Trước tình trạng xâm nhập mặn có nguy cơ lấn sâu và kéo dài hơn khiến năng suất và chất lượng cây trồng giảm, nhiều biện pháp kỹ thuật đã được sử dụng như dùng giống chịu mặn, điều chỉnh mùa vụ sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Tuy nhiên, phân bón hóa học có thể giúp tăng năng suất cây trồng nhưng lại làm giảm hiệu quả và chất lượng đất. Vì vậy, các biện pháp sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ,... được quan tâm nhiều hơn.
Trên thế giới, các chủng vi sinh vật chịu mặn có hoạt tính sinh học có lợi cây trồng đã được nghiên cứu ứng dụng và đem lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, ở nước ta, chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh dành cho đất nhiễm mặn còn hạn chế, mới chỉ ứng dụng trên một số giống cây trồng đặc trưng của vùng.

Trong bối cảnh đó, Sở KH&CN TPHCM đã triển khai đề tài “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh có khả năng kích thích sinh trưởng cây trồng trên đất nhiễm mặn”. Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM là đơn vị thực hiện Đề tài.
Qua các thí nghiệm, nhóm thực hiện Đề tài đã định danh được ba dòng vi khuẩn: Burkholderia cenocepacia (BK8), Burkholderia silvatlantica (TTH11) và Pseudomonas fluorescens (T5) không ức chế hay đối kháng lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng, phát triển, cũng như không gây độc cho sự sinh trưởng của cây trồng.
Đồng thời, ba chủng vi khuẩn này không bị các nồng độ muối từ 0‰ đến 5‰ làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, khả năng tổng hợp IAA (một hormone quan trọng kích thích sự phát triển của thực vật), cố định đạm, và phân giải lân của mình.
Nhóm xác định, điều kiện thích hợp cho quá trình lên men thu sinh khối ba chủng vi khuẩn BK8, TTH11, T5 là mật rỉ đường nồng độ 20 g/L, nhiệt độ 30-35oC, giá trị pH thích hợp là 7, thời gian nhân sinh khối 30 giờ.

Thử nghiệm cho thấy ba chủng vi khuẩn chịu mặn có khả năng kích thích sinh trưởng cây đậu nành trong điều kiện thí nghiệm với đất nhiễm mặn ở nồng độ 3 ‰ và 5‰. Từ kết quả này, nhóm đã hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh có khả năng chịu mặn, cố định đạm, phân giải lân, sinh IAA quy mô pilot 100kg/mẻ.
Đánh giá ảnh hưởng của chế phẩm trên cây xoài trồng ở vùng đất nhiễm mặn tại Cần Giờ (TPHCM), Bình Đại (Bến Tre) và Cái Bè (Tiền Giang) cho thấy, với liều lượng 100g/gốc cho hiệu quả tương tự khi sử dụng chế phẩm thương mại và cao hơn so với nghiệm thức đối chứng không sử dụng chế phẩm về năng suất, phẩm chất quả, và cảm quan màu sắc quả.
Theo nhóm thực hiện Đề tài, có thể ứng dụng chế phẩm trên nhiều đối tượng khác nhau, góp phần tăng năng suất cây trồng trong điều kiện canh tác bị ảnh hưởng của nhiễm mặn tại TPHCM và một số vùng lân cận.
Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.