STNN – Tỉnh Đồng Tháp đang ghi nhận ý kiến góp ý để hoàn thiện dự án phát triển các điểm du lịch về sen và các sản phẩm từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười trở thành sản phẩm đặc trưng tham gia chương trình OCOP.
- Đồng Nai: Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ
- An Giang: Nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm
- TP.HCM: Hàng loạt cơ sở khám chữa bệnh bị xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động
Ngày 13/6/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức buổi làm việc để ghi nhận các ý kiến góp ý cho dự án Mô hình điểm phát triển sản phẩm OCOP từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười. Theo đó, buổi làm việc có sự góp mặt đồng chí Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương, Hội ngành hàng sen, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ sen.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện yêu cầu trong dự án cần đề ra những mục tiêu cụ thể, trong đó có số lượng các sản phẩm từ sen đạt OCOP 5 sao, đa dạng các sản phẩm, tránh trùng lặp. Định hướng phát triển du lịch gắn với vùng nguyên liệu cần lựa chọn địa điểm phù hợp để xây dựng chương trình du lịch gắn với việc mua sắm các sản phẩm từ sen nhằm tăng trải nghiệm, chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.
Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm từ sen quan tâm đến vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu sạch, có truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn trong chế biến sản phẩm từ sen. Đồng thời, một số đại diện đã đề nghị tỉnh xúc tiến thêm về đầu ra cho sản phẩm cũng như hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp...
Với thế mạnh là vùng đất “sen hồng”, dự án Mô hình điểm phát triển sản phẩm OCOP từ sen là một trong những dự án về nông nghiệp trọng điểm đang được UBND tỉnh Đồng Tháp nỗ lực để sớm hoàn thiện. Dự án nhằm phát triển các điểm du lịch về sen và phát triển các sản phẩm từ sen trở thành sản phẩm đặc trưng tham gia chương trình OCOP.
Trong đó, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tại huyện Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm giai đoạn 2023 – 2025, phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích trồng sen trên địa bàn huyện (02 vụ) đạt 1.000ha; hỗ trợ các sản phẩm từ sen trở thành ngành hàng chủ lực được tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc; duy trì và nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình OCOP, có ít nhất 25 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP, trong đó 05 sản phẩm đề xuất cấp quốc gia, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với sen đạt chuẩn OCOP.
Liên quan đến các sản phẩm OCOP, theo thống kê, tính luỹ kế đến ngày 17/5/2023, toàn tỉnh Đồng Tháp có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 03 sao và 04 sao. Trong đó, có 275 sản phẩm đạt 03 sao và 82 sản phẩm đạt 04 sao. Mặt khác, ngày 05/6/2023 UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã có văn bản số 654/UBND-KT chỉ đạo các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở Công thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, quản lý cho các chủ thể OCOP phát triển sản phẩm (thiết kế mẫu mã, bao bì, nhãn mác, quảng bá, tiếp thị,...); triển khai, hướng dẫn chính sách hỗ trợ để các sản phẩm OCOP có điều kiện thâm nhập vào các hệ thống siêu thị và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đủ điều kiện phát triển lên doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); kịp thời thông tin các cơ chế, chính sách hỗ trợ, lồng ghép của Trung ương và địa phương để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình sản phẩm OCOP.
Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu, trình UBND tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá để địa phương thống nhất thực hiện.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố tuyên truyền nhận thức của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm OCOP vừa đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe và vừa đóng góp sự phát triển bền vững của khu vực nông thôn. Phối hợp với các Sở, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ có liên quan.
Quang Minh