Xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong những năm qua, Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên 41.000 hệ thống biogas, theo chương trình sử dụng khí sinh học theo nhiều công nghệ khác nhau xây gạch và composite, có 04 công trình xử lý công nghệ CDM, sử dụng hệ thống bạt HDPE góp phần nào giảm bớt được 80-90% mùi hôi của chuồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi tại các vùng nông thôn, cải thiện chỉ số chất lượng không khí.

Mô hình nuôi bò lai F1 BBB tại xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì, Hà Nội) đạt hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh minh họa: hanoi.dangcongsan.vn)

Theo số liệu thống kê, chất thải rắn phát sinh trong hoạt động chăn nuôi khoảng 3,9 triệu tấn/năm, hoạt động giết mổ khoảng 20.744 tấn/năm và hơn 2.664 triệu lít nước thải/năm từ hoạt động chăn nuôi ra môi trường gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí, nước… do chất thải gây ra.

Sử dụng công nghệ làm hầm biogas bằng nhựa Composite, nhựa HDPE và máy ép phân vừa xử lý chất thải, vừa tạo ra khí đốt phục vụ sinh hoạt và là nguyên liệu để làm phân bón, chăn nuôi bò sữa có 155 hệ thống biogas chiếm 75% số trại bò sữa, chăn nuôi bò thịt có 278 hệ thống biogas chiếm 44% số trại chăn nuôi bò thịt, chăn nuôi lợn có 1.162 hệ thống biogas chiếm 95% số trại chăn nuôi lợn và 34% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi. Có trên 70% cơ sở chăn nuôi sử dụng khí biogas để phục vụ sinh hoạt (chủ yếu đun, nấu) và nước thải, chất thải sau xử lý sử dụng vào lĩnh vực trồng trọt.

Trong thời gian qua, thành phố cũng đã có một số đề tài xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi đạt hiệu quả tích cực như: Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bò tại huyện Gia Lâm; Dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ trong xử lý chất thải động vật, thực vật làm phân bón cho sản xuất một số loại rau hữu cơ tại huyện Thạch Thất; Đề tài nghiên cứu, sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp thông qua chất độn lót chuồng trong chăn nuôi đại gia súc.

Cùng với việc xử lý môi trường chăn nuôi, việc sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược để phục vụ chăn nuôi theo hướng hữu cơ như: chăn nuôi lợn hữu cơ, không xả thải ra môi trường tại trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn), chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học tại các huyện Phúc Thọ, Thường Tín, Quốc Oai, chăn nuôi lợn thảo dược tại huyện Thạch Thất, chăn nuôi gà thảo dược tại các huyện. Việc tận dụng chất thải trong chăn nuôi để nuôi giun quế và sản phẩm giun quế phục vụ trực tiếp làm thức ăn cho lợn, gia cầm của nhiều trang trại, gia trại cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trên cơ sở phát triển thế mạnh của từng vùng, thực hiện chủ trương của thành phố về việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tham mưu, xây dựng và triển khai nhiều dạng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, có tính cạnh tranh, góp phần vào việc phát triển chăn nuôi bền vững, tạo ra các sản phẩm an toàn chất lượng có thương hiệu, phát triển chuỗi liên kết, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay. Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, là hoạt động sản xuất theo chu trình khép kín, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm… làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc ứng dụng công nghệ sinh học, chẳng hạn xử lý chất thải chăn nuôi thành nguồn phân bón hữu cơ sử dụng bón cho cây trồng…

Theo Mard.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây