Ngoài tên gọi núc nác hay hoàng bá nam, loài cây này còn có nhiều tên gọi khác, như: hoa chùm ớt, mộc hồ điệp, so đo thuyền…, là loài dược liệu đồng thời cũng là thực phẩm quý.
Ở vùng núi Tây Bắc, đồng bào Tày, Nùng, Thái, Dao, Cao Lan thường trồng cây núc nác trước cổng nhà. Khi nhà có phụ nữ sinh con, họ dùng lá núc nác để cài quanh người mẹ và nơi bé ngủ. Khi trong nhà có người qua đời, đồng bào lấy lá núc nác cài quanh thi thể và linh cữu. Cây núc nác không chỉ gắn bó với cuộc sống thường ngày của đồng bào mà còn là dược liệu, là thực phẩm quý.
Bài thuốc từ hạt và vỏ cây núc nác
Trong hạt và vỏ cây núc nác có chứa ít nhất 5 loại Flavonoid, có tính kháng Histamin tác dụng tốt đối với bệnh dị ứng, mề đay và mẩn ngứa.
Vỏ núc nác đem đun lấy nước, dùng để tắm cho bà mẹ và em bé, để vệ sinh phụ nữ khi đến ngày “đèn đỏ”, hoặc được đốt thành than dùng chữa trị các vết thương, chữa trị ghẻ lở, cam tẩu mã… Vỏ núc nác thường được đẽo trên cây núc nác còn sống; khi phơi, sấy khô được gọi là hoàng bá nam, có vị đắng ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt táo thấp, tiêu thũng, giải độc. Ngoài ra, vị thuốc này còn có tác dụng chữa viêm gan vàng da, viêm bàng quang, tiêu chảy, viêm họng, viêm phế quản, hen phế quản, ho khan tiếng, sởi…
Hạt núc nác phơi khô sắc uống hoặc tán bột uống có thể giúp điều trị viêm họng cấp và mãn tính, viêm phế quản, ho gà, đau dạ dày, đau mạng sườn...
Vị thuốc chính để tăng cường miễn dịch, điều trị ung thư
Núc nác là vị thuốc chính, kết hợp với những vị thuốc nam khác để giải độc cơ thể, điều chỉnh và tăng cường hệ thống miễn dịch giúp cơ thể có đủ sức đề kháng loại bỏ những tế bào lạ và các dị vật (đây là một phương pháp điều trị ung thư bằng các loại thuốc hoàn toàn từ thiên dựa hoàn toàn vào quy luật sinh học).
Món ngon từ cây núc nác
Hoa núc nác xào thịt, hay nhồi thịt kẹp vào vỉ nướng trên than hồng là món ăn ngon khó cưỡng. Hoa núc nác khô dùng để xào thịt bò, thịt ba chỉ hay lòng gà… cũng rất ngon. Vị đắng trong món ăn này chính là vị thuốc chữa bệnh dạ dày
Quả núc nác tươi có thể luộc chấm chẩm chéo, nấu canh măng chua, xào thịt bò hay làm nộm. Quả núc nác nướng chín, cùng với tai heo, thịt heo thái chỉ hoặc cá nướng giã măng ớt hạt dổi đem trộn cùng lạc và các loại gia vị núi rừng tạo thành món ăn có vị đăng đắng ngọt ngọt và thơm ngậy rất đặc biệt, khiến ai đã từng được ăn thì sẽ nhớ mãi.
Lương Y – Thầy thuốc Lưu Đức Huấn