Sáng ngày 12/04/2025, hội thảo “Y học cổ truyền và Bảo tồn động vật hoang dã - hướng đi từ dược liệu thay thế” đã được tổ chức tại QTSC Building 1 (Công viên phần mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM. Đây là chương trình được Mạng lưới bảo vệ động vật hoang dã trong y học cổ truyền phối hợp cùng Viện Y Dược Việt, với sự hỗ trợ của Công ty Không vì lợi nhuận Choice tổ chức với mục tiêu tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp thay thế bền vững trong y học cổ truyền mà không gây tổn hại đến động vật hoang dã và hệ sinh thái.
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y học cổ truyền, đại diện cơ quan ban ngành và các công ty uy tín: PGS. TS. Nguyễn Phương Dung - Viện trưởng Viện Y Dược Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đông y TP.HCM; TS. BS. Đoàn Văn Minh - Trưởng Khoa YHCT Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế); ThS. KS. Lê Ngọc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thành phố Huế; TTƯT Đặng Thị Phương Thảo - BS CK1 BV Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, Phó Viện trưởng Viện Y Dược Việt; BS CK1 Trần Ngô Đông - Thành viên hội đồng chuyên môn Y Dược Bách Phương, thành viên Hội đồng khoa học Viện Y Dược Việt; DS CK1 Bùi Đắc Thắng - Giám đốc Công ty cổ phần Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười...

Theo đó, từ lâu nay, các thành phần có nguồn gốc từ động vật hoang dã đã được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiều bệnh lý trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm này ngày càng tăng, điều này đang đẩy nhiều loài động vật hoang dã đến nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, việc săn bắt và khai thác động vật hoang dã không kiểm soát có thể dẫn đến sự lây lan của các dịch bệnh từ động vật sang người, tạo ra mối nguy hiểm to lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
Theo các số liệu được bông bố, tình trạng tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã hay được sử dụng trong y học cổ truyền đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Cụ thể, đã có hơn 1 triệu cá thể tê tê bị giết hại trong giai đoạn năm 2000 - 2014 (TRAFFIC). Tất cả 8 loài tê tê trên thế giới hiện nay đều đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng (IUCN). Tại châu Á, số lượng tê tê đã giảm hơn 80% trong 20 năm qua do bị săn bắt để lấy vảy và thịt (IUCN).
Cũng theo thống kê, diện tích phân bố của loài hổ đã bị thu hẹp đến 93% chỉ trong 1 thế kỷ (IUCN). Theo ước tính, có khoảng 7.000 - 8.000 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt tại các cơ sở trên khắp châu Á (TRAFFIC). Tính đến tháng 11/2021, chỉ còn khoảng 3.900 cá thể hổ hoang dã trên toàn thế giới, sụt giảm đáng kể so với 100.000 cá thể một thế kỷ trước (WWF).

Tình hình cũng không khá hơn đối với loài tê giác khi Sách Đỏ IUCN xếp 3 trong 5 loài tê giác còn lại (tê giác đen, tê giác Sumatra và tê giác Java) vào diện loài cực kỳ nguy cấp (IUCN). Từ đầu thế kỷ 20, số lượng tê giác hoang dã trên toàn cầu đã giảm mạnh từ 500.000 cá thể xuống còn chưa tới 28.000 con (IRF).
Ngoài ra, đang có hơn 12.000 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong các trang trại lấy mật ở châu Á (WAP, 2018). Tính đến tháng 8/2024, vẫn còn 94 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong 16 cơ sở tư nhân tại Hà Nội (ENV).
Chính vì vậy, việc tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp thay thế bền vững trong y học cổ truyền trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết. Các thảo dược và dược liệu thay thế không chỉ có giá thành thấp, dễ dàng tiếp cận và bền vững hơn mà còn mang lại các tác dụng điều trị hiệu quả, giúp bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời duy trì đa dạng sinh học và cân bằng hệ sinh thái toàn cầu.
Phát biểu tại buổi hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Phương Dung - Viện trưởng Viện Y Dược Việt cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã cao. Nguyên nhân do tâm lý sính hàng quý hiếm, tin vào công dụng chữa bệnh, thiếu nhận thức về nguy cơ pháp lý và sức khỏe; lợi nhuận cao từ việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã.
PGS. TS. Nguyễn Phương Dung chia sẻ: “Để ngăn chặn hành vi tận diệt và săn lùng các loài động vật hoang dã làm thức ăn và làm thuốc, cần tăng cường việc thực thi pháp luật; khuyến khích sử dụng các nguyên liệu thảo dược thay thế cho các sản phẩm từ động vật; giúp người dân phát triển các mô hình nông nghiệp và chăn nuôi bền vững để giảm phụ thuộc vào việc săn bắt động vật hoang dã...”.

“Dược liệu thay thế thành phần động vật hoang dã không chỉ là chìa khóa để bảo vệ sự đa dạng sinh học mà còn là một giải pháp thay thế hiệu quả trong y học cổ truyền. Bằng cách ứng dụng các thảo dược có sẵn trong tự nhiên, chúng ta có thể tiếp tục kế thừa và phát triển di sản nền y học cổ truyền một cách bền vững hơn” - PGS. TS. Nguyễn Phương Dung nhấn mạnh.
Tương tự, TTƯT Đặng Thị Phương Thảo - Bác sĩ chuyên khoa 1 BV Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, Phó Viện trưởng Viện Y Dược Việt cũng cho rằng: “Trong quá trình tất yếu thay thế động vật hoang dã bằng dược liệu, tân phương Đông y là một bước tiến quan trọng. Sự phối hợp lý luận y học cổ truyền trong cơ chế sinh bệnh và cơ chế tác động của các hoạt chất có trong dược liệu sẽ mang lại sản phẩm hoàn chỉnh tân phương Đông y từ dược liệu. Sản phẩm đạt hiệu quả điều trị, phù hợp với xu hướng phát triển an toàn, bền vững, thân thiện thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, tránh làm tổn hại đến những loài động vật quý hiếm”.
Theo chia sẻ từ TS. BS. Đoàn Văn Minh - Trưởng Khoa YHCT Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế), cùng với việc tham gia Mạng lưới bảo vệ động vật hoang dã trong y học cổ truyền, Khoa YHCT của Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) định hướng trong năm 2025 sẽ xây dựng chương trình giảng dạy y khoa liên tục, bao gồm ít nhất 4 chuyên đề đào tạo chuyên môn về bảo vệ động vật hoang dã trong y học cổ truyền, 12 tiết học. Bên cạnh đó, sẽ phát triển tài liệu giảng dạy và tài liệu tham khảo liên quan dành cho khóa đào tạo y khoa liên tục đối với các lương y, y sĩ và bác sĩ y học cổ truyền; cung cấp tài liệu về hướng dẫn sử dụng các loại thuốc thay thế động vật hoang dã trong điều trị bệnh.

Trong khi đó, ThS. KS. Lê Ngọc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thành phố Huế cũng nhấn mạnh: “Việc tiêu thụ động vật hoang dã trái phép không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là mối đe dọa âm thầm đối với sức khỏe cộng đồng. Các loài động vật này có thể mang theo những mầm bệnh nguy hiểm, góp phần tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh, làm tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái và đời sống của con người. Vì vậy, cần có những biện pháp mạnh mẽ để ngừng ngay hành vi này và bảo vệ sức khỏe toàn xã hội”.
Được biết, Mạng lưới bảo vệ động vật hoang dã trong y học cổ truyền được thành lập vào năm 2022 bởi những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực YHCT trên thế giới, bao gồm TS. BS. Yemeng Chen (Chủ tịch Cao đẳng Y học cổ truyền tại New York), GS. TS. Lixing Lao (Chủ tịch Đại học Y học tổng hợp Virginia) và bà Lixin Huang (cựu Chủ tịch Cao đẳng Y học cổ truyền Hoa Kỳ). Mạng lưới được hình thành với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã trong y học cổ truyền, đồng thời thúc đẩy một nền y học bền vững và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, các thành viên thuộc Mạng lưới bảo vệ động vật hoang dã trong y học cổ truyền cũng có mục tiêu chính là không sử dụng các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng trong phương thuốc chữa bệnh của y học cổ truyền; đồng thời nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã trong cộng đồng y học cổ truyền.