Bất chấp phản đối của nông dân mất đất, tỉnh Vĩnh Phúc đang làm mọi cách để lấy đất lúa giao cho Tập đoàn DOJI.
Thu hồi vượt diện tích cho phép?
Theo kế hoạch, 7 giờ ngày 4/8/2021, UBND huyện Yên Lạc sẽ thực hiện cưỡng chế thu hồi đất tại dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên – giai đoạn 3.
Đây là lần thứ 3 chính quyền tổ chức cưỡng chế thu hồi đất lúa của người dân ở xã Đồng Cương để giao cho Tập đoàn DOJI thực hiện dự án. Nếu tính thêm diện tích ở các phường Đồng Tâm và Hội Hợp của Thành phố Vĩnh Yên, đã 5 lần chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất lúa của người dân để giao cho Tập đoàn DOJI.
Trước đó, như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, năm 2015, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký quyết định chấp thuận đầu tư dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (giai đoạn 3) cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI (Tập đoàn DOJI) trên diện tích 70,68 ha tại các phường Đồng Tâm, Hội Hợp (Thành phố Vĩnh Yên) và xã Đồng Cương (huyện Yên Lạc).
Khái toán tổng mức đầu tư của dự án là 3.900 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2015 đến năm 2020. Quy mô nhằm xây dựng 301 căn nhà ở kết hợp thương mại, 185 căn liền kề, 121 căn biệt thự đơn lập, 272 căn nhà ở xã hội thấp tầng, 2 tòa chung cư cao tầng và 4 công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ…
Chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện, thời gian thực hiện dự án dự kiến chia thành 3 giai đoạn và sẽ hoàn thành vào quý 4/2020. Tuy nhiên, sau khi dự án được công bố, nhiều người dân mất đất ở xã Đồng Cương và các phường Đồng Tâm, Hội Hợp đã phản đối. Họ cho rằng mức giá bồi thường 60.000 đồng/m2 đất hai lúa một màu là quá rẻ mạt. Đó có thể là lý do đã quá thời hạn hoàn thành gần một năm nhưng dự án đô thị của Tập đoàn DOJI vẫn còn là bãi đất hoang. Chủ đầu tư dự án đã cho quây tôn toàn bộ những cánh đồng lúa, hồ nuôi thủy sản của người dân trước đây.
Thông tin từ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tính đến cuối tháng 7/2021, tổng diện tích đã thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là 61,14 ha, chi trả tiền hỗ trợ người dân 796/847 hộ. Tổng số đất lúa phải trình Thủ tướng cho phép chuyển đổi thực hiện dự án là 65,6 ha; còn lại 5,08 ha là các loại đất khác.
Trước hết, về trình tự, thủ tục chuyển đổi và thu hồi đất lúa để giao cho Tập đoàn DOJI làm khu đô thị, nông dân mất đất cho rằng chính quyền Vĩnh Phúc đã thực hiện khi chưa được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Vào thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư cho Tập đoàn DOJI, UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới chỉ được Thủ tướng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa tại dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên trên diện tích 12 ha tại xã Đồng Cương và 35 ha tại các phường Đồng Tâm và Hội Hợp.
Sau đó, lần lượt các năm 2017, 2018, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc mới chấp thuận để các cấp chính quyền ở Vĩnh Phúc lần lượt ban hành các quyết định thu hồi đất lúa của nông dân.
Đến ngày 10/5/2018 Thủ tướng mới ký Nghị quyết về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi có Nghị quyết của Thủ tướng thì Vĩnh Phúc mới lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tại đây, dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên mới được đưa vào danh mục với diện tích 70,68 ha. Ngoài ra, những người nông dân mất đất cho rằng, diện tích đất dự án được chính phủ xét duyệt tại Nghị quyết 38/NQ-CP là chưa chính xác.
Vậy, căn cứ vào đâu mà ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký quyết định chấp thuận đầu tư cho Tập đoàn DOJI trước khi Thủ tướng chấp thuận? Phải chăng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chia nhỏ diện tích đất lúa để giao cho Tập đoàn DOJI?
Mặt khác, đây là dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất căn cứ theo Khoản 3, Điều 62, Luật Đất đai năm 2013. Và theo Điều 53 Luật Đất đai, việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, trong các quyết định giao đất cho Tập đoàn DOJI, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục phối hợp hoàn thiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định đối với diện tích đất còn lại trên phạm vi khu đất thực hiện dự án. Trong khi nhiều hộ dân đang phản đối dự án, chưa nhận bồi thường, bàn giao mặt bằng thì chủ đầu tư đã quây tôn ruộng của họ.
Những chiêu trò gây áp lực
Được biết, chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên là Tập đoàn DOJI có địa chỉ tại toà nhà DOJI Tower số 5 Lê Duẩn, phường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Ngoài dự án này, Tập đoàn DOJI còn là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản đình đám ở các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Huế…
Có một điều trùng hợp, rất nhiều người tố cáo ở Đồng Cương, Đồng Tâm, Hội Hợp về quy trình thu hồi đất để giao cho Tập đoàn DOJI đều gặp phải những sự cố trong quá trình khiếu nại.
Chỉ trong tháng 10/2020, người dân mất đất ở xã Đồng Cương đã bị một số đối tượng đến đe dọa. Diện tích nuôi trồng thủy sản, trang trại của gia đình ông Vũ Văn Rổ và Vũ Văn Cường ở xã Đồng Cương ở trong vùng dự án, mặc dù chưa có quyết định cưỡng chế nhưng đã bị các đối tượng quây rào.
Hai tháng sau, toàn bộ diện tích nhà xưởng và tài sản của ông Vũ Văn Cường đột nhiên bị lửa thiêu cháy gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Cơ quan công an vào cuộc điều tra nhưng sau đó kết luận là cháy không rõ nguyên nhân.
Ông Phùng Gia Trung (sinh năm 1948), một cựu chiến binh có 4 thửa ruộng với diện tích 1.200 m2 ở khu vực Đồng Cạn, Đồng Mơ, Đồng Cói thuộc phường Đồng Tâm. Từ Thành phố Vĩnh Yên thu hồi đất để Tập đoàn DOJI triển khai dự án ông Trung cùng nhiều hộ dân khác đã khiếu nại tố cáo vì cho rằng chính quyền và doanh nghiệp đã không thông qua người có ruộng. “Ruộng chúng tôi mỗi năm cấy 2-3 vụ, đột nhiên dự án về lấy, chúng tôi không hề được tham gia bàn bạc gì”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, quá trình phản đối dự án, bản thân và gia đình gặp rất nhiều cản trở trong việc xác nhận các hồ sơ, thủ tục dân sự. “Có người nói với cháu tôi về vận động ông bà nhận tiền đi không sẽ bắt đi bộ đội. Con ông chú tôi xin xác nhận đi làm công nhân cũng bị người ta gây khó dễ…"
Những người phản đối dự án gặp những sự cố không tìm được nguyên nhân, còn phía cơ quan Nhà nước ở Vĩnh Phúc cũng đã đưa ra những mức thưởng cho những hộ dân giải phóng mặt bằng nhanh.
Trong thông báo của Ban quản lý dự án Đầu tư – Xây dựng Thành phố Vĩnh Yên nêu rõ: Trong vòng tối đa không quá 20 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ) kể từ ngày người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi nhận được thông báo chi trả tiền, đối với đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác, mức thưởng là 120.000 đồng/m2. Đất rừng sản xuất 20.000 đồng/m2. Đối với đất có nhà ở phải tháo dỡ mức thưởng 500.000 đồng/m2…
Tiền thưởng của chính quyền đối với các hộ dân bị thu hồi đất giảm dần theo thời gian giải phóng mặt bằng bàn giao đất của các hộ dân.
“Họ đang tìm đủ mọi cách để đẩy nông dân chúng tôi ra khỏi đồng ruộng của mình. Không nhận thưởng thì sớm muộn gì cũng bị cưỡng chế. Nhận thưởng thì nhìn đất đai bao đời nay bị thu hồi với giá rẻ mạt, xót vô cùng”, cựu chiến binh Phùng Gia Trung xót xa.
Nguồn: Báo Nông Nghiệp