Quan Công thường được gắn với biểu tượng của trung hiếu và nhân nghĩa. Mỗi đạo lại tôn xưng Ngài với những tên gọi khác nhau, như: Đạo giáo tôn là Võ Thánh Đế, Nho giáo tôn là Quan Thánh Đế, Phật giáo tôn là Già Lam Bồ Tát và trong dân gian tôn xưng là Võ tài thần.
Tương truyền, năm 220, Quan Vũ thua trận và bị Tôn Quyền giết. Quyền đưa đầu của Quan Vũ sang cho Tào Tháo, rồi chôn thân xác tại Đương Dương. Tháo nhận được và nghĩ tới sự trung nghĩa và ân tình của Vũ, nên đã chôn cất đầu của Vũ tại Lạc Dương.
Theo "Phật tổ thống kỉ. Trí giả truyền" ghi: năm 592, Trí Nghỉ đại sư, người sáng lập Phật giáo Thiên Đài Tông đến Kinh Châu thấy nơi đất thiêng, muốn xây tịnh xá, liền dựng một lều cỏ để tịnh tâm tu hành. Có một ngày, khi Đại sư đang tọa thiền, Quan Vũ cùng con trai đến vấn an và muốn giúp Đại sư xây chùa, để hộ trì Phật pháp. Sau bảy ngày nhập định, Trí Nghỉ đại sư mở mắt ra đã thấy chùa xây xong. Quan Vũ cùng dân chúng tham gia nghe Đại sư giảng Phật pháp, cảm nhận được sự huyền diệu và xin Đại sư cho được thụ giới.
Trong "Ngọc truyền tự chí" ghi: thời Tùy Văn Đế, Trí Giả đại sư đến Ngọc Tuyền, Quan Đế dùng thần lực xây nên chùa và xin thụ giới. Quan Vũ là Già Lam Bồ Tát mà Phật giáo nói tới, là thần bảo hộ chính pháp; cùng với Bồ Tát Vi Đà là hai đại hộ pháp nổi tiếng nhất trong Phật giáo. Già Lam giữ hộ pháp bên phải.
Theo "Thất phật bát bồ tát đại đà la ni thần chú kinh" ghi lại: Phật giáo có 18 vị thần Già Lam, trong đó lấy đại diện chính là Quan Công (Già Lam Bồ Tát). Thời Đường, Tống, đạo trường của Thiền Tông bắt đầu thờ cúng Già Lam Bồ Tát Quan Công. Già Lam Bồ Tát vốn chỉ thần hộ vệ Già Lam (nói chung chỉ chùa). Sau diễn biến là Thiện thần bảo vệ Phật pháp. Trong Phật giáo, tới ngày 13/5 âm lịch, là ngày Thánh đản của Già Lam Bồ Tát.
Khi vào một số chùa, chúng ta thấy Già Lam Bồ Tát Quan Công, thân mặc áo bào xanh, trước ngực có hộ giáp, tay cầm Thanh long yểm nguyệt đao, chân đi giày đen hơi nhấc lên, cho chúng ta cảm giác trang nghiêm và thần thánh.
Chử Cường (sưu tầm và dịch)