STNN - Đó là trường hợp bé trai N.G.N, 9 tuổi, ở Hà Nội xuất hiện triệu chứng đau bụng thượng vị, đau âm ỉ, có lúc trội cơn, thường đau tăng sau ăn và về đêm, có ợ hơi, có buồn nôn và nôn, cảm giác nóng rát cổ họng, chán ăn, mệt mỏi.
Bố mẹ cháu N. thấy con có triệu chứng như vậy, nghĩ rằng con mình bị rối loạn tiêu hóa, nên cho con uống men vi sinh, nhưng bệnh không đỡ nên quyết định đưa con đến Bệnh viện đa khoa (BVĐK) MEDLATEC. Qua bác sĩ thăm khám, thì họ mới tá hỏa khi biết được con bị mắc một căn bệnh mà chỉ hay gặp ở người lớn.
ThS. BS Dương Thị Thủy - Chuyên khoa Nhi, BVĐK MEDLATEC cho biết, qua thăm khám trẻ chỉ có triệu chứng đau thượng vị. Còn theo gia đình người bệnh cho biết, bố bé N có tiền sử viêm dạ dày, loét hành tá tràng và có vi khuẩn Helicobacter pylori (H.p) dương tính. Do vậy, bác sĩ chẩn đoán sơ bộ theo dõi hội chứng khó tiêu dạ dày.
Để có cơ sở chẩn đoán xác định và điều trị, bác sĩ chỉ định bé N. làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, CRP, GOT, GPT, ure, creatinine, điện giải đồ và nội soi dạ dày tá tràng.
Kết quả nội soi dạ dày tá tràng: Thực quản phía trên đường Z có vết trợt dưới 5mm, dạ dày niêm mạc phù nề, xung huyết, hang vị có ổ loét kích thước 1,5cm, bờ phù nề, đáy phủ giả mạc trắng. Bệnh nhân được làm test nhanh vi khuẩn H.p dương tính. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm máu có tình trạng thiếu máu.
Cuối cùng, bé N được xác định bị loét hang vị dạ dày, H.p dương tính, trào ngược dạ dày thực quản độ A.
Mẹ bé chia sẻ: “Gia đình tôi vô cùng bất ngờ. Con nhỏ thế mà đã bị loét dạ dày. Bởi trước đây tôi chỉ nghĩ bệnh đau dạ dày chỉ gặp ở người lớn, nên khi con có biểu hiện bất thường như vậy, tôi chủ quan nghĩ đó chỉ là do rối loạn tiêu hóa và chỉ cho uống men tiêu hóa. Nào ngờ…”.
Trẻ hóa độ tuổi mắc viêm dạ dày và nguyên nhân
Theo ghi nhận của Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, nước ta có tới 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hoặc để tái phát nhiều lần có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: Loét dạ dày tá tràng, viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản, loạn sản niêm mạc dạ dày, thậm chí có thể dẫn tới ung thư dạ dày - bệnh lý ung thư phổ biến nhất trên thế giới hiện nay ở cả hai giới.
Thực tế trong quá trình thăm khám ở BVĐK MEDLATEC, ThS. BSNT Lưu Tuấn Thành - chuyên khoa Tiêu Hóa cho biết, bệnh lý dạ dày là bệnh lý phổ biến nhất trong cơ cấu mặt bệnh đường tiêu hóa hiện nay. Điều đáng lo ngại là bệnh có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, tại BVĐK MEDLATEC đã gặp các trường hợp bé trai, bé gái dưới 10 tuổi mắc bệnh dạ dày.
Theo BS Thành, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh lý dạ dày là do vi khuẩn H.p, ngoài ra, còn do thói quen ăn uống không điều độ: bỏ bữa sáng, hay ăn đồ chua cay; hoặc do áp lực công việc, stress căng thẳng trong cuộc sống. Theo nhiều nghiên cứu tại Việt Nam, có tới 70-80% dân số có vi khuẩn H.p trong dạ dày. Đặc biệt, những gia đình có con nhỏ cần cảnh giác nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn H.p có thể do chính thói quen hay gặp như mớm đồ cho trẻ, ăn chung bát đũa, đồ chấm trong bữa ăn.
Dấu hiệu trẻ mắc bệnh dạ dày
Bệnh dạ dày là bệnh lý đường tiêu hóa hay gặp, dễ nhầm lẫn, khiến cha mẹ hay chủ quan, lơ là và do vậy dễ gây biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, theo BS Thành, cần cho con đi khám kịp thời nếu cha mẹ thấy con có những dấu hiệu bất thường trong thời gian dài như:
· Biếng ăn, đặc biệt là nôn ói thường xuyên;
· Hay đau bụng;
· Đầy hơi, ợ chua, dễ nôn (trớ), khó tiêu;
· Da mặt xanh xao, sụt cân, hoặc tăng cân chậm;
· Đi ngoài phân đen, hoặc phân lẫn máu.
Những cách phòng bệnh dạ dày ở trẻ nhỏ
Để phòng bệnh tiêu hóa ở trẻ, BS Thành khuyên cha mẹ phòng bệnh cho con theo những cách sau:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm ăn đầy đủ các bữa, đúng giờ, tránh ăn quá no hoặc để quá đói; Bữa ăn bảo đảm đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây tươi, uống đủ nước, tránh các đồ uống chứa cồn, đồ chua cay...
- Thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học: Thực hiện ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, duy trì giấc ngủ khoảng 7 - 8h mỗi ngày; Vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Nếu trong gia đình có người bị bệnh dạ dày do vi khuẩn H.p nên lưu ý và đi kiểm tra ngay nếu có dấu hiệu bệnh thường; Tập thể dục thể thao mỗi ngày (tránh chạy, vận động mạnh ngay sau ăn);
- Tuân thủ thuốc uống điều trị theo đơn của bác sĩ. Việc uống thuốc bừa bãi, không theo chỉ định cũng là nguyên nhân gây đau dạ dày; vì vậy, cha mẹ lưu ý cho con uống theo đơn của bác sĩ kê với tên thuốc và liều lượng cụ thể.
Trường hợp của bé N. sau khi có chẩn đoán xác định, đã được bác sĩ kê đơn thuốc diệt vi khuẩn H.p dạ dày và làm liền ổ loét và hướng dẫn chế độ ăn chia nhỏ bữa ăn, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay; Không uống nước có gas; Tránh thức khuya, căng thẳng, tránh ăn quá no hay để bụng quá đói. Sau một tuần điều trị theo đơn, bé đã hết các dấu hiệu bất thường trước đó và bắt đầu ăn ngon trở lại.
“Trước đây, tôi chủ quan, đến khi con mắc bệnh, tìm hiểu mới biết bệnh này nguy hiểm và dễ để lại hậu quả khôn lường. Gia đình tôi rất vui và cảm thấy may mắn vì bé đã ăn ngon miệng, bắt đầu lên cân và nhất là chấm dứt các triệu chứng khó chịu trước đó. Điều này đã giúp gia đình tôi xua đi những lo lắng.” - mẹ bé N chia sẻ.
Ngọc Minh