STNN - Hội đồng thành phố Freiburg của Đức gần đây đã thông qua đề xuất cung cấp thực đơn chay cho bữa ăn trưa của học sinh, điều này gây ra không ít tranh cãi.
Theo The European Times, ngoài những cân nhắc về chi phí, Hội đồng thành phố Freiburg (thành phố lớn thứ tư trong bang Baden-Württemberg, thành phố lớn ở cực nam và là một thành phố đại học nổi tiếng của Đức) gần đây đã thông qua đề xuất cung cấp thực đơn chay vào giờ ăn trưa với đa số phiếu thuận và yêu cầu tỷ lệ các sản phẩm hữu cơ trong bữa ăn phải từ 20% hiện tại tăng lên 30% và giá cũng sẽ tăng dần.
Ngay khi được công bố, dự luật này đã gặp phải những ý kiến trái chiều. Mittelstadt, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Phụ huynh bang Baden-Württemberg (bang lớn thứ ba về diện tích và dân số của nước Cộng hòa Liên bang Đức) chất vấn: "Tại sao chế độ ăn chay lại đắt hơn ăn thịt? Căn cứ nào để khẳng định là đó thực phẩm hữu cơ? Thật nực cười! Với tình trạng lạm phát cao như hiện nay, các bậc cha mẹ đã phải trả tiền đưa đón con cái đến trường, họ không nên phải chịu thêm những chi phí mới.”
Korsch, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Phụ huynh tại Freiburg cho biết, giá cả ở Freiburg thuộc hàng cao nhất trong số các thành phố lớn ở phía Tây Nam nước Đức và phụ huynh hiện phải trả 3,9 euro cho mỗi bữa trưa, giá sẽ tăng lên 4,8 euro vào năm 2023, 2024.
Bộ Nông nghiệp của bang Baden-Württemberg cũng có ý phản đối, họ cho rằng thịt là một phần của chế độ dinh dưỡng cân bằng và trẻ em nên có cơ hội phát triển, lựa chọn thị hiếu khẩu vị của chính mình khi chúng lớn lên, và điều này bao gồm cả việc tiêu thụ thịt.
Chế độ thực đơn lành mạnh ở Tây Ban Nha
Tây Ban Nha rất nỗ lực để cung cấp các bữa ăn tiêu chuẩn ở trường cho trẻ em. Chính phủ nước này hiện đang cân nhắc một sắc lệnh yêu cầu trong các bữa ăn ở trường rau củ quả phải chiếm 45% trong thực đơn; đồng thời cắt giảm muối, nước sốt và đường.
Chính phủ Tây Ban Nha tin rằng nướng, hấp là những kỹ thuật nấu ăn lành mạnh và cố gắng không cung cấp cho học sinh quá nhiều đồ chiên. Bộ trưởng Bộ Tiêu dùng Tây Ban Nha, ông Alberto Garzon đề xuất, các trường học trên toàn quốc nên thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch ăn uống lành mạnh này chậm nhất là vào nửa cuối năm 2023 để giảm tỷ lệ béo phì ở học sinh và kiểm soát cân nặng bằng cách mở rộng kế hoạch ăn kiêng kiểu Địa Trung Hải (tăng các thành phần có lợi cho sức khỏe như cá, rau, củ, trái cây, đậu và ngũ cốc nguyên hạt; giảm các thành phần như thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa, đồ ngọt).
Kế hoạch quy định 45% thực đơn bữa ăn của học sinh phải là rau quả theo mùa, trong đó 5% là thực phẩm hữu cơ. Khi mua nguyên liệu, ưu tiên mua thịt tuân thủ quyền lợi động vật và nguyên liệu thủy sản tôn trọng môi trường biển. Trường học cần thân thiện với môi trường và hạn chế tối đa chất thải thực phẩm. Ngoài ra, kế hoạch cũng quy định việc nấu ăn, gia vị nên được sử dụng chủ yếu bởi dầu ô liu, sử dụng muối và gia vị từ động vật cũng nên được giảm bớt.
Dữ liệu cho thấy 40,6% trẻ em Tây Ban Nha từ 6 đến 9 tuổi bị thừa cân. Để cải thiện sức khỏe của trẻ em, chính phủ đã xây dựng kế hoạch cho phép trẻ em ăn uống lành mạnh hơn trong các bữa ăn ở trường.
Chử Cường