STNN – Dự án “Khả năng chống chịu trong nông nghiệp đô thị thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương quốc Anh” do Đại học Middlesex và Trường Đại học Văn Lang phối hợp thực hiện sẽ tiên phong trong việc cải tiến công nghệ cho nông nghiệp đô thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và thể hiện tiềm năng đáng kể của nông nghiệp đô thị bền vững.
- Thực phẩm nông nghiệp từ đô thị có lượng khí thải carbon lớn hơn 6 lần so với sản phẩm thông thường
- Công nghệ nông nghiệp có thể giảm hàng tỷ tấn khí thải nhà kính
Ngày 12/3, Trường Đại học Văn Lang tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tăng cường khả năng chống chịu cho xã hội bằng công nghệ số: Nghiên cứu điển hình về Nông nghiệp đô thị và Chăm sóc sức khỏe”, tổng kết hai dự án thuộc chương trình hợp tác đối tác toàn cầu của Hội đồng Anh, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo giữa Vương quốc Anh, Việt Nam và Indonesia.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện 02 đơn vị chủ trì Dự án, gồm bà Hoàng Vân Anh - Trưởng Phòng Giáo dục, bà Phan Thị Bảo Phi - Quản lý chương trình đào tạo, đại diện Hội đồng Anh tại Việt Nam, Ông Syamsuddin, Muhaimin đại diện Hội đồng Anh tại Indonesia; GS.TS Nguyễn Xuân Huấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ bản sao tại London, Trưởng nhóm nghiên cứu 5G/6G & IoT, Đại học Middlesex, Vương Quốc Anh và PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang. Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham dự của ThS. Ngô Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Sở TN&MT TP.HCM, đại diện các Sở, Ban, Ngành; đại diện các Viện Trung tâm, Hiệp hội và các nhóm thực hiện dự án; các trường đại học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp,...
Theo đó, tại Hội thảo, các nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả đầu ra của 2 dự án do Hội đồng Anh tài trợ. Đây là cơ hội để các đơn vị liên quan cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các vấn đề về nông nghiệp và y tế để tìm phương hướng giải quyết tăng cường khả năng chống chịu của các đô thị trong mục tiêu phát triển đô thị bền vững.
Cụ thể, ở lĩnh vực nông nghiệp, nhóm nghiên cứu đã trình bày dự án “Khả năng chống chịu trong nông nghiệp đô thị thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương quốc Anh” do Đại học Middlesex và Trường Đại học Văn Lang phối hợp thực hiện. Dự án tiên phong trong việc cải tiến công nghệ cho nông nghiệp đô thị, không chỉ tăng cường an ninh lương thực và thể hiện tiềm năng đáng kể của nông nghiệp đô thị bền vững mà còn làm rõ tác động của nông nghiệp đô thị đối với môi trường và kinh tế, trong bối cảnh của Việt Nam và Vương quốc Anh.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động đạt hiệu quả rất cao về kinh tế cũng như môi trường. Cụ thể, tính theo cùng một đơn vị diện tích, cây rau được canh tác theo chiều đứng tự động có năng suất cao hơn khoảng 157% - 269%. Tức cao gấp khoảng 1,6 đến 2,7 lần so với phương pháp truyền thống. Đồng thời, cũng có thể trồng được ít nhất 6 vụ/năm so với 3 vụ/năm ở ngoài ruộng. Cùng với đó, hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động cũng giúp người dân tiết kiệm nước tưới, phân bón và thuốc trừ sâu.
Về vấn đề môi trường, nhóm nghiên cứu cho biết hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động gần như không phát thải Carbon và các chất thải khác ra môi trường. Bởi, quy trình canh tác khép kín và khả năng quang hợp của thực vật sẽ giúp không khí được điều hòa, giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, Hội thảo do Trường Đại học Văn Lang tổ chức cũng trình bày dự án “Phát triển chương trình giảng dạy kết nối về Bản sao kỹ thuật số (Digital Twin) cho Mạng lưới nâng cao năng lực chống chịu của hệ thống y tế”, Đại học Middlesex phối hợp với Đại học Gadjah Mada thực hiện. Dự án đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe thông qua công nghệ Bản sao kỹ thuật số. Cách tiếp cận sáng tạo này cung cấp một khuôn khổ cho các mạng lưới nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống y tế để thích ứng với những thách thức mới trong việc chăm sóc sức khỏe thời hiện đại.
Hội đồng Anh, Trường Đại học Văn Lang và các đơn vị liên quan kỳ vọng các dự án sẽ mở ra những cơ hội mới, tạo ra những giải pháp sáng tạo để nâng cao năng lực chống chịu của cộng đồng và xã hội dựa trên nền tảng của công nghệ số, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc với trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp và y tế. Qua đó, Trường Đại học Văn Lang tiếp tục khẳng định sứ mệnh của một đại học truyền cảm hứng và tác động tích cực đối với xã hội.
Được biết, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, trong những năm trở lại đây, Trường Đại học Văn Lang thường xuyên đẩy mạnh các dự án góp phần thúc đẩy sự thay đổi tích cực của xã hội, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững, tiêu biểu như Dự án Phát triển công nghiệp bền vững tại các đồng bằng của Việt Nam: Tái sử dụng, tái chế và đa dạng hóa nguồn nước công nghiệp phối hợp cùng Đại học Wageningen (Hà Lan); Dự án khả năng chống chịu đô thị trong nông nghiệp thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương quốc Anh;... Cũng trong năm 2023, Trường Đại học Văn Lang cũng đã hoàn thành báo cáo phát triển bền vững nhằm tổng hợp các hoạt động liên quan đến xây dựng trường học bền vững cũng như các hoạt động nghiên cứu, phục vụ cộng đồng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.
Anh Đức