Wallis Annenberg là cây cầu đầu tiên gần một đô thị lớn và lớn nhất thế giới, dành cho động vật hoang dã. Việc xây dựng cây cầu này sẽ giúp sư tử và các loài động vật khác có thể tiếp cận tốt hơn với nguồn thức ăn và bạn tình tiềm năng.
Gần đây, tại Los Angeles các quan chức bang California (Mỹ) đã tiến hành lễ khởi công xây dựng “cầu vượt dành cho động vật hoang dã” lớn nhất thế giới, mang tên Wallis Annenberg. Cây cầu này dài 61m, rộng 50m, chi phí xây dựng hết 87 triệu USD, vượt qua con đường cao tốc số 101 (với 10 làn xe) ở phía tây Los Angeles và dự tính tới năm 2025 sẽ hoàn thành. Đây là công trình hợp tác giữa Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã quốc gia Mỹ và Hiệp hội núi Santa Monica, do Cục Giao thông vận tải bang California xây dựng. Cây cầu bắc từ dãy núi Santa Monica vượt qua đường cao tốc, sang đồi Simi của dãy núi Santa Susana.
Khu vực này là nơi dừng chân của loài sư tử châu Mỹ, nhưng bị đường cao tốc và các nông trường xung quanh vây quanh. Theo thống kê, hàng ngày có khoảng 300 ngàn xe chạy trên con đường này; do đó thường xuyên xảy ra tình trạng sư tử châu Mỹ, hươu, nai… bị đâm chết khi chúng băng qua đường. Ngày 21/4, một con sư tử châu Mỹ mới 18 tháng tuổi, bị xe đâm chết ngay trên đường cao tốc 405 bên cạnh. Khu nghỉ dưỡng quốc gia núi Santa Monica đã ghi nhận, trong vòng 20 năm trở lại, đây là con sư tử châu Mỹ thứ 26 bị đâm chết. Để ngăn động vật băng qua đường, người ta đã dựng hàng rào dây thép dài mấy ki-lô-mét dọc con đường cao tốc này.
Hàng năm, ở Mỹ có hơn 200 người chết do lái xe đâm vào động vật. Con số của cơ quan lý an toàn giao thông đường quốc lộ quốc gia Mỹ cho thấy, một khi đã xảy ra va chạm, cho dù may mắn thoát chết, thì cái giá phải trả cũng rất đắt: bao gồm người bị thương tật; chi phí kéo xe, sửa chữa, điều tra và các chi phí khác, bình quân phải trả 8.190 USD cho mỗi vụ.
Ở châu Âu, ngay từ thập niên 50 của thế kỷ 20, nước Pháp đã xây dựng cây cầu dành cho động vật đầu tiên. Tỉnh Noord Brabant của Hà Lan có cây cầu vượt dành cho động vật dài nhất thế giới với độ dài 800m, băng qua đường sắt, sông, khu thương mại, sân vận động… Hiện nay, Hà Lan có 66 cây cầu vượt dùng để bảo vệ lợn hoang dã, hươu… |
Lê Thúy (TH)