Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh chia sẻ thông tin, đáp ứng với các quy định về an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có mặt hàng nông sản tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, châu Âu. Việc này giúp doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường.
Nhiều nông sản có tiềm năng xuất khẩu
Theo bà Trịnh Thị Nguyệt, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo đảm chất lượng, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là mặt hàng rất có tiềm năng để có thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Những năm trước, nhãn chín muộn của Hà Nội đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia... Theo bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Hà Nội có sản phẩm nhãn chín muộn có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Hiện công ty đã tổ chức xúc tiến cho mặt hàng nhãn chín muộn xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Đánh giá về tiềm năng hàng nông sản, thực phẩm của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đến nay, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung nhằm tạo nguồn nguyên liệu có sản lượng lớn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 6 vùng chè, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 48 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm, 54 vùng chăn nuôi bò trọng điểm, 60 vùng chăn nuôi gia cầm tập trung, 48 khu chăn nuôi tập trung và 3.800 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Nhiều chuỗi có tiềm năng xuất khẩu như: Chuỗi gạo Bảo Minh, nấm Kinoko Thanh Cao, thịt lợn Hoàng Long… Đến nay, một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội, có chất lượng cao được xuất khẩu đi các nước như: Nhãn muộn Đại Thành - Quốc Oai, gạo hữu cơ Đồng Phú - Chương Mỹ...
“Hà Nội đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và 4 cơ sở đóng gói với công suất từ 30 đến 50 tấn/ngày/cơ sở phục vụ xuất khẩu, trong đó, 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 8 mã số cấp cho vùng trồng nhãn. Thời gian tới, thành phố tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như: Hơn 7.000ha lúa Japonica; 3.200ha chuối tiêu hồng; hơn 5.000ha rau an toàn; 50ha rau hữu cơ và nhiều sản phẩm chế biến có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường châu Âu”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Chủ động nắm bắt thông tin
Theo bà Vũ Thị Hải Yến - Văn phòng SPS Việt Nam, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc, thời gian tới, các địa phương cần chuẩn bị tốt điều kiện về vùng, nuôi trồng theo hướng an toàn. Các doanh nghiệp chế biến, đóng gói xuất khẩu chuẩn bị cho việc kiểm tra đánh giá trong việc mở cửa thị trường hoặc thanh tra của đối tác...
Các doanh nghiệp kiến nghị các bộ, ngành, Sở NN&PTNT Hà Nội cần phổ biến tuyên truyền những quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc, châu Âu nhằm giúp doanh nghiệp chủ động trong quá trình sản xuất, xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này... Với các quy định mới, các đơn vị cần kịp thời cung cấp tài liệu, kèm hình ảnh minh họa quy định để hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam cho rằng, việc thị trường này ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là xu thế chung của thế giới, nên vấn đề là làm thế nào để thích ứng và hài hòa các quy định giữa hai bên nhằm đẩy mạnh giao thương nông sản. Việc thành lập trung tâm chuyên trách thông tin về những quy định của các thị trường lớn là cần thiết và cần làm sớm để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, để tránh tình trạng doanh nghiệp vi phạm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trong kiểm dịch, các doanh nghiệp cần hiểu rõ về thị trường xuất khẩu để tổ chức sản xuất, thu gom bảo đảm yêu cầu an toàn thực phẩm cho hàng hóa. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm. Hà Nội tiếp tục hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn quy mô lớn, xây dựng thương hiệu, mã QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa cho hay, Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN&PTNT Hà Nội và các tỉnh, thành phố tiếp tục đồng hành, thông tin về thị trường, quy định về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Trung Quốc, châu Âu nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh, thành phố nắm bắt thông tin, quy định, kịp thời thay đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của các nước; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bền vững, cùng thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép": Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Theo Báo Hà Nội mới