Viện ASTRI ra mắt Phân viện tại Tây Nam Bộ, khởi động hệ sinh thái nông nghiệp carbon thấp quy mô 794 tỷ đồng

STNN - Trước những yêu cầu cấp bách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng bền vững, Viện Nghiên cứu Công nghệ hỗ trợ nông nghiệp (ASTRI) đã chính thức tổ chức Lễ ra mắt Phân viện ASTRI Tây Nam Bộ tại địa chỉ KĐT Phú Cường, P. Rạch Giá, tỉnh An Giang.

Sự kiện không chỉ công bố một định chế khoa học công nghệ mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà còn khởi động một chương trình hợp tác chiến lược quy mô lớn, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Điểm nhấn của sự kiện là Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Viện ASTRI và Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Hữu cơ Toàn Cầu, nhằm triển khai dự án "Vùng trồng lúa công nghệ cao gắn với phát triển tín chỉ carbon" với tổng vốn đầu tư gần 794 tỷ đồng trên quy mô 1.500 hecta tại An Giang.

astri-1-1751866939.jpg
GS.TS Phan Hữu Tôn – Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Phân viện ASTRI Tây Nam Bộ phát biểu tại buổi lễ. 

Tập trung giải quyết ba bài toán lớn của nông nghiệp ĐBSCL

Hoạt động của Phân viện sẽ tập trung giải quyết ba bài toán lớn của nông nghiệp ĐBSCL:

1. Thích ứng biến đổi khí hậu: Nghiên cứu và chuyển giao các bộ giống cây trồng, vật nuôi chịu mặn, chịu phèn; phát triển các hệ thống canh tác thông minh, tiết kiệm nước và các giải pháp bảo vệ đê biển, rừng phòng hộ.

2. Nâng cao chuỗi giá trị nông sản: Thay vì chỉ xuất khẩu thô, Phân viện sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân ứng dụng công nghệ chế biến sâu, công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng blockchain, xây dựng thương hiệu để hạt gạo, trái cây, con tôm của ĐBSCL có một vị thế mới trên thị trường toàn cầu.

3. Kiến tạo kinh tế tuần hoàn và carbon thấp: Đây là định hướng đột phá, trong đó Phân viện sẽ tiên phong xây dựng các quy trình đo lường, báo cáo, thẩm định (MRV) để biến các hoạt động nông nghiệp giảm phát thải thành tín chỉ carbon có thể thương mại hóa, tạo ra một nguồn "ngoại tệ xanh" cho Việt Nam.

astri-3-1751866939.jpg
TS Chử Đức Hoàng đánh giá, sự ra đời của Phân viện là một bước đi mang tính thời đại, trực tiếp góp phần thực thi các nghị quyết mang tầm chiến lược.

Khởi động dự án 1.500 ha – Mô hình kiểu mẫu về nông nghiệp tuần hoàn

Sự hợp tác chiến lược với Công ty Toàn Cầu là minh chứng rõ nét nhất cho cam kết hành động của Viện ASTRI. Dự án "Vùng trồng lúa công nghệ cao gắn với phát triển tín chỉ carbon" được xây dựng trên một hệ sinh thái tuần hoàn toàn diện:

• Về công nghệ: 100% diện tích sẽ được quản lý bằng công nghệ số, ứng dụng drone, hệ thống cảm biến IoT để tối ưu hóa việc sử dụng nước và phân bón, dự kiến giảm 30-40% lượng nước tưới và trên 50% lượng phân bón hóa học.

• Về kinh tế tuần hoàn: Toàn bộ phụ phẩm rơm rạ sẽ được thu gom, chế biến thành phân bón hữu cơ vi sinh và viên nén năng lượng. Vỏ trấu từ nhà máy xay xát sẽ được sử dụng làm chất đốt sinh học, thay thế nhiên liệu hóa thạch.

• Về hiệu quả kinh tế - xã hội: Dự án không chỉ tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng cao mà còn đặt mục tiêu tạo ra khoảng 3.600 tín chỉ carbon mỗi năm. Mô hình này dự kiến sẽ nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân liên kết lên trên 20% và tạo ra hàng trăm việc làm ổn định tại địa phương.

astri-4-1751867216.jpg
Bà Nguyễn Việt Chinh - Cố vấn chiến lược Phân viện ASTRI Tây Nam Bộ chia sẻ tại buổi lễ.

Sử dụng khoa học công nghệ làm động lực then chốt, phát huy vai trò của kinh tế tư nhân

GS.TS Phan Hữu Tôn – Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Phân viện ASTRI Tây Nam Bộ cho biết: "Hiện nay, khoa học công nghệ chính là con đường tất yếu để nền nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi lời nguyền của một nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản lượng và tài nguyên. Ngoài ra còn giúp chúng ta chuyển từ việc bán cái mình có, sang bán cái thị trường cần, tiến tới cạnh tranh thương hiệu, chất lượng, bền vững và cũng là chìa khóa thực hiện thành công cam kết với quốc tế về việc giảm phát thải nhà kính, xây dựng kinh tế xanh tuần hoàn”.

Phát biểu tại sự kiện, TS. Chử Đức Hoàng khẳng định, sự ra đời của Phân viện là một bước đi mang tính thời đại, trực tiếp góp phần thực thi các nghị quyết mang tầm chiến lược. "Việc thành lập Phân viện không chỉ là sự mở rộng hoạt động, mà là một hành động có trách nhiệm của đội ngũ trí thức trước vận mệnh phát triển của đất nước. Chúng tôi xem đây là sứ mệnh đưa tinh thần của các Nghị quyết Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐBSCL đi vào thực tiễn, sử dụng khoa học công nghệ làm động lực then chốt và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng theo chủ trương lớn của Đảng" – TS. Hoàng nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Việt Chinh - Cố vấn chiến lược Phân viện ASTRI Tây Nam Bộ chia sẻ, một trong những chiến lược hàng đầu và cấp bách của phân viện này là phải nhanh chóng xây dựng một hệ sinh thái đối tác vững mạnh; chủ động tìm kết nối và hợp tác với các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm và chung một khát vọng để cùng nhau phát triển dự án. Đồng thời, các đơn vị liên quan cần tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh như nghiên cứu và chuyển giao các giống cây trồng mới, thích nghi với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần phát triển thương mại hóa các sản phẩm sinh hoạt và phân bón hữu cơ, đồng thời xây dựng các chuỗi giá trị cho những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

astri-2-1751866939.jpg
Sự kiện ra mắt Phân viện ASTRI Tây Nam Bộ được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới, không chỉ cho Viện ASTRI mà cho cả hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tại ĐBSCL.

Bà Hồng Giang Nguyên, Giám đốc Công ty Toàn Cầu, cho biết: "Chúng tôi đầu tư vào dự án này không chỉ vì lợi nhuận kinh tế, mà còn vì một niềm tin vào tương lai của nông nghiệp Việt. Sự kết hợp giữa năng lực khoa học và thẩm định quốc tế của ASTRI cùng với quyết tâm đầu tư và năng lực triển khai của chúng tôi sẽ tạo ra một mô hình thành công, chứng minh rằng phát triển kinh tế hoàn toàn có thể song hành cùng trách nhiệm bảo vệ môi trường".

Sự kiện ra mắt Phân viện ASTRI Tây Nam Bộ được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới, không chỉ cho Viện ASTRI mà cho cả hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tại ĐBSCL, góp phần hiện thực hóa khát vọng về một nền nông nghiệp Việt Nam xanh, thịnh vượng và có trách nhiệm.

Đức Long