các tỉnh, thành phố. Đáng lưu ý, dịp cuối năm, nhu cầu của thị trường Hà Nội sẽ tăng 10-20% tùy từng mặt hàng. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT) Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay, trong 10 tháng năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm của Hà Nội đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố lên tới hơn 220.000 tấn. Nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương cũng được kết nối, đưa vào tiêu thụ tại 35 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô.

Đa dạng các kênh phân phối

Dù việc kết nối, tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh đã được tăng cường, tuy nhiên trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã; các tỉnh, thành phố… đều có chung kiến nghị là Hà Nội và Bộ NN&PTNT cần triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt kết hợp với việc kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Hùng đề xuất, Hà Nội cần hỗ trợ thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh của các tỉnh thông qua chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối cung – cầu trên nền tảng kỹ thuật số để nắm rõ thông tin, nhu cầu của các bên…

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc bán hàng online, kết nối phân phối trên nền tảng số là giải pháp tối ưu trong thời gian tới. Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ hỗ trợ tất cả các địa phương đưa sản phẩm của mình đến với đông đảo người tiêu dùng cả nước, đặc biệt là người tiêu dùng Hà Nội, thông qua các kênh bán hàng trực tuyến…

Về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội đã xây dựng kịch bản và các kênh phân phối sản phẩm cho người dân. Để đáp ứng nhu cầu nông sản tăng cao vào dịp cuối năm, Hà Nội sẵn sàng phối hợp, kết nối nông sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước với các kênh siêu thị như: MM Mega Market, Big C, Aeon Mall…; đồng thời, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 trang thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Nhằm tăng cường kết nối giao thương sản phẩm nông nghiệp giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với Sở Công Thương cân đối năng lực sản xuất – tiêu thụ của Hà Nội, đưa ra dự báo chính xác về nhu cầu với từng mặt hàng cụ thể và xây dựng kịch bản kết nối tiêu thụ. Trước mắt, Hà Nội sẽ tập trung kết nối với 21 tỉnh, thành phố trong chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội; đồng thời, phối hợp với ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành phố kết nối quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP.

Thúc đẩy các hoạt động liên kết, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, qua đó bảo đảm nhu cầu thị trường tăng cao vào dịp cuối năm, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Đào Văn Hồ cho biết, Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội thiết lập các kênh bán hàng, gian hàng trực tiếp, trực tuyến để kết nối tiêu thụ nông sản cho các tỉnh, thành phố, phục vụ người tiêu dùng Hà Nội trong mọi hoàn cảnh.

Theo Báo Hà Nội mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây