Trong cái thanh âm hỗn độn giữa tiếng người, xe, tiếng ồn ào của công trình đang xây dựng, bỗng có tiếng “Bíp be... bíp… Bíp be... bíp…” len lỏi, vọng đi vọng lại, nghe thanh âm quen thuộc ấy sao giống tiếng còi “bíp be” của người đi bán “kem đổi” của tuổi thơ tôi đến thế, tôi cố lắng lại xem có sự nhầm lẫn nào giữa cái thành phố náo nhiệt này, vẫn còn có âm thanh ấy thật sao? Tiếng “Bíp be... bíp… Bíp be... bíp…” làm tôi vội nghĩ, liệu ngoài kia vẫn còn có người đi bán “kem dạo” thật ư? Và họ bán cho ai? Bao nhiêu lâu rồi ta không bắt gặp hình ảnh như thế? Hay âm thanh đó lạc từ trong ký ức khiến tôi mơ hồ. Tôi chưa kịp kiểm chứng để trả lời cho suy nghĩ của mình, chỉ có tiếng “bíp be” bình dị ấy là sức hút kỳ lạ, thoáng qua thôi khiến tôi lắng lại, trôi ngược về tuổi thơ của gần ba mươi năm về trước, in hằn trong ký ức đám trẻ quê chúng tôi, hình ảnh người đi xe đạp với cái thùng bằng gỗ, tay cầm cái kèn được gắn vào đầu chai nhựa bóp kêu “bíp be, bíp be” kèm những tiếng rao “ai đổi kem đê” thật gần gũi, thân thuộc, lưu lại trong tôi nhiều hoài niệm...
Ngày ấy, trẻ con chúng tôi làm gì có quỹ, có tiền để tích vào lợn nhựa, bố mẹ cũng chẳng có tiền cho ăn quà sáng, ngoài việc hóng bà, mẹ đi chợ về mua cho tấm bánh làm quà thì hào hứng, phấn khởi; hôm nào không có thì buồn thiu, không nói chẳng rằng, nhờ việc gì cũng chả xong; nhưng không vì thế mà chúng chịu chấp nhận, chúng bảo nhau nhặt nhạnh nào thì dép nhựa đứt, vỏ chai, lông ngan, lông vịt, nhôm, đồng, sắt, giấy vụn, đồ dùng trong gia đình không sử dụng được nữa để gom lại, khi có người đổi kem đi qua là chúng mang ra đổi lấy kem, lấy kẹo kéo để ăn; lấy sợi vòng nịt, lấy viên bi thủy tinh lấp lánh sắc màu để chơi.
Hình ảnh chiếc “dép nhựa đứt” với vài vết hàn đâu đó bất chợt lại thấy trên facebook mang theo dòng trạng thái “có ai còn nhớ không?”. Với đám trẻ quê chúng tôi thì không có gì xa lạ, “tại sao phải hàn và hàn như thế nào?” là câu hỏi mơ hồ với trẻ thành phố nhưng lại thân thuộc với đám trẻ quê chúng tôi, bởi trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chiếc dép dù đứt rồi vẫn tận dụng hàn chỗ bị đứt lại để đi tiếp; ngày nhỏ, tôi hay xem người lớn hàn dép, lấy miếng nhựa của chiếc dép cùng màu không còn sử dụng được nữa, cắt lấy miếng nhựa nhỏ gọn, xinh xắn; lấy cái liềm gặt lúa cho vào bếp than củi, hơ nóng cái mũi liềm; đặt miếng nhựa vừa cắt vào chỗ đứt rồi dùng mũi liềm vừa hơ đỏ rực đặt vào vết đứt cho nhựa chảy ra và dính hai lớp nhựa lại với nhau. Tôi xem người lớn hàn nhiều lần rồi cũng tự tay hàn chính đôi dép của mình, dù mối hàn còn nguệch ngoạc. Cái nguệch ngoạc, vụng về đó đã cho chúng tôi được học, được trải nghiệm từ thứ bé nhỏ, vụn vặt; đôi dép hàn đi lên chân dù xấu, dù có đau chân nhưng đã cho chúng tôi được bài học về sự tiết kiệm, hiểu được phần nào của sự khó khăn, thiếu thốn và ký ức đó không bao giờ phai nhòe trong tâm trí của đứa trẻ nghèo, đôi khi đâu đó lại ùa về với bao kỷ niệm.
Rồi người “bán kem đổi” đi qua đầu ngõ, tiếng “bíp be” cùng với tiếng rao quen thuộc “ai đổi kem đê” như càng gần, đám trẻ chạy vội cầm theo đống đồ vừa mới gom nhặt lại mang ra để đổi. Trên chiếc xe đạp, phía đằng sau gác ba ga, người bán kem chở một chiếc thùng kem bằng gỗ, bên trong thùng là lớp xốp được bọc một lớp nilon và chất đầy kem là kem. Khi người bán mở nắp thùng kem, hơi lạnh bay lên; có đứa tinh nghịch cố vươn một tay bóp cái kèn nhựa kêu “bíp be, bíp be” trong cái sự thỏa thích, còn bàn tay nhỏ nhắn, thoăn thoắt kia đón lấy que kem từ người bán; vừa đi chúng vừa cắn miếng kem mát lạnh, cảm nhận cái lạnh buốt của đá, vị ngòn ngọt của đường và vị thơm man mát của vani. Có khi mấy đứa cùng ăn chung một que kem mà chẳng thấy ngại ngùng, đứa này cắn một miếng, đứa kia cắn một miếng, chỉ trong chốc lát là hết que kem trong sự thòm thèm, ước gì có thêm mấy que nữa để ăn tiếp.
Người đi đổi kem cũng có cả “kẹo kéo”; hôm nào không thích đổi kem thì đổi kẹo kéo, với tiếng rao “kẹo kéo càng kéo càng dài, càng nhai càng ngọt”. Tôi vẫn nhớ cái bọc kẹo kéo trong túi nilon được quấn một cái khăn bên ngoài. Khi đổi cho đám trẻ chúng tôi, một tay người đổi cầm nắm kẹo kéo, tay kia cầm cái khăn vừa vuốt vừa kéo sợi kẹo dài ra rồi ngắt thành từng đoạn đổi cho chúng tôi; cái vị thơm dẻo đặc trưng của kẹo, cái dư vị ngọt ngào ấy gắn liền với ký ức tuổi thơ tôi.
Ký ức tuổi thơ như bức tranh đầy sắc màu, có khoảng màu sáng tối cứ phai dần theo thời gian, đâu đó trong khoảng lặng của cuộc sống khiến tôi chìm vào hoài niệm. Để rồi giữa tiếng còi xe vội vã, cái tiếng “bíp be, bíp be” ấy đã cho tôi về với dư vị của tuổi thơ, được thấy mình thật may mắn, hạnh phúc vì có một tuổi thơ thật đẹp đẽ, êm đềm bên gia đình, làng xóm thân yêu.