Chuyển đổi số trong sản xuất: Mở ”cánh cửa” cho nông nghiệp hiện đại

Chuyển đổi số là “chìa khóa” mở “cánh cửa” cho nông nghiệp hiện đại và là điều kiện bắt buộc để nông nghiệp Việt Nam tham gia thị trường thế giới. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân và những năm qua đã có hàng trăm mô hình ứng dụng công nghệ số do nông dân làm chủ được hình thành, mang lại hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội.

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là một điển hình về ứng dụng công nghệ số vào mô hình sản xuất rau quả sạch bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng.

Yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả

Anh Lê Ngọc Hoàng (thôn Cổ Trâu, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) cho biết: “Năm 2020, tôi mua một chiếc máy bay không người lái chuyên phun thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học cho diện tích 7 mẫu đất với 500 gốc bưởi, 300 gốc nhãn, 100 gốc ổi và ao thả cá. Nếu trước đây phải thuê 14-15 nhân công lao động để làm việc này thì nay trong 2 giờ, máy bay đã phun xong toàn bộ”. Việc này góp phần giúp mỗi năm gia đình anh Hoàng thu tiền tỷ nông nghiệp…

Tương tự, mô hình sản xuất rau quả sạch tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) cũng là một điển hình về ứng dụng công nghệ số. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Văn Thắm thông tin: Hợp tác xã đã lắp đặt hệ thống trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G nhằm cập nhật tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa… Cùng với đó, hợp tác xã lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp Ban Giám đốc dù ở bất kỳ đâu cũng có thể quản lý và vận hành hệ thống. Toàn bộ diện tích trồng rau của hợp tác xã được phủ màn hạn chế cỏ dại, bón phân theo định mức và hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel nên năng suất tăng, giảm tỷ lệ sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất.

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất đang được nông dân sử dụng để giải bài toán năng suất, chất lượng và giá trị. Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp…

“Tính đến tháng 11-2021, có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông nghiệp được đưa vào các sàn thương mại điện tử…”, ông Lương Quốc Đoàn cho biết thêm.

Còn Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Dương Thị Hằng cho biết, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hằng năm, Hội Nông dân thành phố đều tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, trong đó có công nghệ số. Giai đoạn 2015-2020 đã có 3.200 hộ nông dân tại Hà Nội đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ.

Anh Lê Ngọc Hoàng (thôn Cổ Trâu, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên) với chiếc máy bay không người lái phục vụ việc phun thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học.

Tạo nguồn lực thúc đẩy nông nghiệp số

Chuyện nông dân tiếp cận công nghệ số không mới, số lượng nông dân đã và đang ứng dụng công nghệ số trong sản xuất ngày một tăng, tuy nhiên số đó còn rất nhỏ so với 9,1 triệu nông dân cả nước. Hạn chế này do nhiều nguyên nhân: Trình độ công nghệ chung thấp; số doanh nghiệp tiếp cận công nghệ số chưa nhiều, chưa mang tính phổ biến; đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ chưa hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực cũng đang là vấn đề… “Trình độ công nghệ của chúng ta ở mức trung bình, hạ tầng số hóa chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa…”, Tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin: Nông sản Việt Nam đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Đây là lượng số liệu, dữ liệu lớn, đòi hỏi phải số hóa để tạo nền tảng vững chắc tham gia thị trường thế giới.

Còn theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và các bộ, ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động. Đây là cơ sở để ngành Nông nghiệp đưa ứng dụng công nghệ số đến với nông dân.

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, Tiến sĩ Trần Công Thắng đề xuất, Nhà nước cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp; xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Dương Thị Hằng thông tin, Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối để người sản xuất nông nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại. Từ thực tế sản xuất, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch mong muốn, Nhà nước cần có chính sách đào tạo nông dân tiếp cận công nghệ số, xây dựng chương trình và mục tiêu để các địa phương phấn đấu thực hiện.

Xác định tính chủ thể xuyên suốt của quá trình chuyển đổi số là người nông dân, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, các bộ, ngành triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của người nông dân; đồng thời, đưa ra những đề xuất, sáng kiến, kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ để có kế hoạch, chương trình cụ thể, hành động vì một nền nông nghiệp số với những người nông dân số.

Theo Báo Hà Nội mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây