Nhờ đặc tính dễ trồng, khả năng tiêu thụ cao, chuối trở thành mặt hàng xuất khẩu tiềm năng. Đến nay, chuối và các sản phẩm từ chuối đã được xuất sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Có thể thấy, nhờ áp dụng khoa học công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm, chuối và các sản phẩm từ chuối ngày càng vươn xa, chinh phục các thị trường “khó tính” và kỳ vọng sớm đưa chuối trở thành cây xuất khẩu “tỷ đô” của Việt Nam.
Thế mạnh
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, là một trong những xứ sở của cây chuối, từ Bắc xuống Nam, đồng bằng cũng như trung du, miền núi ở đâu cũng có chuối với nhiều loại giống khác nhau. Diện tích chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái, sản lượng 1,4 triệu tấn. Ở miền Trung và miền Nam có nhiều địa phương có diện tích chuối lớn như Đồng Nai, Sóc Trăng, Cà Mau, Thanh Hóa, Quảng Trị, Khánh Hòa… có diện tích chuối từ 3.000 đến 8.000ha; phía Bắc có Hà Nội, Phú Thọ, Hưng Yên…
Hiện Việt Nam có khoảng 150.000ha chuối lấy quả quy mô trang trại, nông trại. Nếu tính cả diện tích nhỏ lẻ của các gia đình, các giống chuối trồng không lấy quả như chuối lá, chuối hột, chuối rừng, diện tích chuối đạt trên 200.000ha.
Với lợi thế đất bồi ven sông thuận lợi cho việc trồng chuối, Hà Nội xác định đây là một trong những cây chủ lực hướng tới xuất khẩu, tạo giá trị cao cho nông dân.
Thời gian tới, các giống chuối nuôi cấy mô sẽ được đưa vào sản xuất kết hợp ứng dụng công nghệ cao nhằm xây dựng vùng trồng chuối chất lượng cao của Thủ đô.
Hà Nội hiện có 3.294ha chuối, tập trung ở các xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ), Kim Sơn (huyện Gia Lâm), Chu Minh (huyện Ba Vì)... Hơn 70% diện tích chuối sử dụng các giống chuối nuôi cấy mô; trong đó, 300ha trồng chuối nuôi cấy mô ứng dụng công nghệ cao và vùng trồng chuối này đủ điều kiện xuất sang một số quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản…
Theo lãnh đạo huyện Gia Lâm, giống chuối tiêu xanh nuôi cấy mô Nam Mỹ khá phù hợp với đồng đất Kim Sơn nên năng suất, chất lượng cao hơn các vùng khác. Giống chuối này cho thu nhập 300-350 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với các vùng trồng chuối thông thường.
Ông Doãn Văn Thắng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vân Nam, cho biết, năm 2012, sau khi dồn điền đổi thửa, HTX trồng thí điểm 2ha chuối tiêu hồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, HTX vận động người dân mở rộng diện tích. Xã hiện có hơn 10ha chuối nuôi cấy mô. Loại chuối này cho hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với giống chuối truyền thống, đạt 250 - 300 triệu đồng/ha/năm.
Tỉnh Hưng Yên có trên 2.000ha chuối, tập trung tại TP. Hưng Yên, các huyện Kim Động và Khoái Châu. Những năm qua, diện tích trồng chuối tại Hưng Yên liên tục tăng. Thậm chí, nhiều hộ dân còn đến các tỉnh thuê đất trồng chuối.
Không chỉ có các vùng trồng chuối hiệu quả ở Hà Nội, Hưng Yên, cây chuối tây đang được tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển chuỗi giá trị theo hướng sản xuất hữu cơ và tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng thu nhập.
Chuối là cây trồng đã có từ lâu của Bắc Kạn. Những năm gần đây, cây chuối được trồng chuyên canh theo hướng hàng hóa. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh chỉ có khoảng 400ha thì đến nay, diện tích chuối cho thu hoạch là hơn 1.300 ha, trong đó giống chuối tây chiếm trên 90%; năng suất bình quân đạt 11,8 tạ/ha, sản lượng đạt 15.500 tấn.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với quả chuối tươi và các sản phẩm chế biến ngày càng mở rộng. Vì vậy, trong Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của tỉnh Bắc Kạn, cây chuối tây được xác định là một trong những cây trồng định hướng phát triển vùng chuyên canh hàng hóa ở địa phương. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 2.500ha chuối, sản lượng 30.000 tấn, trong đó 70% sản lượng chuối sẽ được đưa vào phục vụ ngành sản xuất chế biến nông sản đặc sản tại địa phương.
Là “thủ phủ” xuất khẩu chuối, tỉnh Đồng Nai hiện có gần 10,6 ngàn hecta chuối, tăng hàng ngàn hecta so với cùng kỳ năm ngoái. Huyện Trảng Bom là vùng trồng chuối lớn nhất của Đồng Nai với diện tích đứng trên 4,2 ngàn hecta.
Ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) cho biết, diện tích chuối năm nay của huyện tăng cả ngàn hecta so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài xã Thanh Bình thì các xã Bàu Hàm, Sông Thao, Cây Gáo… cũng đang chuyển đổi rất mạnh sang trồng chuối, chủ yếu là giống chuối già cấy mô xuất khẩu.
Hiện tại, “thủ phủ” chuối mật mốc ở Hướng Hóa (Quảng Trị) có hơn 3.500ha; tập trung ở Tân Long, Thuận, Tân Thành… Chuối đang là cây trồng chủ lực của huyện, của tỉnh.
Xin dẫn một số ví dụ từ xã Tân Long – trung tâm của “thủ phủ” chuối Hướng Hóa để thấy rằng, cây trồng chủ lực của bà con nơi miền Tây Quảng Trị một thời đắt hàng thế nào. Tân Long có khoảng 1.500 hộ, thì đến 75% trồng chuối và khấm khá lên nhờ chuối. Mỗi ngày, tại khu vực chợ chuối Tân Long có đến 4 xe chuối với 60 tấn xuất đi.
Phó Bí thư đảng ủy xã Tân Long, ông Nguyễn Văn Minh, chia sẻ: Tổng thu nhập toàn xã năm 2019 là 180 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp (với chủ lực từ cây chuối) đã đạt 121 tỷ đồng. Bình quân thu nhập đầu người cũng rất cao, chạm ngưỡng 40 triệu đồng mỗi năm.
Tận dụng mọi lợi ích từ cây chuối
Hiện nay, tại Việt Nam, cây chuối chủ yếu dùng để lấy quả, một số ít tận dụng được lá khô, lá tươi, hoa tươi, bẹ chuối,... Thân chuối gần như 100% là chặt bỏ, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, người trồng chuối thậm chí phải mất chi phí cho việc đốn hạ, vứt bỏ thân chuối sau thu hoạch.
Trước sự lãng phí tài nguyên đó, ông Bùi Khánh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Musa Pacta (Hà Nội) đã nghĩ đến việc đưa công nghệ ép thân chuối lấy sợi và “đỡ đầu” luôn cho sản phẩm đầu ra cho các HTX, các tổ chức, cá nhân, hay nông hộ có nhu cầu đầu tư với quy mô nhỏ phù hợp với khả năng của họ, nhằm vừa tạo công ăn việc làm, giúp người dân thu nhập ổn định, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái, cho biết, chuối là loại cây dễ trồng, là sản phẩm có tiềm năng phát triển vì từ quá trình sản xuất cho đến sản phẩm cuối cùng đều tận dụng tối đa, ưu việt hóa những phụ phẩm của ngành trồng chuối.
“Xu thế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và hạn chế sử dụng đồ nhựa, đó chính là mảnh đất màu mỡ để các sản phẩm của sợi chuối đến với thị trường quốc tế”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho hay, mục tiêu HTX hướng đến không chỉ tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương mà còn phát triển sợi chuối của Khai Thái trở thành sản phẩm mũi nhọn của địa phương và xa hơn là viết tên Việt Nam trên bản đồ thị trường sợi chuối thế giới.
Không chỉ phát triển thị trường sợi chuối, hiện nay nhiều địa phương đã thành công với sản phẩm phân bón hữu cơ làm từ chuối. Ở Bắc Kạn có khá nhiều cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm từ chuối như: Kẹo chuối, chuối sấy dẻo, rượu chuối, mứt chuối, chuối sấy khô... Những sản phẩm này dễ bán, được thị trường ưa chuộng. Một số sản phẩm từ chuối đã được gắn sao OCOP cấp tỉnh như: Rượu chuối men lá, chuối sấy dẻo, dấm chuối của HTX Tân Dân (thành phố Bắc Kạn); chuối sấy của HTX Thiên An (Bạch Thông); chuối sấy dẻo và bim bim chuối của HTX Nông nghiệp và Thương mại Hợp Thành (xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới). Đây là điều kiện tốt, giải pháp để ổn định đầu ra cho quả chuối cho các hộ nông dân, từng bước phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị hàng hóa.
Ngoài ra, các phụ phẩm từ quá trình chế biến chuối, lấy sợi chuối cũng có thể tận dụng để cho ra sản phẩm hữu ích. Ví như: Nước bẹ chuối trong quá trình sản xuất sợi là một loại phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng. Vỏ chuối, phế thải của quá trình chế biến sản phẩm từ quá trình chế biến sản phẩm từ quả chuối có thể ủ thành phân bón hữu cơ vừa tốt vừa rẻ lại tăng thu nhập. Thậm chí, những quả chuối xấu, không ăn được cũng có thể ủ lên men tạo ra dung dịch hữu cơ bón rau, hoa rất chất lượng.
Gỡ vướng, tăng sức cạnh tranh xuất khẩu
Mặc dù có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển, song so với các thị trường lớn khác thì năng suất sản xuất chuối của Việt Nam vẫn chưa cao do giá thuê nhân công cao, năng suất lao động thấp. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu cũng còn hạn chế và vẫn còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là chủ yếu.
Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu chuối nhiều nhất cho Trung Quốc.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 348.261 tấn, tăng 145,08% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 87,14% so với cả năm 2020 (năm 2020, xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 339.673 tấn).
Chuối cũng là một trong 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc đây là một thuận lợi lớn để phát triển mạnh sản phẩm tiềm năng này.
Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp U&N (Unifarm), cho biết, mọi năm, từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 4 - 5, chuối Việt Nam thường xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc do vào thời gian đó, bên Trung Quốc vẫn đang lạnh, không trồng được chuối nên đẩy mạnh nhập khẩu từ nước ngoài.
Trước đây, chuối Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là chuối do nông dân tự trồng rồi được thương lái thu mua xuất khẩu nên số lượng còn chưa nhiều và giá trị chưa cao. Quy mô trồng chuối vẫn còn manh mún, phân tán nên việc đầu tư, bảo quản chất lượng sản phẩm, bao tiêu sản phẩm gặp khó khăn, hiệu quả không cao. Quy trình canh tác chưa đồng bộ dẫn đến quy cách sản phẩm không đồng đều. Việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, bảo quản chưa đúng cách dẫn đến tỷ lệ sản phẩm bị hư hỏng cao từ 25-30%.
Với trên 200.000ha cây chuối trên cả nước, ước tính có thể cung cấp lượng sợi khoảng 200.000 tấn/năm, đem lại doanh thu khoảng 700 triệu USD nếu tính theo giá sợi chuối thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay, khoảng 3,5 USD/kg.
Thị trường sợi chuối thế giới đã hình thành và phát triển khoảng 15 - 20 năm nay. Đây là thị trường sôi động, phát triển liên tục, mỗi năm thu lãi hàng tỷ USD.
Sợi chuối dùng để làm ra nhiều loại sản phẩm như: thủ công mỹ nghệ, giấy các loại, đến những vật liệu cao cấp trong công nghiệp ô tô, du thuyền… có giá trị gia tăng lớn. Đặc biệt, sợi chuối là sản phẩm thân thiện môi trường, không sử dụng hóa chất, được thị trường châu Âu ưa chuộng, đó là hướng đi tất yếu trong xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững của thế giới.
Song những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào trồng chuối xuất khẩu như Unifarm, Huy Long An, Hoàng Anh Gia Lai…, giúp cho chuối của Việt Nam tăng mạnh về sản lượng cũng như chất lượng. Do đó, chuối Việt Nam ngày càng cạnh tranh được với chuối của các nước khác và gia tăng mạnh về thị phần tại thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cũng nhờ đã nâng cao được chất lượng, nên chuối Việt Nam đang thâm nhập mạnh vào 2 thị trường khó tính, có tiềm năng lớn ở khu vực Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện chuối do Unifram sản xuất đang tập trung xuất khẩu mạnh vào 2 thị trường này.
Chinh phục thị trường
Tại châu Âu, chuối là loại trái cây được người tiêu dùng ưa chuộng do có tác dụng tốt cho sức khỏe. Vì vậy, chuối là loại trái cây tươi số một được nhập khẩu vào châu Âu. Chuối có sản lượng nhỏ ở khu vực châu Âu nên phụ thuộc nhiều vào nguồn cung bên ngoài.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu chuối (kể cả chuối lá, tươi hoặc khô - mã HS 0803) của EU trong 11 tháng năm 2020 đạt 7,7 nghìn tấn, trị giá 5,26 tỷ Eur (tương đương 6,36 tỷ USD), tăng 3% về lượng và tăng 1,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá nhập khẩu bình quân mã HS 0803 của EU đạt 683 Eur/tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong những nước xuất khẩu chuối vào EU, Việt Nam chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn, nhưng giá chuối Việt Nam lại ở mức khá cao. Cụ thể, trong 11 tháng của năm 2020, giá chuối Việt Nam nhập khẩu vào EU ở mức bình quân 3.192,9 Eur/tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019. Giá chuối nhập khẩu bình quân từ Việt Nam vào EU cao hơn nhiều so với các nguồn cung cấp khác: Ecuador 605 Eur/tấn; Colombia 588 Eur/tấn; Costa Rica 645,7 Eur/tấn …
Theo ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Trảng Bom - Đồng Nai), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực đã tạo ra cơ hội để nông sản Việt thâm nhập thị trường châu Âu. Xác định EU là thị trường tiềm năng mà HTX đang vươn tới, để có thể làm ăn lâu dài ở thị trường này, ông Hùng cho biết, trước tiên HTX sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua kênh của các công ty xuất khẩu có mối quan hệ tốt với thị trường EU. Thứ hai, xuất khẩu trực tiếp qua văn phòng đại diện của HTX tại EU.
“Hiện nay, HTX đã có lộ trình xuất khẩu chuối với Liên minh châu Âu và sẽ thực hiện theo lộ trình đó. Văn hóa mua bán của EU rất sòng phẳng, hiện đại và thanh toán qua L/C đảm bảo tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước Tết Nguyên đán, có một số các doanh nghiệp đến đặt vấn đề với HTX xuất khẩu chuối qua Vương quốc Anh, HTX đang đàm phán cách vận chuyển sao cho thuận lợi cho bên nhập khẩu”, ông Hùng nói.
Về phía HTX, ông Hùng cho biết, HTX đang chuẩn bị phân khúc hàng tốt nhất đáp ứng các yêu cầu cũng như các điều kiện của khách hàng. “Thị trường EU một khi đã làm ăn tốt với họ rồi thì rất ổn định, không như thị trường Trung Quốc, rất bấp bênh”, ông Hùng chia sẻ.
Cuối năm 2020, HTX đã xuất khẩu những container chuối đầu tiên vào thị trường EU, được người tiêu dùng EU đón nhận tích cực. Nhận thấy đây là thị trường xuất khẩu chuối tiềm năng nên HTX xây dựng kế hoạch thâm nhập sâu vào thị trường này.
“So với thị phần chuối ở EU thì lượng chuối xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của HTX nói riêng vào thị trường này không nhiều, nhưng chúng tôi muốn đi bước nào chắc bước đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm cho nên không vội vàng. Một khi đã xây dựng được nền tảng vững chắc mới đẩy mạnh xuất khẩu và tổ chức sản xuất chỉnh chu hơn nữa, để đáp yêu cầu của khách hàng tốt hơn”, ông Hùng khẳng định.
Chiến lược lâu dài của HTX Thanh Bình là đẩy mạnh chế biến sâu, cũng là mục tiêu mà HTX hướng đến. Hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao và ít rủi ro hơn bán tươi. Bên cạnh đó, HTX còn nghiên cứu sản xuất bột chuối, HTX đã gửi mẫu bột chuối qua EU và khách hàng phản hồi rất tốt, qua đó sẽ mở ra hướng đi mới.
Tại sự kiệnTuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản ngày 27/6 vừa qua, người tiêu dùng Nhật Bản cũng đánh giá rất cao về chuối của Việt Nam. Ông Soichi Okazaki, Ủy viên Ban điều hành Công ty TNHH AEON – đơn vị tổ chức Tuần hàng Việt Nam, cho biết: “Nhật Bản đang nhập khẩu chuối từ nhiều nơi như Ecuador, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc), nhưng tôi thấy chuối Việt Nam ngon và vị cũng tốt hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để xúc tiến việc nhập khẩu chuối”.
Theo ông Okazaki, với giá bán cạnh tranh và chất lượng tốt, chuối Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại ở thị trường Nhật Bản.
Người tiêu dùng Nhật cũng có yêu cầu về các mặt hàng nhiều chất dinh dưỡng nên chuối, bơ, xoài… rất được ưa chuộng tại quốc gia này. Đây là một trong những lợi thế để Việt Nam đẩy mạnh việc xuất khẩu chuối vào thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, với Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA) được triển khai đồng bộ từ năm 2010 đến nay. Nhật Bản đã giảm thuế mạnh mẽ nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, điều này tăng lợi thế đáng kể để các dịch vụ logistics liên kết với nông sản Việt xuất khẩu hàng hoá.
Doanh nghiệp chủ động tính đường dài
Vài năm nay, diện tích cây chuối cấy mô trên địa bàn huyện Trảng Bom (Đồng Nai) -”thủ phủ” xuất khẩu chuối không ngừng tăng. Nguyên nhân là do so với các loại cây trồng khác, chuối cấy mô có nhiều lợi thế, chẳng hạn thời gian từ khi trồng đến thu hoạch nhanh, chỉ mất khoảng 8 tháng. Trong trường hợp loại cây này không phù hợp hoặc giá xuống quá thấp thì có thể dễ dàng chuyển sang trồng các loại cây khác. Quan trọng hơn, lợi nhuận cây chuối cao hơn nhiều so với cây ăn quả và cây công nghiệp. Theo tính toán của người trồng, năng suất trung bình của loại cây này đạt 50 tấn/ha. Với giá bán 10.000 đồng/kg chuối tươi, người nông dân lãi khoảng 300 triệu đồng/ha.
Ông Lý Minh Hùng cho biết, thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh liên kết với các hộ nông dân để có nguyên liệu chế biến chuối khô và xuất khẩu chuối tươi sang các nước. “Chúng tôi đã có đầu ra, có máy móc sản xuất. Chúng tôi cần địa phương, các sở, ngành hỗ trợ để HTX sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan”, ông Hùng nói.
Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom cho biết, từ mô hình thí điểm, địa phương cho triển khai đại trà với mục tiêu hình thành nên vùng sản xuất lớn, tiện lợi cho đầu tư sản xuất cũng như mời gọi doanh nghiệp đầu tư. Được phê duyệt dự án cánh đồng lớn cây chuối, địa phương đã tích cực vào cuộc hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng; vận động nông dân chuyên môn hóa trong sản xuất nông nghiệp và tuân thủ quy trình sản xuất sạch; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và kiểm soát dịch bệnh. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh đầu tư hệ thống điện, giao thông, tạo điều kiện cho sản xuất và vận chuyển nông sản; kêu gọi các doanh nghiệp, HTX bắt tay cùng đầu tư vào cánh đồng lớn cây chuối.
Nhờ quy hoạch và đầu tư cho vùng sản xuất tập trung cây chuối, thời gian qua, một số doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh Đồng Nai đã và đang hợp tác làm ăn lâu dài với nông dân. Điều này mở ra hướng đi mới cho người trồng chuối ở địa phương, đó là liên kết, chế biến sâu thay vì xuất khẩu tươi vào một thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá cả.
Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng vùng chuyên canh tập trung theo hướng VietGAP, chất lượng cao, hợp thị hiếu từng thị trường; hỗ trợ các đơn vị đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm như: chuối sấy, thạch kẹo, nước chuối ép, sợi chuối… nhằm đa dạng sản phẩm và loại hình, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới.
“Trước đây, thương lái thu mua chuối xuất khẩu theo số lượng đối tác yêu cầu, do đó thường xuyên xảy ra tình trạng nông dân phải tự bán hoặc bán rẻ lúc rộ vụ. Hiện tại họ đã đầu tư 4 kho lạnh để dự trữ chuối, trong trường hợp nhà vườn dội hàng hoặc giá chuối xuống quá thấp, họ vẫn thu mua chuối tươi đưa về kho lạnh bảo quản. Do đó, đầu ra có phần ổn định hơn”, ông Nguyễn Văn Thuật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), cho biết.
Ông Lý Minh Hùng cho hay, thực tế HTX đã đi chào hàng và biết được thị trường Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Trung Đông có nhu cầu rất lớn, nhiều cơ hội xuất khẩu. Vấn đề hiện nay là người nông dân phải chủ động thay đổi, từ sản xuất nhỏ lẻ sang hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, HTX sản xuất hàng hóa; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật để tiết kiệm công, chi phí. Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà cần đầu tư cho chất lượng để có sản phẩm tốt, giá cả tốt.
Để cây chuối trở thành cây mang về tỷ đô không phải là chuyện một sớm một chiều, mà cần sự nhập cuộc của cả doanh nghiệp, người nông dân, các bộ ngành liên quan với các chính sách vừa đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị cho từng mặt hàng, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường và tận dụng hết những lợi ích từ các bộ phận của cây chuối.
Thanh Tâm - KTNT