Đắk Lắk: Huyện Ea H’leo tìm giải pháp để phát triển bền vững cây cà phê

STNN – Tại buổi Hội thảo “Phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Ea H’leo” do UBND huyện Ea H’leo tổ chức, các chuyên gia đã trình bày các bài tham luận rất hữu ích giúp địa phương này có thêm những giải pháp hướng đến mục tiêu pháp triển bền vững cây cà phê.

Chung tay để phát triển bền vững cây cà phê

Sáng 09/5/2025, tại Hội trường Công an huyện Ea H’leo (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk), UBND huyện Ea H’leo đã chủ trì tổ chức buổi Hội thảo “Phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Ea H’leo”. Theo đó, buổi Hội thảo được UBND huyện Ea H’leo phối hợp với Báo Kinh tế & Đô thị và một số đơn vị tổ chức với mục tiêu tìm các giải pháp nhằm thúc đẩy việc phát triển bền vững cây cà phê tại địa phương này.

Bên cạnh đó, buổi hội thảo cũng là cơ hội để đánh giá toàn diện thực trạng sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê huyện Ea H’Leo; phân tích cơ hội và thách thức đối với ngành cà phê trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu phát triển xanh và bền vững; chia sẻ kinh nghiệm, mô hình sản xuất cà phê bền vững từ các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức thành công.

10-1746785967.jpg
Đoàn chủ tọa lên chủ trì, điều hành hội thảo.

Mặt khác, các chuyên gia cũng đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi để thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê Ea H’leo theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu như: thúc đẩy tái canh cà phê với giống mới năng suất, chất lượng cao, chịu hạn tốt; áp dụng rộng rãi các quy trình canh tác bền vững, hạn chế tối đa phân bón, thuốc hóa học; tăng cường đầu tư vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cà phê Ea H’leo gắn với chỉ dẫn địa lý và tiêu chuẩn quốc tế; phát triển hợp tác xã, liên kết chuỗi giữa nông dân - doanh nghiệp - ngân hàng - thị trường; mở rộng thị trường xuất khẩu trực tiếp, giảm dần phụ thuộc vào trung gian...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo Y Thắng Êban cho biết, huyện Ea H’leo là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 78.000 ha chiếm 58,75% diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích đất trồng cà phê trên 31.000 ha và đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong nhiều năm qua, cà phê đã và đang là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ nông dân.

1-1746786077.jpg
Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo Y Thắng Êban phát biểu khai mạc Hội thảo “Phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Ea H’leo”.

“Huyện Ea H’leo đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước tổ chức lại sản xuất nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động giá cả thị trường, cũng như yêu cầu ngày càng cao từ chuỗi cung ứng toàn cầu, việc phát triển cà phê theo hướng bền vững là yêu cầu cấp thiết. Điều này đòi hỏi sự đổi mới từ khâu canh tác, thu hoạch, chế biến, đến bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và nước” - ông Y Thắng Êban cho biết.

Cùng với đó, ông Y Thắng Êban cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của buổi Hội thảo: “Phát triển cà phê bền vững không chỉ là nhiệm vụ của riêng nông dân, doanh nghiệp, mà đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ phát triển, cơ quan truyền thông và chính người tiêu dùng. Do đó, Hội thảo hôm nay là dịp để chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức khoa học - công nghệ, và lắng nghe các ý kiến đóng góp từ chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, qua đó tìm ra giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn và định hướng cho ngành cà phê huyện Ea H’leo phát triển bền vững hơn”.

Tương tự, phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cũng cho rằng, phát triển bền vững đang là đòi hỏi cấp thiết của ngành cà phê Việt Nam nói chung và huyện Ea H’leo nói riêng, nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và cải thiện thu nhập cho nông dân.

2-1746786077.jpg
Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức phát biểu đề dẫn tại hội thảo.

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nói: “Hội thảo do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với UBND huyện Ea H’leo tổ chức hôm nay chính là nhằm mục tiêu tìm ra các giải pháp kết nối, đề xuất cơ chế chính sách với các cơ quan chức năng để nâng giá trị cây cà phê trên vùng đất Ea H’leo tươi đẹp. Với sự tham gia, chia sẻ tích cực của các diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân, hội thảo “Phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Ea H’leo” sẽ tạo ra một diễn đàn cởi mở, thực chất, đề xuất những kiến nghị, giải pháp thiết thực, khả thi, góp phần xây dựng ngành cà phê Ea H’leo phát triển bền vững, xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của vùng đất giàu truyền thống và khát vọng vươn lên”.

Nhiều giải pháp đầy triển vọng

Sau phần khai mạc, ông Bùi Đức Thiện - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk) đã có chia sẻ tổng quan về tình hình cây cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, ông Bùi Đức Thiện cho biết, để nhiệm vụ phát triển cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh nói chung, trên địa bàn huyện Ea H’Leo nói riêng tiếp tục đạt được hiệu quả thì trong thời gian tới cấp địa phương cần tiếp tục phối hợp cấp tỉnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho hộ (người nông dân), doanh nghiệp, hợp tác xã; liên minh hợp tác xã theo chuỗi giá trị; liên minh, liên kết sản xuất cà phê bền vững; chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến cà phê gắn với tiêu thụ ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong và ngoài nước.

Theo ông Bùi Đức Thiện - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk), cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế và là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của đại đa số người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, thực trạng sản xuất cà phê lâu nay chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ với gần 90% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý. Năng suất cà phê những năm gần đây đang giảm là do biến đổi khí hậu, hạn hán, sâu bệnh và một số diện tích cà phê tái canh đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản chưa cho thu hoạch và một số diện tích người dân trồng xen nhiều loại cây trồng.

11-1746786121.jpg
Ông Bùi Đức Thiện - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk) phát biểu tại hội thảo.

Để nâng cao năng suất và chất lượng cà phê trên địa bàn, trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển bền vững ngành hàng cà phê. Trong đó, nổi bật là triển khai Chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025 với tổng diện tích 24.441,78 ha, bình quân hằng năm sẽ tái canh khoảng 4.800 ha.

Đồng hành cùng với Chương trình tái canh cà phê của tỉnh, thông qua Chương trình Hợp tác Công tư (PPP), Sở Nông nghiệp và Môi trường và Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức hỗ trợ cây giống cho 14 huyện, thị xã, thành phố với hình thức hỗ trợ giá 1.000 đồng/cây giống. Chỉ riêng năm 2024, tổng cây giống hỗ trợ khoảng 5.247.260 cây giống cho 5.573 nông dân để trồng tái canh. 

Để phục vụ Chương trình tái canh vườn cà phê hiệu quả, Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu, lai tạo, tuyển chọn 9 dòng cà-phê vối, gồm: TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13. Đây là những dòng cà phê mới đạt năng suất cao từ 4,2 - 7 tấn cà-phê nhân/ha, chất lượng tốt, có cỡ hạt lớn đạt loại 1 trên 65%, kháng cao với bệnh gỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu cà phê trên thị trường thế giới.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt “Đề án cà phê bền vững tỉnh Đắk Lắk”. Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cũng luôn chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, xác nhận nhằm nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh.

7-1746786077.jpg
Tiến sĩ Trương Hồng - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên trình bày "quy trình kỹ thuật chăm sóc cây cà phê theo hướng bền vững và kỹ thuật chăm sóc cây cà phê".

“Các địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm 100% diện tích tái canh được sử dụng giống tốt và áp dụng đúng quy trình tái canh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành; tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp thích ứng với Quy định không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển sản xuất cà phê đặc sản của tỉnh, nhằm khai thác thêm phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong và ngoài nước…” - ông Bùi Đức Thiện nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Trương Hồng - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên đã trình bày bài tham luận về “quy trình kỹ thuật chăm sóc cây cà phê theo hướng bền vững và kỹ thuật chăm sóc cây cà phê”. Trong đó, có các giải pháp về kỹ thuật công nghệ áp dụng trong canh tác cà phê thông minh (SCF - Smart Coffee Farming) được triển khai bước đầu thành công ở Tây Nguyên như: Sử dụng giống cà phê thông minh và đa dạng hóa sản phẩm trên vườn cà phê; Bón phân dựa vào độ phì đất và năng suất cà phê; Tưới nước theo nhu cầu của cây cà phê và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm; Áp dụng hệ thống cảm biến IoT (Internet of Things)...

“SCF không chỉ là xu hướng công nghệ mà còn là một giải pháp quan trọng giúp ngành cà phê Tây Nguyên vượt qua với những thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thị trường để đảm bảo sản xuất bền vững. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong SCF sẽ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường, và nâng cao đời sống của người nông dân. Do đó, để ngành cà phê Tây Nguyên phát triển bền vững, việc đầu tư vào SCF là một hướng đi cần được đẩy mạnh và nhân rộng trong tương lai. Đây là cuộc cách mạng xanh trong ngành cà phê” - Tiến sĩ Trương Hồng chia sẻ.

5-1746786077.jpg
Đông đảo bà con nông dân trên địa bàn huyện Ea H’Leo đến tham dự hội thảo để lắng nghe và thảo luận nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến phát triển cà phê bền vững.

Ngoài những giải pháp, chia sẻ nêu trên, trong khuôn khổ hội thảo, bà con nông dân huyện Ea H’leo đã được lắng nghe một số tham luận của các chuyên gia đầu ngành, đại diện các cấp hội nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê liên quan đến cà phê. Điển hình như: Tham luận về “Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị”; Tham luận về “Giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu”; Tham luận về “Chăm sóc cà phê theo hướng bền vững”...

Đồng thời, bà con nông dân huyện Ea H’leo cũng được cùng trao đổi, thảo luận, tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển cà phê bền vững và đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến phát triển cà phê bền vững ở huyện Ea H'leo trong giai đoạn mới...

Anh Đức