STNN - Sông Đầm là hồ điều hòa lớn nhất TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, có hệ sinh thái đất ngập nước với hơn 500 loài động thực vật sinh sống.
- Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười mở rộng thêm vùng đệm 244 ha
- 3 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030
Sông Đầm thuộc địa phận xã Tam Thăng và phường An Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, có diện tích tổng lưu vực 650ha, trong đó 200ha mặt nước với hệ sinh thái, đa dạng sinh học phong phú với gần 300 loài động, thực vật. Vẻ đẹp nguyên sơ của bãi sậy sông Đầm được hình thành bởi các yếu tố hệ thủy sinh, hệ sinh thái mặt nước, trên bờ với hệ động, thực vật đa dạng gắn với cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống.
Sông Đầm có mức độ đa dạng sinh học cao, mang nhiều chức năng và giá trị quan trọng đối với môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Đây chính là lá phổi xanh của Tam Kỳ, có vai trò thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt đây là khu vực có điều kiện và cần thiết để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, hình thành khu bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước gắn với phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm.
Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, sông Đầm có các loài động thực vật rất phong phú, đa dạng. Các loài động vật có xương sống ghi nhận được 81 loài, 33 loài cá khác nhau, 16 loài bò sát, ếch nhái, 31 loài chim, đáng chú ý có loài cò nhạn nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Các loài thực vật bậc cao có 170 loài thuộc 74 họ. Đáng chú ý, vài năm trở lại đây, cứ đến mùa thu, hàng ngàn con chim cò nhạn - loài chim có tên trong Sách Đỏ Việt Nam di cư về sinh sống tại sông Đầm, tạo nên cảnh vật hết sức thơ mộng, biến nơi đây thành địa điểm hấp dẫn đối với người dân và khách du lịch.
UBND TP Tam Kỳ cho biết: Thời gian qua, sau khi xác định được tầm quan trọng và giá trị của sông Đầm, TP Tam Kỳ đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý, bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái đa dạng sinh học sông. Trong đó, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiểm soát nguồn nước đầu vào sông Đầm.
Hằng năm, TP Tam Kỳ hỗ trợ kinh phí và tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng sen tạo cảnh quan phục vụ du lịch với diện tích khoảng 15 ha/năm. Các ngành chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép, săn bắt các loại chim hoang dã và di cư tại sông Đầm.
Những năm gần đây, TP Tam Kỳ đã tổ chức trồng và phục hồi hệ sinh thái sông Đầm với nhiều chủng loại bản địa, như: vừng cừa, sậy, dừa nước, tràm ta, lộc vừng, mù u…; tổ chức lễ phát động bảo vệ phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước và phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm sông Đầm vào ngày 1-4 hằng năm. Riêng năm 2023, Tam Kỳ đã thả 30.000 cá các loại để làm đa dạng thêm nguồn lợi thủy sản tại đây. Hằng năm, TP Tam Kỳ còn tổ chức Tuần Du lịch trải nghiệm sông Đầm gắn với di tích địa đạo Kỳ Anh; tổ chức nhiều sự kiện truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã, từ đó góp phần bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…
Với hệ động thực vật đa dạng, phong phú và là nơi điều hòa không khí cho cả vùng, trong quy hoạch chung của TP Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ. Địa phương định hướng sông Đầm sẽ trở thành Trung tâm Lưu giữ lại các sinh vật cảnh thiên nhiên trong khu vực sông và tỉnh Quảng Nam. Nơi đây sẽ là Trung tâm Bảo tồn và Cứu hộ cứu nạn sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
UBND TP Tam Kỳ đề xuất tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng hồ sơ trình Chính phủ thành lập Khu Bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học hệ sinh thái sông Đầm; thống nhất chủ trương về địa điểm để UBND TP Tam Kỳ lập dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam tại khu vực hồ sông Đầm. UBND TP Tam Kỳ cũng đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương lập quy hoạch phân khu Khu Sinh thái và đa dạng sinh học đất ngập nước sông Đầm.
Ngoài ra, TP Tam Kỳ đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư tuyến đường vành đai đệm sông Đầm nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm; hình thành vùng đệm cho quản lý, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân vùng ven bờ; đồng thời thúc đẩy phong trào luyện tập thể dục thể thao cộng đồng và hình thành tuyến chạy bộ, đi xe đạp quanh sông Đầm hướng tới phục vụ các sự kiện thể thao cấp tỉnh mang đậm đặc sắc văn hóa và cảnh quan sông, biển...
Theo Thiennhienmoitruong.vn