Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao: Tập đoàn VinGroup không còn mặn mà?

LTS: Ở nước ta, có khoảng 80% diện tích tự nhiên là nông thôn với 3/4 là miền núi, hệ thống sông đều chạy từ phía Tây sang phía Đông, rất đa dạng về đất đai và thổ nhưỡng, về kỹ thuật canh tác và quản lý sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nước ta có đất nông nghiệp, tài nguyên nước và tài nguyên biển dồi dào với sự đa dạng sinh học phong phú là những lợi thế tự nhiên đã được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, cả nước có khoảng hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chiếm khoảng 8%. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 92%, đồng nghĩa khó có khả năng chi phối chuỗi giá trị ngành hàng và bất cập trong kết nối cung cầu nông sản. Mặc dù, Nhà nước đã ban hành các chính sách ưu đãi về sử dụng đất, thuế cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Bằng tuyến bài viết này, TCĐT Sinh thái nông nghiệp sẽ lấy dẫn chứng cụ thể về việc đầu tư và sự nhanh chóng rút lui khỏi lĩnh vực nông nghiệp chỉ sau thời gian ngắn của Tập đoàn VinGroup; qua đó, giúp những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp và bạn đọc quan tâm có góc nhìn rõ hơn về nền nông nghiệp Việt Nam và những thuận lợi, khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.

Đầu tư quy mô lớn vào nông nghiệp

Năm 2015, Tập đoàn VinGroup - Công ty CP (Tập đoàn VinGroup) từng công bố chính thức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Để hiện thực hóa, Tập đoàn VinGroup đã thành lập Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (Công ty VinEco) vào ngày 17/4/2015 với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng (Tập đoàn VinGroup góp 70% vốn) để triển khai các hoạt động nông nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước.

Bên cạnh đó, Tập đoàn VinGroup cũng cho ra mắt thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp là VinEco với sứ mệnh cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe của người dân Việt và các thế hệ tương lai, tiến tới việc đưa một số nông sản thế mạnh Việt Nam ra thế giới.

VinEco là thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp từng được Tập đoàn VinGroup cho ra mắt vào đầu năm 2015.

Theo công bố, để đảm bảo chất lượng, VinEco quy hoạch các vùng sản xuất theo mô hình tập trung và khép kín. Tất cả các khâu từ nghiên cứu, công nghệ giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch đến chế biến, vận chuyển… đều được thực hiện theo quy trình khoa học, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về chất lượng và an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời, VinEco sẽ làm việc với các đối tác từ các nền nông nghiệp nổi tiếng thế giới như Israel, Nhật Bản, Hà Lan… để nhận tư vấn và chuyển nhượng công nghệ, kỹ thuật, giống và thiết bị nông nghiệp. Tại các địa phương triển khai dự án nông nghiệp, VinEco sẽ tuyển dụng và đào tạo lao động địa phương để phát triển một đội ngũ công nhân nông nghiệp chuyên môn cao và có khả năng ứng dụng các công nghệ trồng trọt tiên tiến nhất.

Đến ngày 01/6/2015, Tập đoàn VinGroup tiếp tục hoàn tất thủ tục để góp vốn vào Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco - Tam Đảo (Công ty VinEco Tam Đảo). Cụ thể, theo Quyết định số 1431/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc chuyển đổi Công ty TNHH MTV Nông Công nghiệp Tam Đảo thành Công ty VinEco Tam Đảo, VinGroup đã thông qua Công ty VinEco để sở hữu 89,02% vốn của doanh nghiệp này (tỷ lệ lợi ích chỉ 62,32%) với số vốn góp cam kết là 267 tỷ đồng trên tổng số 300 tỷ đồng vốn điều lệ nhằm phát triển lĩnh vực trồng trọt áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến để cung cấp rau sạch cho thị trường.

Cũng trong năm 2015, thông qua Công ty VinEco, Tập đoàn VinGroup tiếp tục “rót vốn” để sở hữu 77,5% vốn điều lệ và gián tiếp nắm quyền kiểm soát Công ty TNHH Nông nghiệp Đồng Nai - VinEco (Công ty VinEco Đồng Nai). Tỷ lệ lợi ích của Tập đoàn VinGroup tại Công ty VinEco Đồng Nai được công bố vào thời điểm này là 54,25%.

Trong năm 2016, Tập đoàn VinGroup tiếp tục đầu tư “khủng” cho lĩnh vực nông nghiệp khi liên tiếp “thâu tóm” các doanh nghiệp có hoạt động và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp để sát nhập vào Công ty VinEco. Có thể kể đến như việc chi 21 tỷ đồng để mua 100% cổ phần của Công ty CP Nông sản Thực phẩm Hoa Hồng Vàng. Hay chi 28 tỷ đồng để mua 100% cổ phần của Công ty CP Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hoàng Lân.

Từ năm 2015 đến 2017, Tập đoàn VinGroup đã liên tiếp đầu tư “khủng” để phát triển lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài việc thực hiện chiến lược M&A nhằm sớm hiện thực hóa “giấc mơ” tạo nên “đế chế” nông nghiệp mang thương hiệu VinEco, Tập đoàn VinGroup cũng thông qua Công ty VinEco để hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức... nhằm triển khai các dự án Nông nghiệp công nghệ cao trải dài trên khắp cả nước.

Mặt khác, giai đoạn này Tập đoàn VinGroup đẩy mạnh chiến lược bán lẻ nhằm trực tiếp đưa các sản phẩm từ nông nghiệp mang thương hiệu VinEco đến tận tay người tiêu dùng. Theo đó, các sản phẩm này được tiêu thụ thông qua Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce (Công ty Vincommerce) và Công ty CP Vinmart+ với hệ thống bán lẻ mang thương VinMart, VinMart+...

...Nhưng “sớm nở chóng tàn”

Chỉ sau một thời gian ngắn đầu tư vào nông nghiệp, đến ngày 01/10/2015 Công ty VinEco đã chính thức ra mắt thị trường đợt hàng rau sạch đầu tiên. Thời điểm này, VinEco cũng công bố mỗi ngày sẽ cung ứng cho thị trường sản lượng trung bình hơn 30 tấn rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP với 14 chủng loại khác nhau, gồm: rau muống hạt, mướp đắng, mướp ngọt, cải củ ăn lá, rau dền đỏ, rau dền xanh, rau dền tía, rau lang ngọn, rau bí, xà lách, dưa chuột...

Tháng 12/2015, Công ty VinEco tiếp tục cho ra mắt sản phẩm gạo sạch mang thương hiệu VinEco phân phối độc quyền trên hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+. Đây là sản phẩm hợp tác với Công ty Trung An trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm sạch và đồng hành với các nhà sản xuất trong nước nhằm nâng cao vị thế nông sản Việt của Tập đoàn VinGroup.

Đến tháng 10/2017, VinEco của Tập đoàn VinGroup đã xây dựng và phát triển thành công 14 nông trường quy mô và chuyên nghiệp trên cả nước.

Chỉ khoảng hơn 2 năm sau khi thành lập, Công ty VinEco đã có những bước đi “thần tốc” trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, đến tháng 10/2017, VinEco đã xây dựng và phát triển thành công 14 nông trường quy mô và chuyên nghiệp trên cả nước. Các nông trường được quy hoạch thiết kế một cách khoa học gồm: khu sản suất đồng ruộng, khu nhà kính, khu sơ chế, đóng gói tự động, khu bảo quản. Tổng diện tích sản xuất của VinEco lên đến gần 3.000 ha, trong đó đã đưa vào canh tác gần 1.000 ha trên toàn hệ thống.

Bên cạnh việc mở rộng về quy mô sản xuất, các nông trường VinEco còn tiên phong trong việc đưa công nghệ nông nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới vào Việt Nam. Điển hình là công nghệ trồng trọt của Kubota (Nhật Bản), công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa của Netafim (Israel), công nghệ sản xuất trong nhà màng của TAP, trồng cây thủy canh bằng kỹ thuật màng mỏng dinh dưỡng NFT, công nghệ trồng cây rau mầm Microgreen...

Thời điểm này, trao đổi với báo chí, một đại diện của Công ty VinEco cho biết, VinEco sẽ tiếp tục sứ mệnh đồng hành cùng nền nông nghiệp Việt xanh – sạch – bền vững trong tương lai. Chúng tôi đang nghiên cứu và thử nghiệm các quy trình, công nghệ canh tác tiên tiến nhằm không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng và sản lượng các sản phẩm hiện có. Thời gian tới, chúng tôi sẽ bổ sung thêm nhóm sản phẩm hữu cơ được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Nhìn vào những thành tựu đã đạt được, có thể thấy Tập đoàn VinGroup đã rất “tâm huyết” để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, người dân Việt cũng rất vui mừng, tin tưởng vào sứ mệnh cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe và tiến tới việc đưa một số nông sản thế mạnh Việt Nam ra thế giới của VinGroup. Bằng chứng là những giải thưởng như: Hàng Việt Nam Chất lượng cao; Sản phẩm uy tín, chất lượng, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng... mà Công ty VinEco của VinGroup giành được trong giai đoạn này.

Vậy nhưng, Tập đoàn VinGroup lại bán dần mảng nông nghiệp cho một doanh nghiệp lớn chuyên về lĩnh vực thực phẩm vào cuối năm 2019. Để rồi đến nay, trong hệ sinh thái của Tập đoàn VinGroup đã gần như vắng bóng các công ty con về lĩnh vực nông nghiệp.

Đến nay, hệ sinh thái của Tập đoàn VinGroup đã gần như vắng bóng các công ty con về lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất năm 2019 của Tập đoàn VinGroup, ngày 31/12/2019, VinGroup đã chuyển nhượng gần 414 triệu cổ phần (64,3% tỷ lệ sở hữu) tại Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (Công ty VCM). Tại ngày chuyển nhượng, Công ty VCM đang kiểm soát trực tiếp và gián tiếp các công ty con gồm: Công ty Vincommerce, Công ty VinEco, Công ty VinEco Tam Đảo, Công ty VinEco Đồng Nai.

“Theo đó từ ngày 31/12/2019, Công ty VCM và các công ty con nêu trên không còn là các công ty con của Tập đoàn” - BCTC hợp nhất năm 2019 của Tập đoàn VinGroup nêu rõ.

Vậy thì, nguyên nhân nào khiến Tập đoàn VinGroup đột ngột rút khỏi mảng nông nghiệp như vậy? Chúng tôi sẽ thông tin đến độc giả về góc nhìn và các phân tích chuyên sâu của các chuyên gia, các nhà khoa học về vấn đề này ở những bài viết tiếp theo.

Anh Đức