STNN - Đây là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng vùng miền của 5 địa phương gồm: TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Năng, Krông Ana, Cư M’gar, Krông Pắc được đầu tư về chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc rõ ràng, thuộc các nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược…
Trong 2 ngày (11 – 12/7), Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Đắk Lắk tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Hội đồng đã chọn được 1 sản phẩm tiềm năng để làm hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (OCOP cấp quốc gia) và 29 sản phẩm xếp hạng OCOP 3 - 4 sao.
Bộ quà tặng socola cao cấp (Hương sắc Tây Nguyên) của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) có số điểm đánh giá cao nhất (92 điểm) là sản phẩm tiềm năng 5 sao. Ba sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao gồm: (1) Trà mãng cầu Nguyễn Văn (hộ kinh doanh Nguyễn Sơn), (2) Yến sào Thành Dung (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Dung); (3) Bột ca cao 3 in 1 của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn ; 26 sản phẩm còn lại đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Sau khi đánh giá, phân hạng, sản phẩm đạt các tiêu chí sẽ được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk trình UBND tỉnh phê duyệt và cấp giấy chứng nhận. Các sản phẩm được công nhận sẽ được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in, dán trên bao bì sản phẩm theo quy định hiện hành.
Sau 5 năm triển khai, đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 138 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (19 sản phẩm đạt 4 sao, 118 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 có 200 sản phẩm OCOP; năm 2030 có 300 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận.
Khánh Huyền