STNN - Ở Việt Nam vai trò của cây sắn đã chuyển đổi nhanh chóng từ chỗ là cây lương thực, cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu, cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, nhiên liệu sinh học. Sắn là một trong các cây trồng thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.
- Cây lai có thể là chìa khóa sản xuất nhiều lương thực hơn
- Thực trạng của nông nghiệp đô thị tại Việt Nam hiện nay
- Gia Lai: Phát hiện 01 cơ sở kinh doanh phân bón không có giấy chứng nhận đủ kiện kinh doanh
Cây trồng có giá trị xuất khẩu cao
Bộ Công Thương đưa sắn vào danh sách 10 cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (có giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba sau cà phê, lúa gạo). Theo đó, tinh bột sắn, sắn lát Việt Nam đã trở thành một trong bảy mặt hàng xuất khẩu quan trọng, có giá trị, sản lượng chế biến và xuất khẩu tăng trưởng nhanh qua từng năm. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan, trong 5 năm gần đây đều đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Cả nước có trên 40 tỉnh trồng sắn, tập trung ở 5 vùng trọng điểm chính, gồm: Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chiếm 98% về diện tích và sản lượng sắn cả nước. Do các điều kiện khác nhau ở mỗi vùng miền nên việc canh tác cây sắn cho năng suất và sản lượng ở các vùng khác nhau.
Cơ cấu giống sắn đã có sự thay đổi lớn, trước năm 2005, trồng phổ biến các giống sắn có năng suất thấp nhưng chất lượng tốt để làm lương thực như: HL20, HL23, HL24, xanh Vĩnh Phú,...; sau năm 2005, giống sắn cũ đã được thay thế bằng một bộ giống sắn mới KM có năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao phục vụ chế biến.
Giai đoạn từ 1990 đến 2017, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chất lượng giống sắn Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể về năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao, giúp giải quyết nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến. Nghiên cứu chọn tạo các giống sắn có thời gian sinh trưởng ngắn, trồng rải vụ cung cấp củ tươi cho công nghiệp chế biến đang được tập trung nghiên cứu.
Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các Viện thành viên đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế - CIAT, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc - FAO triển khai đánh giá tập đoàn các giống sắn trong nước
Nhóm giống sắn mới được công nhận lưu hành có thời gian sinh trưởng từ 270-300 ngày, kháng bệnh khảm lá Sri Lanka có năng suất và hàm lượng tinh bột cao hơn so với đối chứng. Đặc biệt, 2 giống sắn HN1 chống chịu và HN36 kháng bệnh có năng suất, tinh bột cao và kiểu hình thân thẳng phù hợp với tập tính canh tác với mật độ dày.
Bên cạnh việc các địa phương và doanh nghiệp tiếp nhận và phát triển các giống sắn mới, Bộ NN-PTNT đã giao các cơ quan nghiên cứu thực hiện các dự án: dự án sản xuất giống sắn giai đoạn 2011-2015 do Trung tâm nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc thực hiện đã tổ chức nhân giống gốc tổng cộng 216 ha giống sắn mới tại Đồng Nai và chuyển giao 2.700.000 cây giống gốc sạch bệnh các giống KM94, KM140, KM98-5, KM98-7 cho nông dân các tỉnh, vùng trồng sắn trọng điểm: Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Đắk Nông…
Công nghệ chưa cao, vai trò của Hợp tác xã (HTX) còn mờ nhạt
Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT trên cả nước hiện có khoảng 300 HTX dịch vụ nông nghiệp có các thành viên là những hộ trồng sắn. Tuy nhiên, vai trò của các HTX này đối với chuỗi giá trị sắn rất mờ nhạt, các HTX chủ yếu cung cấp được một số vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp nói chung, trong đó cung cấp một số vật tư cho cây sắn như phân bón, thuốc trừ sâu.
Vai trò của các HTX này trong liên kết chuỗi giá trị sắn với các doanh nghiệp chế biến rất hạn chế. Liên kết giữa nhà máy chế biến với HTX chủ yếu là thông tin về giống, giá cả thu mua sản phẩm, sự phối hợp về cung ứng giống thông qua dịch vụ, đào tạo kỹ thuật. Nhà máy chưa có chính sách, cơ chế phối hợp, thu hút HTX vào trong chuỗi cung ứng sản phẩm sắn cho nhà máy. Vai trò của HTX trong cung ứng sản phẩm còn mờ nhạt. Xét trên khía cạnh thực tế, người trồng sắn vẫn muốn có sự ràng buộc với nhà máy, giúp định hướng sản xuất (diện tích trồng, nhu cầu thu mua) nhằm chia sẻ rủi ro, ổn định sản xuất.
Sau gần 04 năm triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhưng đến nay mới chỉ có 07 chuỗi liên kết sắn và các sản phẩm từ sắn được xây dựng dự án/kế hoạch liên kết (trong tổng số 119 sản phẩm chủ lực quốc gia đã được các địa phương phê duyệt liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP).
Tuy nhiên, ở một số vùng sản xuất lớn, sự hợp tác giữa nông dân với các nhà máy sản xuất tinh bột và giữa các nhà máy sản xuất tinh bột và các nhà chế biến thực phẩm đã bắt đầu xuất hiện. Tỷ lệ (%) giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đối với sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khá cao (95,6%).
Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 30 tỉnh với 142 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm.
Hiện trình độ công nghệ chế biến tinh bột sắn Việt Nam ở mức trung bình khá so với thế giới. Ngoài việc sử dụng công nghệ của Trung Quốc, Thái Lan, đã có nhiều nhà máy sử dụng công nghệ cao hơn của các nước phát triển. Đa số các nhà máy chế biến sắn đều có đầu tư hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nhưng hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chế biến sắn công suất nhỏ, trang thiết bị tự chế đơn giản nằm rải rác gần khu dân cư và các làng nghề đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Tầm nhìn đến 2050 đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD
Trong giai đoạn 2015-2021 sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận cả sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cho thấy sự phát triển sắn còn thiếu tính bền vững như: Chưa có bộ giống sắn năng suất cao và phù hợp với nhu cầu chế biến; canh tác thiếu bền vững, việc áp dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hoá trong sản xuất sắn còn hạn chế, tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập nhất là việc liên kết sản xuất.
Vì vậy, mới đây, Bộ NN-PTNT đã chính thức phê duyệt “Đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm phát triển ngành sắn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu nhằm phát triển ngành hàng sắn ổn định, hiệu quả, bền vững; xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn; nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu và bảo vệ môi trường.
Ước tính mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mì chính,...) chiếm khoảng 85%.
Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mì chính,...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.
Xuân Thủy