Năm 2021 đánh dấu 100 năm kể từ khi con người tìm ra insulin, loại thuốc giúp thay đổi cục diện trong cuộc chiến chống lại bệnh đái tháo đường. Thế nhưng căn bệnh này vẫn đang đe dọa thế giới.
Bệnh đái tháo đường tiếp tục gia tăng đáng lo ngại
Mặc dù, nhân loại đã có một thế kỷ tiến bộ trong điều trị, giáo dục và phòng ngừa bệnh đái tháo đường, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại những vấn đề đáng quan tâm. Theo số liệu mới đây của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), cứ 10 người trưởng thành trên thế giới thì có 1 người hiện đang sống chung với bệnh đái tháo đường, tương đương với khoảng 537 triệu người bị bệnh đái tháo đường
Theo IDF, đến năm 2024, số người mắc bệnh đái tháo đường dự kiến sẽ tăng lên 1/8 số người lớn.
TS Andrew Boulton, Chủ tịch IDF, cho biết: "Khi thế giới tổ chức kỷ niệm 100 năm phát hiện ra insulin, tôi ước chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã ngăn chặn thành công làn sóng gia tăng bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bệnh đái tháo đường đang trở thành một đại dịch đáng lo ngại".
Liên đoàn đái tháo đường thế giới ước tính bệnh đái tháo đường hoặc các biến chứng của đái tháo đường cướp đi sinh mạng của gần 7 triệu người trưởng thành trên toàn thế giới vào năm 2021, tức là chiếm hơn 1/10 số ca tử vong toàn cầu do bất kỳ nguyên nhân nào.
Ước tính này còn chưa tính đến những trường hợp tử vong do COVID-19, căn bệnh đặc biệt gây nguy cơ tử vong cao cho bệnh nhân đái tháo đường. Một nghiên cứu được công bố mới đây đã cho thấy bệnh đái tháo đường type 1 hoặc type 2 làm tăng gấp 3 lần nguy cơ bị tình trạng COVID-19 trầm trọng và tử vong do COVID-19.
Các nhà khoa học cho biết: "Đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát bệnh đái tháo đường của mọi người trong hơn 1 năm qua. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự bùng phát mạnh trong 2 năm tới của bệnh đái tháo đường và các biến chứng của nó vì nhiều người đã bỏ lỡ lịch hẹn khám sàng lọc đái tháo đường do lo sợ mắc COVID-19".
Liệu COVID-19 có phải là nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường?
TS Robert Gabbay, chuyên gia thuộc Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), cho biết: "Một thống kê đáng chú ý khác, đó là có tới 40% số người chết vì COVID-19 ở Mỹ có mắc bệnh đái tháo đường. Có thể có nhiều người tiến triển thành bệnh đái tháo đường vì COVID-19. Cũng có thể xuất hiện tình trạng bệnh đái tháo đường đặc thù do COVID-19 gây ra, mặc dù hiện đang có những tranh luận về điều này".
Với những số liệu đáng lo ngại trên, các chuyên gia cho rằng COVID-19 có thể đã góp phần gây ra một vấn đề khác nghiêm trọng hơn.
Một phân tích toàn cầu được công bố vào năm 2020 cho thấy có tới 14% số người nhập viện vì tình trạng COVID-19 nặng sau đó dẫn tới mắc bệnh đái tháo đường. Một phân tích tổng quan khác được công bố vào tháng 10/2021 cũng cho thấy các trường hợp bệnh đái tháo đường type 1 hoặc type 2 mới khởi phát ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn bị mắc COVID-19.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, chưa rõ bệnh đái tháo đường mới khởi phát này có tồn tại vĩnh viễn hay không vì việc theo dõi lâu dài ở những bệnh nhân này bị hạn chế. Rất có thể COVID-19 không phải là thủ phạm, những bất thường về nồng độ đường huyết có thể được kích hoạt bởi tình trạng stress do mắc COVID-19 và các thuốc steroid được sử dụng trong điều trị COVID-19.
Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, cũng đưa ra một lý giải khác, đó là rất có thể nhiều người đã bị sẵn tình trạng tiền đái tháo đường, trạng thái rối loạn bệnh lý hiện gây ảnh hưởng tới khoảng 88 triệu người Mỹ. Ngoài ra, nhiều người cũng có thể đã mắc bệnh đái tháo đường mà chưa được chẩn đoán trước đó. Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) ước tính rằng trong số 537 triệu người trưởng thành sống chung với bệnh đái tháo đường trên khắp thế giới, gần một nửa (44,7%) vẫn chưa được chẩn đoán.
Bên cạnh đó, cũng có bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 có thể liên kết với các thụ thể ACE2 trong các tế bào đảo tụy, nơi sản sinh insulin của cơ thể. Virus tấn công tế bào đảo tụy và cản trở quá trình sản sinh insulin, và đây có thể là một cơ chế khác gây bệnh đái tháo đường.
Phát hiện sớm là chìa khóa để kiểm soát vấn đề bệnh đái tháo đường
Để đảo ngược làn sóng gia tăng số ca bệnh đái tháo đường trên thế giới thì đòi hỏi phải phát hiện sớm. Điều trị bệnh đái tháo đường type 2 trong giai đoạn tiền đái tháo đường được ưu tiên hơn, vì đó là giai đoạn trước khi cơ thể bắt đầu bị tổn thương do nồng độ đường huyết bất thường và việc thay đổi lối sống dễ thực hiện hơn.
Các nghiên cứu ở Phần Lan trước đây cũng đã cho thấy ở những người có nồng độ đường huyết tăng nhẹ, sau khi tuân thủ theo chế độ ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên thì đã giảm 54% nguy cơ tiến triển thành bệnh đái tháo đường type 2.
Hai nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc tăng cường bổ sung trái cây hoặc rau xanh vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể giúp giảm 25% nguy cơ bị bệnh đái tháo đường type 2, trong khi ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt hơn, ví dụ như bánh mì đen và bột yến mạch, có thể giúp giảm 29% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Theo các nhà khoa học, ngay cả khi nguy cơ bị bệnh đái tháo đường thuyên giảm, việc thực hiện chế độ ăn uống khoa học, luyện tập đều đặn, giảm stress và sử dụng thuốc hợp lý, đồng thời khám sàng lọc định kỳ vẫn là điều cần thiết.
Theo Sức khỏe và Đời sống