Cẩn trọng khi nhân rộng mô hình trồng lúa giảm phát thải

STNN - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay, một số mô hình thí điểm trồng lúa giảm phát thải được ghi nhận đạt kết quả tích cực như: giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, giảm phát thải khí nhà kính mà vẫn tăng thu nhập cho nông dân. Do đó, các địa phương đều mong muốn nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn nhiều thách thức đòi hỏi việc mở rộng diện tích phải được tính toán cẩn trọng, không nôn nóng, không theo phong trào.
lua-giam-phat-thai-stnn-1737512745.webp
Thu hoạch lúa tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp - Ảnh Hữu Nghĩa.

Thực hiện Ðề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (gọi tắt là Ðề án), đến nay đã có 5 tỉnh, thành phố tham gia thực hiện mô hình thí điểm là: Ðồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ với 2 đến 3 vụ lúa (hè thu 2024, thu đông 2024 và đông xuân 2024-2025).

Đan xen thuận lợi và khó khăn

Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho thấy, trong vụ hè thu 2024, mô hình trồng lúa giảm phát thải triển khai với diện tích 47,2 ha, năng suất đạt 64 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình 7 tạ/ha; giảm 2-12 tấn CO2 tương đương/ha (tương đương 50-83%) so với canh tác truyền thống. Tổng chi phí sản xuất lúa trong mô hình cao hơn so với chi phí ngoài mô hình là 5% nhưng lợi nhuận trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình tới 20%.

Vụ thu đông 2024, mô hình triển khai với diện tích 50 ha, năng suất đạt 63,7 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình 1,5 tạ/ha; tổng chi phí sản xuất trong mô hình thấp hơn so với chi phí ngoài mô hình là 10,4% trong khi lợi nhuận cao hơn 23,2%.

Tại tỉnh Kiên Giang, vụ hè thu 2024 triển khai mô hình với 50 ha, năng suất đạt 52,3 tạ/ha, tăng 3,4 tạ/ha so với ngoài mô hình; giảm 7,8 tấn CO2 tương đương/ha (khoảng 56,4%); chi phí sản xuất giảm 15% và lợi nhuận tăng 32,3% so với canh tác ngoài mô hình. Tại tỉnh Trà Vinh, vụ thu đông 2024 triển khai 98,4 ha, năng suất đạt 70,5 tạ/ha, tăng 2,5 tạ/ha so với canh tác truyền thống; giảm 5,75 tấn CO2 tương đương/ha; chi phí giảm 10,6-15,8% và lợi nhuận tăng 13,6-14,8%.

Có được kết quả trên là do trong quá trình triển khai thực hiện mô hình có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực vào cuộc của nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế khi cam kết các khoản vốn viện trợ không hoàn lại để triển khai Ðề án khi có yêu cầu cụ thể. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, nhiều địa phương chưa hiểu rõ các tiêu chí lựa chọn vùng dự án cho nên các điểm đăng ký đều nằm phân tán theo địa danh của xã, huyện, hợp tác xã, mà chưa đáp ứng được tiêu chí liền vùng, khoảnh lớn (hơn 200 ha).

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Ngoài một số hợp tác xã có cơ sở hạ tầng rất tốt, có thể chủ động hoàn toàn việc tưới tiêu theo quy trình ngập khô xen kẽ (AWD) như ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; Hợp tác xã Ðồng Tâm, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu… thì cũng có những hợp tác xã có đồng ruộng cao hơn với việc vận hành tưới tiêu chủ yếu theo cơ chế thủy triều mà không cần máy bơm nên sẽ có những thời điểm không kiểm soát được tưới tiêu hoàn toàn trong trường hợp mưa lớn kéo dài, nước trong kênh cao hơn mặt ruộng như ở Trà Vinh, Vĩnh Long… đòi hỏi phải có thêm phương án chủ động.

Mở rộng theo hướng bền vững

Thời gian tới, trên cơ sở kết quả mô hình trình diễn ở vụ hè thu, thu đông 2024, các tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Trà Vinh, Ðồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ dự kiến sẽ có kế hoạch mở rộng mô hình vụ đông xuân 2024-2025 ra nhiều huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số lượng 53 mô hình, diện tích ước 3.653 ha được thực hiện từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Tính chung đăng ký của 12 tỉnh, thành phố tham gia Ðề án thì diện tích canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp sẽ triển khai mở rộng 28.017 ha.

Trước đề xuất đăng ký này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương cần cân nhắc kỹ lưỡng việc mở rộng diện tích trên cơ sở bảo đảm cơ sở hạ tầng vì hiện nay kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng cho tưới tiêu chủ động, cơ giới hóa đồng bộ phục vụ sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp chưa được đồng bộ trên quy mô vùng.

Ngoài ra, việc nông dân đã quen với phương thức canh tác lúa truyền thống thiếu bền vững, thiếu liên kết cũng là một trong những trở ngại lớn khi nhân rộng mô hình. Do vậy, cần tuyên truyền phổ biến mạnh mẽ, nâng cao năng lực tiếp cận với mô hình trình diễn cụ thể đi kèm với sự hỗ trợ về cơ chế và nguồn lực để tạo động lực thay đổi tư duy sản xuất của nông dân.

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực đầu tư hiện nay không theo kịp tiến độ triển khai Ðề án, đặc biệt nguồn đầu tư từ ngân sách ngay trong giai đoạn 2024-2025 chưa bố trí được nguồn. Trong giai đoạn 2026-2030, cần chuẩn bị sẵn sàng vốn đầu tư hạ tầng từ các nguồn vay nước ngoài và nguồn ngân sách cùng với cơ chế, chính sách thông thoáng để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư công thuộc phạm vi đầu tư của Nhà nước cho Ðề án.

Ðồng thời, cần nhanh chóng triển khai gói tín dụng đủ tầm cho các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Ðề án vay ngắn hạn để mua vật tư, thu mua lúa cho nông dân, vay trung và dài hạn để mua máy cơ giới, máy móc thiết bị phục vụ bảo quản, chế biến, đầu tư cho hệ thống kho chứa và logistics.

Theo Nhân Dân