STNN - Tại Diễn đàn Thể thao Việt Nam (Vietnam Sports Forum - VSF) lần thứ nhất năm 2022, bà Lê Thị Mỹ Dung – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bóng đá PVF nhận định: Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ tham dự sâu hơn vào World Cup.
- VTC Online ký hợp tác với Tập đoàn Visang Education “Phát triển ngoại ngữ tiếng Hàn tại Việt Nam”
- Diễn đàn hợp tác Việt – Hàn VIKO30: Thúc đẩy hợp tác phát triển Thương mại – Đầu tư – Công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc
- Viettel và Qualcomm hợp tác phát triển giải pháp hạ tầng 5G
Ký kết hợp tác thể thao với đối tác quốc tế
Trong khuôn khổ diễn đàn, Công ty WLS Corporation đã ký kết 06 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác quốc tế, nhằm mục đích xúc tiến tổ chức các sự kiện thể thao đẳng cấp thế giới tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Lê Quốc Vinh, đại diện WLS và ông Julien Bastien, Giám đốc Marketing – Kinh doanh quốc tế của Powerboat P1 Management Ltd cùng ký biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm tổ chức giải đua “Powerboat P1”, cuộc thi xuồng máy tốc độ cao và mô tô nước đẳng cấp thế giới.
Các biên bản hợp tác khác được ký kết tại sự kiện là: hợp tác WLS - Xventure SRL liên quan đến giải đua mô tô địa hình enduro thường niên FIM Hard Enduro World Championship; hợp tác WLS - Gladiatrix, LLC về giải đấu thể thao bán chuyên nghiệp PFC Pillow Fight Championship, các cuộc đấu gối công khai; hợp tác WLS - XIEM SA về việc tìm kiếm cơ hội đưa giải đua Supermoto hàng đầu thế giới FIM Supermoto World Championship về Việt Nam.
Đặc biệt, Học viện thể thao Romania cũng đồng ý hợp tác hỗ trợ huấn luyện vận động viên Việt Nam ở hai môn đấu kiếm và thể dục dụng cụ, vốn là thế mạnh tạo nên thương hiệu của quốc gia này.
Ngoại giao thể thao có thể thúc đẩy quyền lực “mềm” của các quốc gia
Phát biểu tại diễn đàn, bà Lê Thị Hoàng Yến – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thể dục Thể thao đã phân tích rõ vai trò của Ngoại giao Thể thao tại Việt Nam: “Tại Việt Nam, Ngoại giao và Thể thao là hai lĩnh vực có tác động qua lại lẫn nhau. Các hoạt động ngoại giao trong thể thao đã góp phần thúc đẩy quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia khác giúp phát triển kinh tế xã hội, là sợi dây gắn kết mối quan hệ hợp tác song phương bền vững. Quan hệ quốc tế của thể thao Việt Nam cần tập trung có mục tiêu chất lượng và kết hợp hiệu quả trên các phương diện kinh tế - tài chính. Chính vì vậy, để nhanh chóng phát triển thể thao Việt Nam trong thời gian tới, chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác của các nhà tài trợ, các công ty kinh doanh thể thao, kinh doanh công nghệ mới nhằm phát huy những tiềm năng vốn có của nền thể thao nước nhà.”
Bà Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ thêm: “Ngoại giao thể thao có thể thúc đẩy quyền lực ‘mềm’ của các quốc gia, giúp giải quyết các vấn đề tồn đọng, phá bỏ biên giới và những khác biệt về mặt văn hóa, từ đó thúc đẩy giao lưu, tăng sự hiểu biết lẫn nhau".
Ông Silvio Vecchione - Lãnh sự Việt Nam tại Napoli đã đưa ra quan điểm về việc dùng thể thao để xây dựng nền kinh tế cho địa phương, quốc gia trước bối cảnh cả thế giới đang xem thể thao như một công cụ kết nối cộng đồng và quảng bá văn hóa, du lịch: “Một giải marathon hoặc bóng đá có sự tham gia của nhiều quốc gia, thể thao thì không có ranh giới nào cả, đó chính là sức mạnh giúp kết nối văn hóa cộng đồng và thúc đẩy du lịch đến với từng địa phương, từng quốc gia”.
Để Việt Nam trở thành điểm đến kích cầu kinh tế du lịch và thể thao
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá tác động của các chính sách nhà nước, tổ chức thể thao, liên đoàn và câu lạc bộ đối với sự phát triển của các môn thể thao, đội tuyển, vận động viên, từ đó đưa ra các giải pháp và chính sách khả thi, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Ông Andrea Caloro - Cựu Giám đốc Thương mại AS Roma cho rằng: “Thể thao là công cụ giúp kết nối mọi người, vì vậy chúng ta cần tạo ra những phương án kinh doanh mang người hâm mộ đến gần hơn với các vận động viên thể thao nổi tiếng. Từ kinh nghiệm của AS Roma trong việc kinh doanh thương hiệu của các vận động viên như: tạo ra các sản phẩm kết hợp quảng bá, thúc đẩy bán hàng với các thương hiệu thị trường như quần áo, giày dép... Việt Nam có thể học hỏi để giúp thúc đẩy kinh tế quốc gia theo hướng đa dạng hơn".
Ông Riccardo Tirotti - Giám đốc Kinh doanh, Marco Simone Golf & Country Club Spa đưa ra những số liệu thực tế từ Ryder Cup - giải thi đấu golf tổ chức hai năm một lần giữa các đội đến từ châu Âu và Hoa Kỳ: Đây là giải đấu thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia, ước tính thu được 163,9 triệu Euro mỗi mùa, trong đó, tổng doanh thu từ du lịch tăng 150%. Thực tế, golf thủ tham gia bộ môn này không chỉ vì khoản tiền thưởng mà còn vì các giá trị giao lưu, kết nối khác. Do đó, sân chơi golf được đầu tư theo hướng đẳng cấp và có mức chi phí rất cao. Đối với Việt Nam, golf là một trong số những môn thể thao đã và đang phát triển, song lại tồn tại những mặt hạn chế về cơ sở hạ tầng khi có quá ít sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Riccardo Tirotti cho rằng, nếu chú trọng đầu tư xây dựng đúng hướng, Việt Nam có thể trở thành điểm đến kích cầu kinh tế du lịch và thể thao thông qua việc tổ chức các giải đấu golf trong khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á.
Bóng đá Việt Nam có thể đi xa nhờ người hâm mộ
Bóng đá Việt Nam đã đi lên chuyên nghiệp gần 20 năm, tuy nhiên, các khoản thu phần lớn đều nằm ở nhà tài trợ - chính là những ông chủ của các đội bóng và đến từ các khoản hỗ trợ của nhà nước. Trong khi đó, nguồn tài chính liên quan đến thương hiệu cầu thủ hay khai thác bản quyền còn khá hạn chế. Bà Lê Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bóng đá PVF đánh giá: “Một trong những vấn đề khiến các câu lạc bộ trong nước cũng như đội tuyển Việt Nam khó có thể đạt được các mục tiêu do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra chính là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn, đặc biệt là đội ngũ đào tạo các cầu thủ. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ chưa được xây dựng thật sự chuyên nghiệp từ cơ cấu pháp lý, cho tới các hệ thống quản lý, nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất cũng là vấn đề nan giải".
Tại Việt Nam, bóng đá không chỉ là môn thể thao, mà còn là chất xúc tác khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết của gần 100 triệu người dân Việt Nam. Tuy nhiên, để lan tỏa tinh thần “ăn bóng đá, ngủ bóng đá, khóc cười cùng bóng đá” đến với đông đảo người Việt một cách khéo léo, bà Lê Thị Mỹ Dung gợi ý: “Chúng ta có thể xây dựng một cộng đồng bóng đá tại các địa phương thông qua các hoạt động giao lưu thể thao, rồi từ các địa phương lan rộng ra toàn nước. Khi đã có sự yêu thích thì người hâm mộ sẽ luôn sẵn lòng ủng hộ những bước tiến của chúng ta trong tương lai”.
Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam trong những năm qua đã giành được một số huy chương cấp khu vực và đang nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ tham dự sâu hơn vào World Cup. Một số cầu thủ bóng đá Việt Nam hiện đang theo đuổi con đường sự nghiệp chuyên nghiệp ở châu Âu và Đông Bắc Á. Bà Lê Thị Mỹ Dung cho rằng, bóng đá Việt Nam nên được đặt đúng vị thế của nó - là môn thể thao vua tại Việt Nam. Từ đó, thúc đẩy sự ủng hộ tích cực của các thương hiệu lớn, các nhà quảng cáo và người hâm mộ từ mọi tầng lớp xã hội.
“Tôi cho rằng 60 đến 100 tỷ đồng để hoạt động bóng đá không phải một khoản kinh phí quá lớn nếu chúng ta nhìn vào những kinh phí đầu tư khác trong xã hội. Do đó, huy động nguồn lực là điều khả thi nhưng huy động như thế nào, sử dụng nó như thế nào để thực sự mang lại giá trị cho những nhà đầu tư là bài toán cần được chú trọng. Làm thế nào để những nhà đầu tư cảm thấy nguồn đầu tư đó là đáng giá, đem lại giá trị cho xã hội và có cả những lợi ích kinh doanh là điều người làm thể thao chuyên nghiệp phải đưa ra để thuyết phục các nhà đầu tư”, bà Lê Thị Mỹ Dung chia sẻ thêm.
Nguyễn Long