Đất đen toàn cầu đứng trước nguy cơ thoái hóa nghiêm trọng

STNN – Theo “Báo cáo đất đen toàn cầu” của FAO, “kho báu” đất màu đen đang bị đe dọa. Đại đa số đất đen đã mất đi một nửa lượng carbon hữu cơ và bị xói mòn từ trung bình đến nghiêm trọng, cùng với sự mất cân bằng dinh dưỡng, axit hóa, nén chặt.

Phân bố đất đen toàn cầu – Ảnh: FAO.

Đất đen là loại đất màu mỡ nhất trên thế giới, là “rổ thức ăn của thế giới”, diện tích đất đen toàn cầu khoảng 725 triệu ha, chiếm khoảng 7% diện tích đất không có mặt băng.

Theo dữ liệu thống kê, có bốn khu vực đất đen lớn trên thế giới, ba trong số đó là các vùng đất đen: Đồng bằng Ukraine ở Ukraine, Đồng bằng Mississippi ở Mỹ, Đồng bằng Đông Bắc ở Trung Quốc; và một vùng khác là loại đất đen đỏ, nằm ở đồng cỏ Pampas của Nam Mỹ.

Mặc dù đất đen chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số đất trên thế giới, nhưng đất đen không chỉ nuôi sống những người định cư trên chúng, mà thông qua xuất khẩu lượng lương thực lớn (từ các quốc gia có đất đen) đã nuôi sống những người dân ở các vùng khác trên thế giới.

Đất đen có đặc trưng là hàm lượng thực vật bị phân hủy cao, giàu carbon và các chất dinh dưỡng chính, như: nitơ, phốt pho và kali. Đất đen đóng góp vào việc sản xuất khoảng 2/3 sản lượng hướng dương trên thế giới, 30% lúa mì và đóng vai trò quan trọng trong sản xuất hạt giống, thức ăn chăn nuôi… Đất đen còn đóng vai trò quan trọng đối với việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bản đồ phân bố đất đen toàn cầu của FAO cho thấy nỗ lực chung trong nhiều năm của các quốc gia trong Hiệp hội Đất đen Toàn cầu. Báo cáo của FAO cũng cho thấy sự phân bố của đất đen có liên quan chặt chẽ với các hệ sinh thái đồng cỏ địa phương, bao gồm nhưng không giới hạn ở các hệ sinh thái đồng cỏ khác có khí hậu lục địa.

Đất đen phổ biến nhất ở các vĩ độ trung bình của Bắc Mỹ, Á – Âu và Nam Mỹ, với một lượng nhỏ ở vùng nhiệt đới. Trên toàn cầu, khoảng 1/3 diện tích đất đen được bao phủ bởi cây trồng, 1/3 là đồng cỏ và 1/3 còn lại là rừng.

Tuy nhiên, “kho báu” này đang bị đe dọa. Cũng theo Báo cáo của FAO, do những thay đổi trong cách sử dụng đất, do việc chuyển từ đồng cỏ tự nhiên sang hệ thống cây trồng, phương thức quản lý không bền vững, sử dụng quá nhiều hóa chất nông nghiệp…, nên hầu hết đất đen đã bị mất đi một nửa lượng carbon hữu cơ và bị xói mòn từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng, mất cân bằng dinh dưỡng, axit hóa, nén chặt và mất đa dạng sinh học đất.

Báo cáo của FAO khuyến nghị thiết lập một thỏa thuận quản lý bền vững đất đen toàn cầu, để bảo vệ đất đen và đạt được việc quản lý và sử dụng bền vững.

Diệu Thúy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây