STNN - Hạn hán nói riêng và biến đổi khí hậu (BĐKH) nói chung đã gây ra nhiều tác động tới kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái. Trong đó, tác động của hạn hán đến mô hình bệnh tật, các bệnh truyền nhiễm đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu trên thế giới.
Những lựa chọn phát triển kinh tế xã hội, tăng trưởng và di biến động dân số, cơ sở hạ tầng, thay đổi trong sử dụng đất, những yếu tố dễ bị tổn thương của cộng đồng là các nhóm yếu tố chính quyết định mức độ nghiêm trọng hậu quả của hạn hán. Bệnh tật, đói nghèo, nội chiến cũng góp phần làm tăng hậu quả của hạn hán.
Một số nghiên cứu gần đây về các nguy cơ sức khỏe của hạn hán, trong đó có các nguy cơ về bệnh truyền nhiễm ở cấp độ quốc tế, cấp quốc gia tại Canada và tại Brazil cho thấy rõ các hậu quả dài hạn có ý nghĩa thống kê của hạn hán. Nghiên cứu kết luận rằng, tác động sức khỏe của hạn hán có liên quan tới tình trạng thiếu dinh dưỡng (bao gồm suy dinh dưỡng và thiếu vi chất), các bệnh truyền qua nước và thực phẩm, bệnh liên quan tới không khí và bụi, bệnh truyền nhiễm qua véc-tơ, bệnh liên quan tới phơi nhiễm với chất độc và sức khỏe tâm thần (bao gồm căng thẳng và các hậu quả tâm lý khác).
Việt Nam là một trong 6 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nhất bởi tác động của BĐKH, trong đó hạn hán là một trong những loại thiên tai gây ra nhiều thiệt hại. Do hiện tượng El Niño trong năm 2015-2016, Việt Nam đã phải chịu ảnh hưởng bởi đợt hạn hán nặng nề nhất trong 90 năm gần đây. Có tổng cộng 52/63 tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng, 18 tỉnh/thành phố đã phải công bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán vào tháng 6 năm 2016 (FAO, 23/8/2016). Theo đánh giá của UNICEF, trong số 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất, có tới 2 triệu người, trong đó có khoảng 520.000 trẻ em và 1 triệu phụ nữ cần tới hỗ trợ nhân đạo tại thời điểm tháng 8 năm 2016. Trong số khoảng 2 triệu người bị ảnh hưởng này, có khoảng 500.000 người thuộc khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và 1,5 triệu người thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo kết quả điều tra của nhóm đánh giá thuộc Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, số ca sốt xuất huyết Dengue tăng lên đáng kể trên địa bàn các tỉnh bị hạn hán nặng thuộc Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Mặc dù hạn hạn đã làm ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế và đời sống xã hội của người dân tại Việt Nam, tuy nhiên việc nghiên cứu ảnh hưởng của hạn hán tới sức khỏe của người dân còn chưa được thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm vẫn còn phổ biến tại Việt Nam. Do đó nghiên cứu “Ảnh hưởng của hạn hán tới một số nhóm bệnh truyền nhiễm và khả năng ứng phó của cộng đồng và ngành Y tế” là một nghiên cứu ban đầu cần thiết, góp phần cung cấp bằng chứng khoa học có thể sử dụng trong hoạch định chính sách nhằm giảm tác động sức khỏe của hạn hán và làm cơ sở cho những nghiên cứu trong lĩnh vực này với qui mô lớn và toàn diện hơn trong tương lai.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Trường Đại học Y tế công cộng cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Xuân Trường thực hiện nghiên cứu “Ảnh hưởng của hạn hán tới một số nhóm bệnh truyền nhiễm và khả năng ứng phó của cộng đồng và ngành Y tế” với mục tiêu: Mô tả thực trạng một số bệnh truyền nhiễm có liên quan đến hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận và Cà Mau giai đoạn 2010-2017; Mô tả khả năng ứng phó của cộng đồng và ngành Y tế đối với hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận và Cà Mau.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Nhìn chung kết quả nghiên cứu này chưa có bằng chứng rõ ràng về tác động của hạn hán tới một số nhóm bệnh truyền nhiễm gồm Cúm, Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Tiêu chảy và hô hấp cấp tính:
- Trong các nhóm bệnh này, Cúm và Sốt xuất huyết tại Cà Mau tăng hơn vào năm 2016 so với năm liền kề trước và sau 2016. Tại Ninh Thuận sự thay đổi số lượng bệnh nhân năm 2016 không đáng kể so với năm liền kề trước và sau 2016.
- Số ca cúm mùa trong giai đoạn hạn hán không có sự khác biệt trong những ngày không bị hạn hán.
- Số ca sốt xuất huyết trong những ngày hạn hán thấp hơn nhiều so với những ngày không hạn hán. Sự khác biệt này tìm thấy có ý nghĩa thống kê ở Ninh Thuận
- Số tay chân miệng trong những ngày hạn hán cũng thấp hơn những ngày không bị hạn hán. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê chỉ tìm thấy ở tỉnh Cà Mau.
- Số ca tiêu chảy ở những đợt hạn hán và những ngày không hạn hán không chênh lệch.
- Trung bình số ca nhập viện do các bệnh hô hấp cấp tính giảm trong những ngày hạn hán.
Người dân nhận thức rõ ràng về ảnh hưởng của hạn hán tới sinh kế, do đó người dân quan tâm đến những ảnh hưởng của hạn hán tới đời sống kinh tế, sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi hơn là những ảnh hưởng về sức khỏe. Kiến thức, thực hành ứng phó với ảnh hưởng của hạn hán tới đời sống và sức khỏe của người dân còn khá thấp. Điểm trung bình kiến thức của người dân là 14,7 điểm, đạt 25% tổng số điểm về kiến thức. Điểm trung bình về thực hành của người dân là 8,4 điểm, đạt 46,7% tổng số điểm về thực hành. Kiến thức và thực hành ứng phó 63 với hạn hạn nhằm bảo vệ sức khỏe của cộng đồng của người dân ở Ninh Thuận cao hơn ở Cà Mau. Hầu hết người dân không nhận thức được đầy đủ các biện pháp ứng phó với các tình huống ảnh hưởng đến sức khỏe, thiếu nước, thiếu lương thực khi xảy ra hạn hán.
Ngành Y tế tỉnh Ninh Thuận và Cà Mau đã triển khai nhiều hoạt động ứng phó với hạn hán, trong đó hoạt động giám sát, phòng ngừa dịch bệnh, giám sát chất lượng nước ăn uống, truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Công tác khám chữa bệnh được bảo đảm, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18438/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Theo: vista.gov.vn