STNN – Bị Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm trong quá trình cổ phần hóa, doanh thu và lợi nhuận sa sút, chi phí bán hàng tăng, nợ thuế... là những vấn đề mà Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau đang gặp phải. Vậy, nguyên nhân nào khiến doanh nghiệp này rơi vào tình cảnh như hiện nay?
- Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm trong tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương
- “Nóng” tình trạng kinh doanh phân bón kém chất lượng tại các tỉnh phía Nam
Kinh doanh sa sút
Theo Báo cáo tài chính quý 2/2023 (BCTC), trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC - Mã chứng khoán: DCM) có sự sụt giảm về doanh thu, nhưng chi phí cho việc bán hàng lại tăng lên. Đồng thời, lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng có sự sụt giảm nghiêm trọng.
Cụ thể, BCTC thể hiện, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý 2/2023 của PVCFC đạt 3.456 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm 2023 đạt 6.286 tỷ đồng. Dù có tăng trưởng so với quý 1, nhưng so với cùng kỳ năm 2022 thì doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của PVCFC giảm khoảng 17% và 25%.
Theo đó, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ lũy kế từ đầu năm đến 30/6/2023 bao gồm: Doanh thu bán ure 4.272 tỷ đồng (giảm 35%); doanh thu bán thành phẩm NPK 701 tỷ đồng (tăng 29%); doanh thu bán hàng hóa phân bón và bao bì 970 tỷ đồng (tăng 5%, nhưng doanh thu từ nội địa giảm 16%); doanh thu dịch vụ đạt 5,4 tỷ đồng (tăng 350%); doanh thu bán phế phẩm và các sản phẩm khác đạt 337 tỷ đồng (giảm 9%).
Dù doanh thu về bán hàng sụt giảm, nhưng giá vốn hàng bán và chi phí bán hàng lại bị “đội” lên rất cao so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn hàng bán trong quý 2/2023 ở mức 2.920 tỷ đồng, tăng thêm gần 200 tỷ đồng so với quý 2/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 giá vốn hàng bán của PVCFC là gần 5.087 tỷ đồng, tăng thêm 5% so với cùng kỳ.
Về chi phí bán hàng, lũy kế từ đầu năm của PVCFC là gần 425 tỷ đồng và trong quý 2/2023 là 148 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm 2022, chi phí bán hàng của PVCFC lũy kế từ đầu năm phát sinh thêm 126 tỷ đồng (khoảng 42%) và trong quý 2 phát sinh thêm 28 tỷ đồng (khoảng 23%). Theo lý giải tại BCTC, phần chi phí phát sinh này chủ yếu đến từ chi phí vận chuyển, bốc xếp lưu kho và chi phí quảng cáo.
Cũng theo BCTC, trong quý 2/2023 nói riêng và 6 tháng đầu năm 2023 nói chung, lợi nhuận của PVCFC đang có sự sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm 2022. Trong quý 2/2023, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PVCFC chỉ đạt gần 321 tỷ đồng, giảm 770 tỷ đồng và chỉ bằng 29% của quý 2/2022. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý 2/2023 cũng chỉ đạt 290 tỷ đồng, một con số rất khiêm tốn so với 1.020 tỷ đồng trong quý 2/2022.
Nếu lũy kế từ đầu năm, tổng lợi sau thuế thu nhập doanh nghiệp của PVCFC cũng chưa bằng một nửa so với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý 2/2022 khi chỉ đạt gần 520 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ thì có lẽ là “một trời một vực”, khi lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 PVCFC đạt lợi nhuận sau thuế là 2.538 tỷ đồng.
Từ BCTC có thể nhận thấy, việc kinh doanh trong năm 2023 của PVCFC đang gặp rất nhiều khó khăn. Khi mà, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đang sụt giảm. Để bán được hàng, PVCFC phải chi ra thêm rất nhiều chi phí khác nhau. Để rồi, lợi nhuận thu lại được cũng bị sụt giảm rất nghiêm trọng so với năm 2022.
Chính phủ yêu cầu xử lý về việc cổ phần hóa
BCTC quý 2/2023 của PVCFC thể hiện, tính đến ngày 30/6/2023 doanh nghiệp này có tổng nguồn vốn là 15.599 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả là 4.520 tỷ đồng và vốn của chủ sở hữu là 11.079 tỷ đồng với 3.336 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Đáng chú ý, tại phần nợ phải trả của PVCFC có khoản nợ thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước là gần 40 tỷ đồng. Phần nợ thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước này chủ yếu đến từ thuế thu nhập cá nhân (gần 5,3 tỷ đồng) và thuế thu nhập doanh nghiệp (hơn 33 tỷ đồng). Cùng với đó, PVCFC cũng có một số khoản nợ ngắn hạn khác như: Phải trả người lao động hơn 95 tỷ đồng, phải trả cho người bán gần 864 tỷ đồng, dự phòng phải trả ngắn hạn hơn 1.293 tỷ đồng...
Trước đó, ngày 07/7/2023, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc thực hiện tái cơ cấu, trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2017. Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ cũng đã nêu rõ hàng loạt sai phạm của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương và việc tái cơ cấu trong giai đoạn này chậm, xác định giá trị chưa chính xác dẫn tới hàng nghìn tỉ đồng chưa tính đủ.
Trong số các doanh nghiệp mà Thanh tra Chính phủ “điểm tên” trong đợt này có tên của PVCFC thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Theo đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau sai công thức, dẫn tới giá trị thực tế phần vốn nhà nước để cổ phần hóa doanh nghiệp này thiếu hơn 261 tỉ đồng, cùng với khoản lãi chênh lệch tỉ giá 79,8 tỉ đồng chưa được xử lý.
Từ kết luận thanh tra này của Thanh tra Chính phủ, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương. Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện với nội dung kết luận, kiến nghị tại kết luận thanh tra ngày 07/7/2023 về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương bảo đảm chính xác, khách quan, đúng pháp luật, không để thất thoát tài sản nhà nước.
Về kiến nghị chuyển thông tin một số vụ việc vi phạm sang cơ quan điều tra, Thanh tra Chính phủ cần thực hiện theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chậm ban hành kết luận thanh tra.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, PVN và các cơ quan, địa phương liên quan thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại kết luận thanh tra. Các cơ quan này phải xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo quy định và xử lý triệt để các sai phạm về kinh tế, đất đai, bảo đảm không để thất thoát tài sản Nhà nước.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo trong quá trình thực hiện nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Báo cáo kết quả thực hiện gửi Thanh tra Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng giao Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra theo quy định và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
Như vậy, có thể thấy, năm 2023 có lẽ là một năm đầy biến động tại Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau. Ngoài việc hoạt động kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, thì doanh nghiệp này lại tiếp tục gặp phải “thách thức” khi Chính phủ yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm các sai sót trong quá trình cổ phần hóa.
Anh Đức