Một chế độ ăn uống với nhiều rau xanh và trái cây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng đôi khi rau quả có thể gây ngộ độc thực phẩm nếu không được trồng với quy trình sản xuất an toàn. Vì vậy, bạn cần lựa chọn và chế biến chúng một cách an toàn.
1. Nguy cơ ngộ độc từ rau quả
Rau xanh và trái cây là một phần quan trọng của một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Chúng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh tim, đột quỵ và có thể ngăn ngừa ung thư. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi còn giúp bạn kiểm soát cân nặng.
Nhưng các loại rau và trái cây có thể bị nhiễm vi trùng, vi khuẩn có hại như: Norovirus, Salmonella, Listeria và Cyclospora.
Rau tươi và trái cây và có thể bị ô nhiễm ở bất cứ đâu trong suốt hành trình từ trang trại đến bàn ăn, kể cả ô nhiễm chéo trong nhà bếp.
Vi trùng có thể làm ô nhiễm các loại rau xanh ở nhiều thời điểm trước khi chúng được chế biến thành món ăn của bạn. Chúng có thể bị ô nhiễm từ phân động vật dùng để tưới rau; trong đất trồng; trong cơ sở đóng gói và chế biến; trong xe vận chuyển đến cửa hàng hoặc từ bàn tay chưa rửa của người chế biến thực phẩm, trong tủ lạnh và trong nhà bếp.
Ăn rau mầm sống cũng có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Đó là bởi vì các điều kiện ấm áp, ẩm ướt cần thiết để phát triển rau mầm là điều kiện lý tưởng để vi trùng sinh sôi.
Việc rửa không loại bỏ được tất cả vi trùng vì chúng có thể bám vào bề mặt của lá và trái cây, thậm chí xâm nhập vào bên trong. Vì vậy, nếu ăn rau chưa nấu chín bị ô nhiễm có thể bị ngộ độc.
2. Cách ăn rau và trái cây an toàn
2.1. Lựa chọn rau và trái cây
Chọn các loại rau và trái cây không bị thâm tím hoặc hư hỏng. Cần đảm bảo rằng bất kỳ sản phẩm chế biến sẵn như: salad đóng túi, rau cấp đông cần được bảo quản lạnh đúng quy trình an toàn thực phẩm.
Để tách riêng rau quả khỏi các sản phẩm khác như: thịt sống, gia cầm, hải sản, trứng trong giỏ hàng và trong tủ lạnh.
Bảo quản rau và trái cây, bao gồm cả sản phẩm đã được cắt và đóng gói sẵn trong tủ lạnh.
Rửa sạch đồ dùng, thớt và bề mặt bếp sau mỗi lần sử dụng. Sử dụng thớt và dụng cụ riêng biệt cho các sản phẩm rau quả và và thực phẩm sống từ động vật, chẳng hạn như thịt, gia cầm và hải sản.
Nấu chín kỹ hoặc vứt bỏ bất kỳ sản phẩm nào đã tiếp xúc với thịt sống, gia cầm hoặc hải sản.
Loại bỏ lớp lá bên ngoài từ đầu của rau diếp và bắp cải. Cắt bỏ các bộ phận bị dập nát hoặc hư hỏng.
2.2. Rửa sạch dưới vòi nước chảy
Thực phẩm an toàn nhất được nấu chín, tiếp theo là rửa sạch.
Không có phương pháp rửa nào loại bỏ hoàn toàn tất cả vi trùng. Nhưng cách tốt nhất để rửa rau xanh và trái cây là rửa dưới vòi nước chảy.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc rửa kỹ nông sản tươi dưới vòi nước đang chảy sẽ loại bỏ một số vi trùng và bụi bẩn. Bạn cần rửa kỹ rau và trái cây và rau quả dưới vòi nước chảy, ngay cả khi bạn không định ăn vỏ. Vi trùng trên vỏ có thể xâm nhập vào bên trong trái cây và rau khi bạn cắt chúng.
Lau khô trái cây hoặc rau củ bằng khăn giấy sạch.
Lưu ý: Không rửa rau và trái cây bằng xà phòng, chất tẩy rửa. Không sử dụng dung dịch tẩy trắng hoặc các chất khử trùng khác để rửa sản phẩm.
2.3. Nấu chín
Nên nấu chín rau. Đặc biệt đối với rau mầm cần nấu kỹ để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm vì ăn rau mầm sống có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm do Salmonella, E. coli hoặc Listeria.
2.4. Đối với các loại rau ăn sống
Nếu muốn sử dụng rau sống, bạn cần thực hiện các bước sau:
Rửa tay bằng xà phòng và nước trước và sau khi chuẩn bị rau xanh.
Loại bỏ các lá bên ngoài và những lá bị rách hoặc dập nát.
Rửa sạch rau dưới vòi nước chảy và dùng tay vò nhẹ lên bề mặt lá.
Không ngâm các loại rau có lá trong bồn chứa đầy nước. Chúng có thể bị nhiễm vi trùng trong bồn rửa. Sự ô nhiễm từ một lá có thể lây lan qua nước sang các lá khác.
Theo Sức khỏe và Đời sống