Câu chuyện về địa lan Trần Mộng được kể lại rằng: “Tương truyền, vua Trần một đêm nằm mộng thấy được xem một loài địa lan lạ, hoa màu đỏ hồng, rất đẹp và rất thơm. Khi tỉnh giấc, nhà vua ngẩn ngơ, bần thần. Kỳ lạ thay, có người mang tiến vua một chậu lan như trong giấc mộng. Từ đó, loài lan quý được mang tên địa lan Trần Mộng, tức giấc mộng của vua Trần”.
Nhắc đến thú chơi lan, nhiều người cho rằng chỉ đàn ông mới có niềm đam mê với loài hoa nổi tiếng kiêu kỳ này, thế nhưng chị Đinh Thị Liên – bà chủ vườn địa lan tại Sapa lại là một trong số những phụ nữ hiếm hoi dành trọn tình yêu với hoa lan, đặc biệt là dòng lan tiến vua Trần.
Trao đổi với chị Liên về loài lan quý, chị nói: “Trần Mộng là loài địa lan rất khó tính, chỉ sinh trưởng và phát triển tốt ở nơi có khí hậu mát mẻ, lạnh như Sapa… Nhất là thời kỳ lan chuẩn bị ra hoa, phải có cách chăm sóc phù hợp để hoa to và có sắc, lâu tàn, hương thơm lan xa, mùi thơm ngọt, dịu nhẹ và không hắc như các loại khác”.
Lan Trần Mộng là loại lan có lá hẹp bản dài và to ngang, đầu to, giò hoa lan dài vươn lên uyển chuyển thanh cao, màu xanh ngọc họng đỏ. Mỗi chùm hoa lại có nhiều bông và cao đến 80cm, 90cm.
“Người chơi lan thường mua vào dịp xuân đến và trưng trong nhà; với ý nghĩa sẽ mang đến bình an, phát đạt, suôn sẻ cho gia chủ. Lan Trần Mộng rất đẹp, trông như những ánh sao rơi, giúp liên tưởng tới những điều tốt lành để khởi đầu năm mới.” - Chị Liên cho biết thêm.
Từ đam mê đến chủ vườn lan khủng ở Sapa
Trước khi đến với hoa lan, chị Liên cũng đã trải qua đủ nghề, thất bại có và thành công cũng có… Để rồi, trong một lần tình cờ nói chuyện với người bạn chơi lan, chị biết đến dòng địa lan Trần Mộng và bắt đầu quá trình khởi nghiệp của mình với loài lan này từ đây.
“Từ nhỏ, tôi đã rất thích được chăm sóc cây cối trong nhà, đặc biệt là hoa lan. Tầm 6-7 năm trước tôi đã sưu tầm và tập chơi một số loài lan. Nhưng hồi ấy chưa được tiếp xúc với nhiều thông tin như bây giờ, lại không có điều kiện kinh tế, tôi chỉ sưu tầm được mấy chậu lan rừng bình thường mà thôi. Mãi đến cuối năm 2018, một lần nói chuyện với người bạn cũng chơi lan thì tôi được giới thiệu dòng Mộng Lan này. Vừa tò mò vừa hứng thú, lại được người bạn đó bảo dòng lan này dễ trồng mà cũng có giá trị cao nên tôi quyết định tìm hiểu và mua về để chơi thử”, chị Liên chia sẻ về cơ duyên đến với lan Trần Mộng của mình.
Năm 2020, chị Liên quyết định hành trình đến với vùng đất Sapa, nơi khí hậu phù hợp để trồng lan. Bước đầu chị gặp vô vàn khó khăn, và khó khăn thêm chồng chất khi đại dịch Covid-19 kéo dài. Nhưng bằng sự đam mê và nhiệt huyết, nay vườn lan Trần Mộng của chị đã cho kết quả ngoài mong đợi. Năm 2021 chị bắt đầu tung ra thị trường hơn 300 chậu lan và được người chơi lan biết đến thương hiệu “Lan Trần Mộng chị Liên”. Năm nay, chị dự kiến cho ra thị trường khoảng 700 chậu lan để chuẩn bị cho khách hàng yêu loài lan đặc biệt này, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2022.
Lựa chọn hướng đi cho riêng mình
Hiện nay xuất hiện khá nhiều loài lan tại Việt Nam, những năm gần đây ồn ào về thú chơi lan đột biến… Nhưng chị Liên xác định cho mình hướng đi riêng, không chạy theo sự ồn ào của thị trường lan mà chị chọn loài địa lan phù hợp với túi tiền của người dân và cũng không quá cầu kỳ trong khâu chăm bón.
Hỏi thêm về hướng đi này, chị Liên chia sẻ: “Trong giới chơi lan, mọi người thường sẽ tập trung theo hướng Tứ Đại Danh Kiếm hoặc lan đột biến, nhưng mình chọn lối đi riêng này bởi mình nghĩ quan trọng nhất vẫn là niềm đam mê cháy bỏng và sự tâm huyết”.
Chỉ trong 2 năm bén duyên với nghề trồng lan, qua báo đài, nhiều người trong giới chơi lan đã biết tới chị như một người phụ nữ hiếm hoi thành công trong thú chơi đầy thách thức này. Chị Liên cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với những người mới chơi. Chị quan niệm, giúp được người khác thành công là một niềm vui trong cuộc sống.
Dịp đón xuân Nhâm Dần 2022, cơ sở lan Trần Mộng của chị Liên bày bán, phục vụ khách hàng tại các điểm:
Cơ cở 1: Viện Sinh vật cảnh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội
Cơ sở 2: Chợ hoa Long Biên, đường Ngô Gia Tự, Q. Long Biên, Hà Nội.
Tùng Gia