Sản xuất nông nghiệp 06 tháng đầu năm tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước

STNN - Sản xuất nông nghiệp sáu tháng đầu năm 2025 duy trì mức tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Sản lượng lúa đông xuân tăng so với năm trước; cây ăn quả chủ lực và cây công nghiệp lâu năm tăng cả diện tích và sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, giá thịt gia súc, gia cầm ở mức thuận lợi cho người dân mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi.

Nông nghiệp

Lúa đông xuân

nong-nghiep-6-thang-dau-nam-stnn-1751855256.png
Diện tích gieo trồng một số cây hằng năm (Tính đến 20/6/2025).

Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm 2025 đạt 2.970,2 nghìn ha, tăng 16,2 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước. Các địa phương phía Bắc đạt 1.050,9 nghìn ha, giảm 8,9 nghìn ha, chủ yếu do một số địa phương chuyển một phần diện tích trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, phục vụ mở rộng, xây mới các khu công nghiệp, khu đô thị, công trình hạ tầng giao thông, công ích và trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Một số địa phương diện tích lúa đông xuân giảm như: Hà Nội giảm 1,3 nghìn ha; Hà Nam giảm 1,2 nghìn ha; Thái Bình giảm 1,1 nghìn ha. Các địa phương phía Nam đạt 1.919,3 nghìn ha, tăng 25,1 nghìn ha, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.508,4 nghìn ha, tăng 20,7 nghìn ha do ít bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn nên người dân tích cực xuống giống tối đa diện tích. 

Năng suất lúa đông xuân năm nay của cả nước ước đạt 68,5 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với vụ đông xuân trước, trong đó các tỉnh miền Bắc năng suất đạt 64,3 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha, chủ yếu do khu vực Bắc Trung Bộ bị ảnh hưởng của thời tiết và bệnh sâu rầy, khô vằn phát sinh trên một số diện tích lúa. Năng suất lúa đông xuân ở các tỉnh miền Nam ước đạt 70,8 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước, trong đó một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long năng suất giảm do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài và bị ảnh hưởng bởi sâu rầy, chuột, muỗi hành gây hại. Một số địa phương có năng suất lúa đông xuân giảm nhiều: Quảng Trị giảm giảm 6,2 tạ/ha; Huế giảm 5,8 tạ/ha; Vĩnh Long giảm 3,6 tạ/ha; Nghệ An giảm 3,0 tạ/ha; Tiền Giang giảm 2,6 tạ/ha; Trà Vinh giảm 2,4 tạ/ha. 

Sản lượng lúa vụ đông xuân năm 2025 ước đạt 20,4 triệu tấn, tăng 17,3 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm 2024 chủ yếu do diện tích gieo trồng tăng, trong đó: Các tỉnh miền Bắc đạt 6,8 triệu tấn, giảm 105,0 nghìn tấn; các tỉnh miền Nam đạt 13,6 triệu tấn, tăng 122,3 nghìn tấn, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 10,9 triệu tấn, tăng 106,7 nghìn tấn. Một số địa phương có sản lượng lúa đông xuân tăng so với vụ đông xuân năm trước là: Bạc Liêu tăng 94,1 nghìn tấn; Long An tăng 82,4 nghìn tấn; Bến Tre tăng 39,6 nghìn tấn.

Lúa hè thu

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân bà con nông dân đã khẩn trương cày ải, tu sửa bờ đập, chuẩn bị đồng ruộng cho xuống giống lúa hè thu. Tính đến ngày 20/6/2025, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.773,6 nghìn ha lúa hè thu, bằng 101,8% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.369,4 nghìn ha, bằng 102,0%. Tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay nhanh hơn cùng kỳ do bà con nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, mưa nhiều trên diện rộng đã chủ động xuống giống sớm. Hiện lúa hè thu các địa phương phía Nam đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trỗ chín, các trà lúa phát triển tương đối tốt. Đến nay, có 241,7 nghìn ha lúa hè thu sớm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thu hoạch, bằng 102,6% cùng kỳ năm 2024. 

Cây hằng năm

Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Diện tích rau, đậu các loại tăng so với cùng kỳ năm trước do các địa phương chuyển đổi một số cây vụ đông sang trồng rau, đồng thời tăng diện tích cây màu trên đất lúa, trồng xen vườn cây ăn trái nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, diện tích khoai lang, lạc và đậu tương tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao.

Cây lâu năm

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 3.823,2 nghìn ha, tăng 48,3 nghìn ha so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, nhóm cây ăn quả đạt 1.317,1 nghìn ha, tăng 31,0 nghìn ha do người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, từ diện tích lúa, hoa màu kém hiệu quả, diện tích đất không chủ động được nguồn nước tưới hoặc đất bạc màu được người dân cải tạo sang trồng các loại cây ăn quả như sầu riêng, mít, dứa... Nhóm cây công nghiệp đạt 2.172,6 nghìn ha, tăng 9,2 nghìn ha. Một số loại cây có diện tích tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sầu riêng đạt 180,6 nghìn ha, tăng 18,4 nghìn ha; mít đạt 73,6 nghìn ha, tăng 3,0 nghìn ha; dứa đạt 52,5 nghìn ha, tăng 1,4 nghìn ha; cao su đạt 908,9 nghìn ha, tăng 1,9 nghìn ha; cà phê đạt 735,2 nghìn ha, tăng 14,2 nghìn ha.
Trong quý II/2025, sản lượng một số cây ăn quả tăng so với cùng kỳ năm trước như: Xoài đạt 516,3 nghìn tấn, tăng 11,3%; cam đạt 210,1 nghìn tấn, tăng 0,6%; sầu riêng đạt 349,5 nghìn tấn, tăng 15,8%; thanh long đạt 291,5 nghìn tấn, tăng 7,2%; vải đạt 163,8 nghìn tấn, tăng 30,8%; nhãn đạt 119,6 nghìn tấn, tăng 9,3%. Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm: Chè búp đạt 366,5 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; cao su đạt 292,4 nghìn tấn, tăng 1,5%; hồ tiêu đạt 110,9 nghìn tấn, tăng 8,8%; điều đạt 96,0 nghìn tấn, tăng 7,4%. 

Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, sản lượng một số cây ăn quả tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Xoài đạt 720,2 nghìn tấn, tăng 9,0%; cam đạt 539,5 nghìn tấn, tăng 2,4%; sầu riêng đạt 534,6 nghìn tấn, tăng 16,3%; mít đạt 462,2 nghìn tấn, tăng 17,3%; dứa đạt 443,0 nghìn tấn, tăng 16,3%; nhãn đạt 211,6 nghìn tấn, tăng 6,8%. Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm: Chè búp đạt 546,6 nghìn tấn, tăng 2,9%; cao su đạt 427,3 nghìn tấn, tăng 1,9%; hồ tiêu đạt 258,0 nghìn tấn, tăng 6,4%; điều đạt 294,1 nghìn tấn, tăng 0,7%. 

Chăn nuôi

nong-nghiep-6-thang-dau-nam-stnn-2-1751855256.png
Tốc độ tăng số lượng gia súc, gia cầm cuối tháng 6/2025 so với cùng thời điểm năm trước.

Chăn nuôi trâu, bò trên cả nước trong sáu tháng đầu năm 2025 tiếp tục xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao, diện tích chăn thả thu hẹp. Đàn lợn tăng mạnh trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp, cùng với đó là giá thịt lợn hơi sáu tháng đầu năm ở mức thuận lợi cho người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất . Một số địa phương có quy mô đàn lợn tăng cao so với cùng kỳ năm trước do có nhiều doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất như Gia Lai tăng 30,0%, Kon Tum tăng 20,0%, Tây Ninh tăng 48,0%. Đàn gia cầm cả nước phát triển ổn định, khu vực doanh nghiệp phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát.

nong-nghiep-6-thang-dau-nam-stnn-3-1751855256.png
Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu.

Hiện nay, xu hướng chung là chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất diễn ra từ các doanh nghiệp lớn đến hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đề đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển tốt, công tác phòng chống dịch bệnh cần được triển khai đồng bộ và hiệu quả, các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng được kiểm soát kịp thời, giảm thiểu thiệt hại và củng cố niềm tin đối với người chăn nuôi. 

Tính đến ngày 28/6/2025, cả nước không còn dịch lở mồm long móng; dịch cúm gia cầm còn ở Hải Phòng; dịch tai xanh còn ở Bạc Liêu; dịch viêm da nổi cục còn ở Sơn La; dịch tả lợn châu Phi còn ở 18 địa phương chưa qua 21 ngày.

Du Nhiên