STNN - Tính đến 9h00 ngày 26/5, toàn bộ 2.062 phương tiện và 11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản trên biển của tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào bờ trú bão an toàn.
Theo dự báo, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Noru (bão số 4). Để chủ động ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”, tỉnh đã khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống bão. Trong đó, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai; làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương án đã xây dựng trước mùa mưa lũ; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng phó mưa lũ; tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu; khẩn trương thu hoạch dứt điểm vụ Hè Thu trước ngày 25/9/2022; gia cố lồng bè, khu nuôi thủy sản đảm bảo an toàn khi có thiên tai…
Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ số phương tiện và lao động trên đã được lực lượng Bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương kêu gọi vào bờ, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tránh bão an toàn.
Lực lượng BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động 380 cán bộ chiến sĩ và 18 phương tiện thường trực, sẵn sàng ứng phó với mưa bão; kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp các tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn; tổ chức quản lý và tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá; rà soát các điểm xung yếu ở khu vực biên giới để nắm chắc tình hình, giúp dân chằng chống nhà cửa, kịp thời di dời người dân khi có tình huống xảy ra.
Đối với công tác di dời, sơ tán người dân nằm trong vùng ảnh hưởng, tỉnh Thừa Thiên Huế lên kế hoạch dự kiến di dời 74.816 hộ/276.113 khẩu trong vùng xung yếu có nguy cơ bị mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Bài, ảnh: Võ Tiến