Tiếp tục phối hợp thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng và phát triển đất nước

STNN – Tinh thần nói trên một lần nữa lại được khẳng định tại Hội thảo Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tham gia xây dựng và phát triển đất nước, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTW MTTQ VN) và Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNN về NVNONN), Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 23/3/2023 tại Hà Nội.

TSKH Phan Anh Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Đến dự Hội thảo có TSKH Phan Anh Dũng, Chủ tịch VUSTA; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam; ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch VUSTA và ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm UBNN về NVNONN.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng khẳng định: “Trí thức Việt Nam ở nước ngoài (TTVNONN) là lực lượng quan trọng không tách rời với dân tộc, với đất nước. TTVNONN có đóng góp quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn được Đảng và Nhà nước ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao”.

Cũng theo TSKH Phan Xuân Dũng, Hội thảo này nhằm tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN. Đây còn là hoạt động thiết thực hướng tới Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập VUSTA.
Từ 15 tổ chức hội thành viên sáng lập năm 1963, đến nay VUSTA có 156 hội thành viên bao gồm: 63 Liên hiệp hội địa phương và 93 hội ngành toàn quốc. Hệ thống KH&KT trực thuộc Đoàn Chủ tịch cũng lớn mạnh với gần 600 đơn vị. Toàn hệ thống đã thu hút trên 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu trí thức, trong số này, có rất nhiều trí thức đã từng học tập và làm việc ở nước ngoài trở về nước.

Quang cảnh Hội thảo.

Nhắc lại câu chuyện hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đầu thành lập nước, nhiều trí thức, trong đó, tiêu biểu là Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, người Chủ tịch đầu tiên của VUSTA , đã tự nguyện về nước và có nhiều đóng góp to lớn phục vụ Tổ quốc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch VUSTA nhấn mạnh: Trong suốt chặng đường 40 năm qua, trong tất cả các hoạt động của VUSTA trải trên nhiều lĩnh vực, một bộ phận không nhỏ trí thức NVNONN luôn noi gương tham gia, đóng góp cả trí tuệ và tâm sức.

Bổ sung vào bức tranh toàn cảnh nguồn lực đội ngũ trí thức NVNONN đã và đang tích cực tham gia đóng góp xây dựng phát triển đất nước, ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm UBNN về NVNONN cho biết: Có 10% trong tổng số hơn 5,3 triệu NVNONN, tương đương hoảng 600.000 người, có trình độ đại học trở lên, được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, được làm việc trong những môi trường khoa học và công nghệ cao. Họ là con em các thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư của người Việt ở sở tại, tập trung tại các nước phương Tây. Họ ngày càng thành đạt và có nhiều uy tín nơi sở tại, đóng góp và góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với bạn bè quốc tế. “Đây là tiềm năng rất lớn để tạo nguồn nhân lực trí tuệ từ NVNONN” – ông Mai Phan Dũng nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của một hội liên hiệp địa phương, tại đây, TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch LHH TP. Hà Nội nêu vấn đề: Mặc dù trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện nhằm thu hút NVNONN về nước sinh sống, làm việc và đầu tư, kinh doanh…, tuy nhiên, kết quả đạt được chưa được như mong muốn và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của kiều bào ta. Ông đơn cử như tại Hà Nội, mặc dù đã có Luật Thủ đô và Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội có quy định trọng dụng nhân tài, nhưng 10 năm qua, hiệu quả của chế chính sách này chưa cao, chưa thu hút được nhiều người mà có thu hút được cũng chưa phát huy được hiệu quả. Ông đặt câu hỏi: Vậy nguyên nhân do đâu? Dẫn ra nhiều nguyên nhân, ông nói: “Theo tôi, mấu chốt là kêu gọi họ về nước làm gì, làm cho ai quản lý, mô hình hoạt động thế nào thì lại chưa rõ”. Ông kể: Trước đây, Bác Hồ vận động kêu gọi trí thức thành công là vì Người tạo mọi điều kiện để người trí thức ấy được làm việc theo đúng chuyên môn, phù hợp nguyện vọng của họ. Phải có chiến lược phát triển cái gì cụ thể hãy mời nhà khoa học nào về nước chứ không nên mời chung chung như hiện nay – ông Rao khuyến nghị.

Tại cuộc Hội thảo này, nhiều ý kiến cho rằng: Trong điều kiện khoa học kỹ thuật 4.0 bùng nổ, trong bối cảnh đất nước hiện nay, dù chưa có điều kiện về nước, các trí thức NVNONN vẫn có thể đóng góp cho đất nước bằng nhiều cách rất hiệu quả. Đảng và Nhà nước cần từng bước tiếp tục giao nhiệm vụ và tạo điều kiện các tổ chức như: VUSTA, UBNN về NVNONN, MTTQ và các tổ chức khác lựa chọn, mời gọi và giúp đỡ cho họ phát huy lòng yêu nước. Các tổ chức này cần đổi mới cả về phương pháp cũng như cách thức tiếp cận với họ, làm sao để cứ mỗi khi cần hướng về Tổ quốc là họ phải nghĩ ngay đến mình, đến tổ chức của mình.

Một số đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo:

Bài, ảnh: Trần Ngọc Kha (ghi nhanh)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây