2021 được coi là một năm khó khăn đối với xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu gỗ, lâm sản, do tác động của dịch Covid-19, có thời điểm gần như ngưng trệ. Tuy nhiên, với những nỗ lực vượt thách thức, dự báo xuất khẩu gỗ và lâm sản năm nay ước đạt trên 15,6 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước, vượt kế hoạch đặt ra (14 tỷ USD) - một thành công rất đáng ghi nhận.
Tập trung vào thị trường có giá trị xuất khẩu cao
Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) Nguyễn Văn Sang cho biết, công ty đang sản xuất các đơn hàng xuất khẩu cho năm 2022. Dù dịch Covid-19 khiến việc sản xuất và lưu thông hàng hóa có thời điểm rất khó khăn, song nhờ chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh và chuyển trạng thái thích ứng kịp thời nên đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp tăng hơn 30% so với năm trước, đặc biệt đơn hàng từ Hoa Kỳ và các nước EU tăng cao.
Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Đức Thành Nguyễn Thị Ngọc Diệp thông tin: Năm nay, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 17 triệu USD, tăng khoảng 15% so với năm 2020, nhưng ở những tháng đầu năm 2021, công ty đã hoàn thành được gần 50% kế hoạch và đến nay vượt kế hoạch đề ra với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực là gỗ gia dụng, nhà bếp, đồ chơi trẻ em… sang thị trường Hoa Kỳ.
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu gỗ và lâm sản trong năm 2021, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) - Ngô Sỹ Hoài cho biết: 2021 là một năm đầy biến động, từng có thời điểm các cơ sở sản xuất đồ gỗ phải đóng cửa, thu hẹp quy mô, thậm chí tạm dừng sản xuất... Tuy nhiên, từ lợi thế của các Hiệp định thương mại mới và sự nhạy bén với thị trường, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ đã có sự chuyển đổi linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh… để vượt qua khó khăn. Năm 2021, ước tính giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt khoảng 15,6 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020. Con số này vượt xa so với mục tiêu đề ra từ đầu năm là 14 tỷ USD…
“Xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng mạnh do ngành gỗ đã thiết lập được thị trường tiêu thụ ổn định, tập trung vào các thị trường có giá trị xuất khẩu cao” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa nhấn mạnh. Ông Bùi Chính Nghĩa cho biết thêm, sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU, ước đạt 13,98 tỷ USD, chiếm 89,5% giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước. Riêng xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong 11 tháng năm 2021 đạt 9,1 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ toàn cầu, gồm cả 800 doanh nghiệp FDI.
Đồng bộ giải pháp duy trì tăng trưởng
Thành công của xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021 là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, để duy trì được tăng trưởng, ngành sản xuất đồ gỗ phải bảo đảm chất lượng, nguồn gỗ hợp pháp và tuân thủ các quy định theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cùng với đó là chủ động nguồn nguyên liệu và đa dạng hóa các sản phẩm đồ gỗ…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa cho biết: Mục tiêu năm 2022 ngành gỗ hướng tới xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 16,5 triệu USD. Để đạt được mục tiêu đó, các doanh nghiệp gỗ cần chủ động về sản xuất, thị trường… Tổng cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập đề xuất, Nhà nước sớm cho các doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận với nguồn vắc xin Covid-19 để tiêm mũi thứ ba cho lao động trong ngành. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần ban hành cơ chế, chính sách về đất đai mang tính đột phá; “chung tay” với doanh nghiệp chuyển dịch từ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu sang gỗ rừng trồng trong nước.
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ sẽ rà soát, sửa đổi các quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp và quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản… Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về một số cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp, trong đó có chế biến gỗ và lâm sản; đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung hình thành 5 khu lâm nghiệp công nghệ cao và Trung tâm triển lãm quốc gia về đồ gỗ.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai kế hoạch thực hiện Thỏa thuận về kiểm soát khai thác thương mại gỗ bất hợp pháp giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ; ban hành và triển khai hiệu quả Thông tư quy định về phân loại doanh nghiệp để triển khai cấp giấy phép FLEGT theo quy định của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 1-9-2020 của Chính phủ quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam… để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, xây dựng ổn định nguồn nguyên liệu và xác lập thị trường xuất khẩu.
Theo Báo Hà Nội mới