Trong tâm thức của người Việt, tiết Thanh minh là dịp quan trọng. Theo quy ước, tiết Thanh minh là khoảng thời gian bắt đầu từ ngày mùng 4 hay mùng 5/4 dương lịch. Tiết Thanh minh năm nay bắt đầu vào ngày mùng 5/4 (tức mùng 5/3 âm lịch).
Thanh minh là một từ Hán-Việt, "thanh" nghĩa là khí trong, "minh" là sáng sủa. Vào tiết Thanh minh, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa. Tết Thanh minh là dịp để mỗi người nhớ về cội nguồn. Vào dịp đặc biệt này, người dân có tập tục đi tảo mộ (cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ) để tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất.
Sở dĩ ông cha ta chọn tiết Thanh Minh để tảo mộ vì vào dịp này, tiết trời ấm dần, mưa ẩm khiến cây cỏ mọc tươi tốt, có khi trùm lên mộ hay làm cho mộ sụt lở. Với mộ đất thì bồi thổ, đắp tôn cao. Với mộ xây thì làm sạch, quét dọn, rẫy cỏ, tỉa cành cây, rễ cây để bảo vệ mộ phần.
Phong tục cúng Thanh minh mỗi nơi mỗi khác. Tùy theo phong tục của mỗi địa phương và điều kiện gia đình, buổi lễ Thanh minh ở nghĩa trang được tiến hành theo trình tự như sau: Thắp hương khấn gia tiên để xin phép, sau đó dọn dẹp mộ phần, lên hương, dâng lễ, mời rượu, khấn vái, hóa vàng mã. Hoa trái, phẩm vật dâng cúng phải tươi mới, sạch sẽ, số lượng phải là số lẻ. Sau khi hương cháy được khoảng 2/3 thì lễ tạ, hóa vàng và xin lộc.
Ở một số địa phương, sau khi làm lễ Thanh minh ở mộ phần thì khấn mời gia tiên về nhà. Tại nhà, các gia đình, dòng họ chuẩn bị cỗ bàn để dâng cúng gia tiên sau đó con cháu quây quần thụ lộc. Đây cũng là dịp để các gia đình, dòng họ sum họp, thăm hỏi lẫn nhau, gắn kết tình thân tộc.
Trước đây, tiết Thanh minh cũng là dịp nam nữ thanh niên du xuân, ngắm cảnh sắc nên thơ của mùa xuân nên có tên gọi hội đạp thanh (tức giẫm lên cỏ). Ngày nay, ở Việt Nam hội đạp thanh ít được phổ biến.
Nguyễn Linh