Bỏ túi những cách phòng tránh sốt mò trong các chuyến du lịch, nghỉ lễ

STNN – Sau 2 tuần đi du lịch, nam thanh niên 18 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc thấy sốt cao, vết loét bìu trái nên đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Với các chẩn đoán tìm nguyên nhân, bác sĩ kê đơn, chỉ sau 1 ngày điều trị, bệnh nhân giảm sốt còn dưới 37,5 độ C và cắt sốt hoàn toàn trong 3 ngày điều trị.

Hình minh họa.

Nguyên nhân không ngờ do đi du lịch

Nam thanh cho biết, 2 tuần nay, bệnh nhân xuất hiện sốt cao 39-40 độ C, sốt nóng, nổi nốt vùng bìu sau tạo thành vết loét, kèm nổi hạch đau nhẹ vùng bẹn trái, đau đầu, đau mỏi người và đi ngoài phân lỏng nước ngày 1 lần.

Thấy xuất hiện những bất thường đó, nam bệnh nhân đi khám tại cơ sở y tế gần nhà được chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu, kê đơn kháng sinh Ciprofloxacin uống 5 ngày nhưng các dấu hiệu bất thường đó không thuyên giảm. Sau đó, nam thanh niên quyết định đến khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Bệnh nhân cho biết, anh xuất hiện các dấu hiệu bất thường trên sau khi đi du lịch Tây Nguyên được 2 tuần.

Tiếp nhận ca bệnh, BSNT Trần Tiến Tùng – Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, bệnh nhân có da niêm mạc sung huyết nhẹ, môi khô, vùng bẹn trái có 2 hạch kích thước xấp xỉ 1cm, ấn đau nhẹ. Đồng thời, bệnh nhân xuất hiện vết loét vùng dưới bìu trái, kích thước xấp xỉ 1cm, ranh giới rõ, bờ đều hơi gồ lên, đáy màu hồng, sạch, không chảy dịch.

Sơ bộ bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán và theo dõi sốt mò.

Bác sĩ chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm phân biệt chẩn đoán với các nhiễm khuẩn thông thường khác, khẳng định sốt mò bằng kết quả xét nghiệm Rickettsia Real-Time PCR dương tính.

Bệnh nhân được bác sĩ kê đơn điều trị ngoại trú và sau 1 ngày, giảm sốt chỉ còn dưới 37,5 độ C. Bệnh nhân được cắt sốt hoàn toàn sau 3 ngày điều trị.

TS. Ngô Chí Cương – Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, đây là một trường hợp may mắn xuất hiện sốt cao đã tìm chính xác nguyên nhân và điều trị thành công. Bởi, bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh có thể chuyển nặng di chuyển vào não, phổi gây viêm não, viêm phổi.

Bệnh sốt mò

Bệnh sốt mò (còn có tên gọi là Rickettsia tsutsugamushi) là một nhóm bệnh do mầm bệnh là Rickettsia các loài thuộc họ Rickettsiaceae, hầu hết truyền ngẫu nhiên sang người do các côn trùng có chân đốt, bệnh có những đặc điểm chung sau:

Mầm bệnh: Là những cầu trực khuẩn ký sinh nội bào bắt buộc, có kháng nguyên tương tự nhau.

Phương thức lây truyền: Đại đa số bệnh truyền sang người do rận chấy, ve, ấu trùng mò, bọ chét đốt.

Bệnh gặp chủ yếu ở vùng nông thôn, rừng núi (80,5%), hiếm gặp ở thành thị. Bệnh xuất hiện ở Việt Nam quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa.

Đối tượng dễ mắc bệnh là người dân đi khai hoang, bộ đội hành quân tập luyện dã ngoại, khách du lịch,…

Bệnh phân bố chủ yếu ở châu Á (Trung Á, Đông Á, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương), trên các mảng bìa rừng, nơi nhiều cây con bụi rậm, các bãi cỏ ven sông suối, trên nương rẫy, những điểm có bóng mát dâm và đất ẩm.

Loét – Dấu hiệu điển hình

Theo BS Tùng, bệnh sốt mò thường có đặc điểm như sau:

  • Vết loét ngoài da: Là dấu hiệu đặc hiệu của bệnh sốt mò; vết loét có hình bầu dục, kích thước từ 0,5-2cm, có vảy đen hoặc đã bong vảy tạo thành vết loét có gờ, không tiết dịch.
  • Các vết loét thường không đau, khu trú ở những vùng da mềm hoặc nếp gấp như nách, ngực, cổ, bẹn, bụng, bìu…

TS. Ngô Chí Cương cho biết: Những bệnh nhân sốt sau 7 ngày rất khó khăn trong chẩn đoán và điều trị, nhất là những sốt cấp tính, điều đầu tiên là phải loại trừ những nguyên nhân từ địa phương như Dengue, cúm, Covid-19… Những trường hợp sốt chưa rõ nguyên nhân cần phải cấy máu, làm bi-lăng viêm, xét nghiệm kiểm tra máu lắng, PCR… Điều quan trọng nhất là phải cấy máu trước khi dùng kháng sinh và nên cấy máu làm hai lần để làm bi-lăng ban đầu ở những bệnh nhân sốt, từ đó tìm các ổ nhiễm trùng, khu trú nhiễm trùng…

Tuy nhiên, ở ca bệnh này, PGS.TS Nguyễn Thái Sơn – chuyên gia Vi sinh, Trung tâm Xét nghiệm, Hệ thống Y tế MEDLATEC chia sẻ, bác sĩ truyền nhiễm đã rất chắc tay chẩn đoán ngay sốt mò dựa trên lâm sàng là dấu hiệu tại vùng bìu, có hạch và yếu tố dịch tễ, mà chưa có chỉ định xét nghiệm PCR đã nghĩ ngay đến sốt mò và điều trị theo hướng đó để điều trị thành công ca bệnh.

Về chẩn đoán sốt mò, PGS .TS Nguyễn Thái Sơn cho biết, có 2 phương pháp chẩn đoán gồm: Huyết thanh học: tìm kháng thể chẩn đoán IgM, tốt nhất làm sau tuần đầu, nhưng nếu kháng thể tuần đầu thấp nên làm xét nghiệm PCR (xét nghiệm sinh học phân tử chính là xét nghiệm PCR Real-Time).

Về điều trị, chuyên gia lưu ý những trường hợp có chẩn đoán sốt mò cần tuân thủ điều trị phác đồ 14 ngày, vì nếu thấy triệu chứng cắt sốt mà bỏ điều trị giữa chừng bệnh có nguy cơ quay trở lại.

Để tránh xa nguy cơ mắc bệnh từ sốt mò, đặc biệt là mùa hè đang gần tới, trong đó kỳ nghỉ gần nhất sẽ là dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 nên mỗi gia đình có thể sẽ lập kế hoạch cho những chuyến du lịch, picnic. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho kỳ nghỉ, chuyến đi du lịch trong mùa hè tới đây, bạn hãy bỏ túi những cách phòng tránh sốt mò như sau:

  • Phát quang bụi rậm quanh nhà, dọn sạch cỏ dại.
  • Phun thuốc diệt ấu trùng mò.
  • Diệt chuột và các loài gặm nhấm.
  • Khi đi vào vùng rừng núi hoặc vùng cây cối rậm rạp cần mặc quần áo dài tay, mang bao tay, che kín cơ thể.
  • Không nằm trên bãi cỏ hay vùng đất ẩm, không phơi quần áo trên bãi cỏ tránh ấu trùng mò bám vào.

Ngọc Minh

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây