Đẩy mạnh kinh tế xanh: Bài học từ các quốc gia láng giềng và các nước đang phát triển

Kinh tế xanh (KTX), tăng trưởng xanh (TTX) được đánh giá là hướng đi cần thiết của các nước đang phát triển nhằm thực hiện đồng thời ba mục tiêu: sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu tác động vào môi trường và cải thiện đời sống xã hội. Trung Quốc và các nước đang phát triển ở châu Á (ví dụ như Ấn Độ), châu Phi (ví dụ như Uganda, Kenya) đã thực thi nhiều chiến lược, chính sách để đẩy mạnh kinh tế xanh.
Gánh nặng của nước đang phát triển
Suy thoái môi trường là mặt trái tăng trưởng của các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển. Tác động của suy thoái môi trường tới kinh tế xã hội cũng thể hiện rõ nhất ở các nước đang phát triển. So với các nước phát triển, các quốc gia đang phát triển phụ thuộc nhiều hơn vào khai thác tài nguyên, thiên nhiên để tăng trưởng kinh tế, đồng thời dễ bị tổn thương hơn bởi biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy, rất nhiều quốc gia đang phát triển đối mặt với các hiểm hoạ nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và hệ sinh thái do mất an ninh năng lượng, lương thực và nước – hệ quả của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các quốc gia này còn đối mặt với hiểm họa chết yểu vì ô nhiễm nước và dịch bệnh bùng phát do biến đổi khí hậu.
Phát thải khí nhà kính của nhóm nước đang phát triển cũng là mối lo ngại lớn đối với tương lai nhân loại. Mặc dù hiện tại các nước đang phát triển không phát thải bằng các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi, nhưng mức phát thải sẽ tăng mạnh cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo của OECD, lượng khí thải của nhóm nước đang phát triển sẽ tăng dần từ nay đến năm 2050. Trước sự gia tăng của các thách thức về kinh tế và môi trường, kinh tế xanh – nền kinh tế ít khí thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng đến cải thiện đời sống con người – là giải pháp hiệu quả để giảm nghèo và phát triển bền vững ở các nước đang phát triển. Kinh tế xanh được xem là mục tiêu toàn cầu kể từ khi Thỏa thuận khí hậu Paris được đưa ra đàm phán từ năm 2011. Mục tiêu này có đạt được hay không phụ thuộc phần lớn vào các nước đang phát triển bởi nhóm nước này giữ vai trò chủ đạo trong kế hoạch giảm thải cũng như sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Góc tiếp cận đầy đủ hơn về KTX
Tăng trưởng xanh là vấn đề trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế cũng như chính sách phát triển bền vững. Đây chính là chìa khoá để cùng lúc thực hiện hai mục tiêu: tiếp tục phát triển kinh tế để giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân ở các quốc gia đang phát triển; và cải thiện công tác quản lý môi trường để giải quyết tình trạng khan hiếm tài nguyên và biến đổi khí hậu. Khi tăng trưởng xanh lần đầu được thúc đẩy bằng gói kích thích kinh tế 2008-2009, một số quốc gia tiếp cận từ góc độ thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn với chiến lược đầu tư vào một số công nghệ xanh (ít khí thải carbon) để tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số quốc gia khác tiếp cận từ góc độ môi trường, coi tăng trưởng xanh là giải pháp bảo vệ môi trường thông qua việc lồng ghép các yêu cầu phát triển bền vững vào các quyết định phát triển kinh tế, đặc biệt thông qua việc định giá tài nguyên và quy hoạch sử dụng đất, cơ sở hạ tầng.
Gần đây, một góc tiếp cận mới về tăng trưởng xanh được nhiều quốc gia đang phát triển ủng hộ. Theo đó, mục tiêu công bằng và cải thiện đời sống xã hội được bổ sung, bên cạnh mục tiêu giảm khí thải và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Như vậy kinh tế xanh là sự kết hợp của ba thành tố: kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, các hoạt động kinh tế phải cân bằng ba mục tiêu: tạo ra lợi nhuận, thân thiện với môi trường và hướng đến phát triển cuộc sống cộng đồng. Chiến lược phát triển kinh tế xanh của các nước đang phát triển thường tập trung vào 3 vấn đề lớn: phát triển nguồn năng lượng thay thế năng lượng hoá thạch; giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; tạo sinh kế và cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là cư dân khu vực nông thôn.

Bài học thành công từ các nước đang phát triển
Ấn Độ
Nhận thấy lợi ích của nền kinh tế xanh, rất nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới hướng đến nền kinh tế ít khí thải carbon này và đã đạt được thành tựu nhất định. Ấn Độ bắt đầu thực thi các hành động hướng đến nền kinh tế xanh từ hơn một thập niên trước. Năm 2005, Ấn Độ ban hành Đạo luật bảo đảo việc làm cho khu vực nông thôn (NREGA) với mục tiêu đảm bảo sinh kế cho cư dân nông thôn. Là một trong những nền nông nghiệp lớn nhất thế giới, Ấn Độ đối mặt với tình trạng thiếu nước do sự gia tăng nhu cầu về nước nông nghiệp và nước sạch với dự báo thiếu hụt lên tới 50% vào năm 2030. NREGA tìm kiếm giải pháp và đào tạo cho người dân cách sử dụng nước tưới tiêu hiệu quả, cải thiện tình trạng thiếu nước. Đạo luật này đóng góp rất lớn vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng sinh thái khu vực nông thôn – khu vực kém phát triển và chịu nhiều ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường. NREGA đã trực tiếp cải thiện đời sống của người nghèo, thúc đẩy tăng trưởng hài hòa và cân bằng sinh thái.
Uganda
Là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất của nhóm các nước đang phát triển, Uganda cũng đã thực thi nhiều hành động quan trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh. Thành công nổi bật của quốc gia nằm ở phía đông châu Phi với 85% dân số làm nông nghiệp này là nông nghiệp hữu cơ. Theo số liệu của UNDP, năm 2003, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của Uganda đã đứng số 1 châu Phi và thứ 13 thế giới. Hiện Uganda có số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Nông nghiệp hữu cơ không chỉ thúc đẩy sản lượng xuất khẩu của Uganda mà còn đóng góp lớn vào công cuộc chống biến đổi khí hậu khi lượng khí thải nhà kính từ 1 ha nông nghiệp hữu cơ thấp hơn 64% so với nông nghiệp truyền thống. Nghiên cứu của UNDP chỉ ra rằng, nông nghiệp hữu cơ giảm từ 3-8 tấn khí thải carbon trên mỗi ha so với nông nghiệp truyền thống.
Để hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ, từ năm 2004, Uganda đã ban hành Bộ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Đến năm 2009, chính phủ Uganda bắt đầu soạn thảo Chính sách nông nghiệp hữu cơ với tầm nhìn nền nông nghiệp này sẽ là chìa khoá để cải thiện đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu giảm nghèo quốc gia. Chính sách này đi vào thực thi và đạt hiệu quả tích cực nhờ tập trung vào 7 vấn đề: coi việc phát triển nông nghiệp hữu cơ như một phần tất yếu của ngành nông nghiệp; quản lý chặt chẽ chứng chỉ hữu cơ; tăng cường nghiên cứu để ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ tại địa phương trong nước và quốc tế; tổ chức giáo dục đào tạo kiến thức và kỹ năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nông dân; cải thiện công nghệ xử lý sau thu hoạch, bảo quản và lưu trữ; sử dụng nguồn tài nguyên theo hướng bền vững; và sự tham gia tích cực của các nhóm lợi ích đặc biệt như phụ nữ, thanh niên, người nghèo và người dễ bị tổn thương.
Kenya
Một quốc gia đang phát triển khác ở châu Phi cũng đạt được thành công bước đầu trong tiến trình phát triển kinh tế xanh là Kenya. Quốc gia giáp với Uganda về phía tây này đối mặt với nhiều vấn đề về năng lượng. Năng lượng sinh khối truyền thống (năng lượng từ các vật chất có nguồn gốc sinh học như cây cối, cây trồng nông nghiệp, chất thải từ quá trình sản xuất thức ăn nước uống, nước cống, phân bón) là nguồn năng lượng chính được sử dụng trong các hộ gia đình ở Kenya. Các ngành kinh tế thì phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu xăng dầu. Sự bất ổn trong việc sử dụng các dạng năng lượng sinh khối và biến động giá xăng dầu nhập khẩu là hai vấn đề lớn về năng lượng của Kenya. Để giải quyết vấn đề này, năm 2008, Kenya ban hành chính sách Feed-in Tariff (FiT). FiT là biểu giá điện hỗ trợ, một chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, khí sinh học, thuỷ điện nhỏ và năng lượng từ xử lý rác thải đô thị. FiT cho phép các nhà sản xuất năng lượng tái tạo bán điện cho người mua với mức giá được xác định trước trong một khoảng thời gian xác định. Nhờ FiT, Kenya đã kéo được các nhà đầu tư chung tay phát triển năng lượng tái tạo, đời sống nhân dân được cải thiện, nguồn cung năng lượng cho các hoạt động kinh tế ổn định hơn. FiT của Kenya được đánh giá là kiểu mẫu để các nước đang phát triển ở châu Phi tham khảo.

Tài liệu tham khảo:
CarbonBrief. (2017). Solar, wind and nuclear have ‘amazingly low’ carbon footprints, study finds.
CSIS. (2017). The East Is Green: China’s Global Leadership in Renewable Energy
Guo et al. (2020). The impacts of reducing renewable rnergy subsidies on China’s energy transition by using a hybrid dynamic computable general equilibrium model, Enery Research.
M Meyer-Renschhausen. (2012). Evaluation of feed-in tariff-schemes in African countries, Journal of Energy in Southern Africa, 24(1).
IRENA. (2019). A new world: the geopolitics of the energy transformation.
OECD. (2012). Green growth and developing countries: a summary for policy makers.
OECD. (2018). China’s progess towards green growth: an international persective.
OECD. (2020). Green growth in action: China.
UNDP. (2012). Green economy: developing countries success stories.
World Economic Forum. (2018). Here’s how China is going green.

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội Quốc Gia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây