Vườn quốc gia Tam Ðảo đang bị xâm hại

Vườn quốc gia Tam Ðảo có diện tích hơn 11 nghìn ha, trải rộng trên địa bàn 10 xã, dài hơn 50 km dọc sườn phía đông trên địa bàn huyện Ðại Từ (Thái Nguyên). Ðây là vùng sinh thái đa dạng, phong phú về động, thực vật. Tuy nhiên, hiện rừng đang bị xâm hại khá nhiều, diện tích bị thu hẹp do người dân phát dọn lấy đất canh tác.

Vườn quốc gia Tam Đảo

Ở nhiều khu vực, ranh giới giữa vùng ngoài, vùng đệm, vùng bảo vệ rừng đặc dụng chưa rõ ràng, chưa được cắm mốc cụ thể để phân định; quy hoạch bất cập, áp lực phát triển kinh tế, xã hội từ người dân ngày càng lớn làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn, phát triển, thậm chí xâm hại Vườn quốc gia Tam Ðảo.

Mập mờ trong khai thác rừng

Xóm Cuốn Cờ, xã Khôi Kỳ, huyện Ðại Từ có nhiều hộ dân xây dựng nhà ở sát chân dãy Tam Ðảo thuộc Vườn quốc gia Tam Ðảo. Cuộc sống hằng ngày của người dân ở đây chủ yếu dựa vào trồng chè, trồng rừng và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng thuộc Vườn quốc gia Tam Ðảo với mức 300 nghìn đồng/ha/năm.

Những ngày vừa qua, một hộ dân địa phương mở đường lâm nghiệp từ bên ngoài vào khu vực quy hoạch rừng Vườn quốc gia Tam Ðảo trên địa bàn xóm Cuốn Cờ, tổ chức khai thác gỗ, đưa ô-tô tải vào vận chuyển gỗ đi tiêu thụ. Ðường lâm nghiệp được mở đến đâu là rừng bị khai thác, gỗ nằm ngổn ngang, các loại cây nhỏ đổ rạp đến đó. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ðại Từ cho biết, rừng ở xóm Cuốn Cờ bị khai thác có ranh giới phân định giữa rừng trồng với rừng đặc dụng chưa rõ ràng, nằm giáp ranh với Vườn quốc gia Tam Ðảo.

Tuy nhiên, một số người dân ở đây khẳng định, hộ dân này hợp đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ hàng chục ha rừng với Vườn quốc gia Tam Ðảo, nhưng không bảo vệ mà còn mở đường, tổ chức khai thác, dùng ô-tô vận chuyển gỗ đi tiêu thụ từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đến cuối tháng 2/2022 việc khai thác, vận chuyển gỗ vẫn diễn ra. Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Ðại Từ Phạm Quang Anh cho biết: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở kiểm tra, nếu việc khai thác rừng tại xóm Cuốn Cờ nằm trong phạm vi Vườn quốc gia sẽ xử lý nghiêm”.

Rừng khu vực sát Vườn quốc gia Tam Ðảo bị khai thác nhằm lấy gỗ đi bán và lấy đất trồng chè. Ðến nay, những nương chè của người dân xóm Cuốn Cờ đã tiến sát đến khu vực quy hoạch, thậm chí xâm lấn Vườn quốc gia Tam Ðảo, trong đó có nhiều vạt chè mới được trồng, rừng mới bị phát dọn.

Vườn quốc gia Tam Đảo
Những nương chè của người dân địa phương xâm lấn Vườn quốc gia Tam Ðảo.

Quy hoạch bất cập

Theo quy hoạch, diện tích rừng tự nhiên thuộc Vườn quốc gia Tam Ðảo quản lý trên địa bàn huyện Ðại Từ là hơn 11.400 ha. Tuy nhiên, quy hoạch này có nhiều bất cập. Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Vũ Thế Cường cho biết: “Mặc dù người dân địa phương đã sinh sống từ nhiều năm, thậm chí sinh sống từ trước khi xác lập Vườn quốc gia Tam Ðảo năm 1997, nhưng quy hoạch Vườn quốc gia Tam Ðảo sau này trùm lên đất sản xuất, nhà ở, công trình của người dân địa phương. Qua rà soát nhiều lần, quy hoạch Vườn quốc gia Tam Ðảo trùm lên đất canh tác, đất rừng sản xuất, nhà ở của tổng cộng 2.079 hộ dân và 131 công trình công cộng với tổng diện tích 1.820 ha thuộc 10 xã trên địa bàn huyện Ðại Từ”.

Ông Vi Quý Minh ở xã Khôi Kỳ tâm sự: “Khi đã quy hoạch Vườn quốc gia Tam Ðảo, người dân không được xây mới, sửa chữa nhà ở, rừng do mình trồng cũng không được khai thác. Trong khi đó, diện tích rừng người dân đã trồng, chuyển nhà tái định cư ra khỏi quy hoạch Vườn quốc gia Tam Ðảo thì Nhà nước không có chính sách hỗ trợ nên đời sống người dân rất khó khăn, lâm vào tình trạng đi cũng dở, ở không xong”.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Ðại Từ, ngày 13/5/2016, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII có Văn bản số 3357/UBTP13, kiến nghị điều chỉnh ranh giới, chuyển diện tích 1.820 ha đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn quốc gia Tam Ðảo về cho tỉnh Thái Nguyên quản lý, cấp cho người dân đang canh tác, có nhà ở, công trình sử dụng. Thực hiện kiến nghị này, Vườn quốc gia Tam Ðảo đã trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh đưa 1.820 ha ra khỏi quy hoạch Vườn quốc gia Tam Ðảo để tỉnh Thái Nguyên quản lý, sau đó giao cho người dân.

Người dân, chính quyền 10 xã trên địa bàn huyện Ðại Từ mong muốn cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh quy hoạch nêu trên cho phù hợp với thực tế. Sau khi được điều chỉnh, diện tích đất sẽ được làm các thủ tục giao cho người dân quản lý, sử dụng, phát triển kinh tế; đồng thời Vườn quốc gia Tam Ðảo sẽ phân giới, cắm mốc rõ ràng, quản lý rừng bền vững, tránh tình trạng ranh giới mập mờ, dẫn đến rừng tự nhiên bị xâm hại như hiện nay.

Theo Nhân dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây